Fitch Ratings: Áp lực thanh khoản đang giảm dần

(khoahocdoisong.vn) - Theo Fitch Ratings, việc dòng vốn nước ngoài rút ra từ thị trường tài chính của các nước ASEAN chậm lại trong tháng 5 đã làm giảm áp lực thanh khoản từ bên ngoài đối với các nền kinh tế trong khu vực, trong đó có Việt Nam.

Theo một đánh giá mới đây từ Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings, áp lực thanh khoản do dòng vốn nước ngoài rút ra từ Việt Nam, cùng các nước khác trong khu vực ASEAN, đang có xu hướng giảm. Tuy nhiên, dòng vốn nước ngoài chảy vào các thị trường trong khối sẽ khó sôi động trở lại trong một hoặc hai năm tới và sự biến động có thể quay trở lại trong thời gian tới khi môi trường của sự không chắc chắn tăng cao. Do đó, thanh khoản từ bên ngoài sẽ vẫn là một điểm yếu xếp hạng cho một số nền kinh tế của ASEAN.

Theo Ngân hàng HSBC, các nhà đầu tư ngoại đã rút ròng 651 triệu đô la khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam từ đầu năm cho tới thời điểm cuối tháng 5 vừa qua. Chỉ số VN-Index đã giảm 10,6% so với đầu năm trong tháng 3 vừa qua và chỉ mới phục hồi trong tháng 5 nhờ lực cầu của các nhà đầu tư trong nước. Thanh khoản trong nước qua đó được cải thiện.

Tỷ lệ thanh khoản bên ngoài (external liquidity ratio) của Việt Nam trong năm 2019 được Fitch tính toán ở mức 253,1%, chỉ đứng sau Philippines (392,6%) và trên các nước khác như Thái Lan, Lào, Indonesia và Malaysia. Đây là thước đo lường năng lực thanh khoản đến từ dòng vốn ngoại của một quốc gia, trong đó số tỷ lệ phần trăm tài sản bên ngoài trên nợ bên ngoài càng cao thì khả năng thanh khoản của quốc gia đó đang ở một vị thế tốt hơn.

Fitch Ratings cho rằng dòng vốn rút ra từ ASEAN đã tăng tốc trong quý 1 khi đại dịch Covid-19 làm tăng sự phòng ngừa rủi ro của các nhà đầu tư đối với các thị trường mới nổi. Điều này được phản ánh qua sự suy yếu của các đồng tiền tệ trong khu vực so với đồng đô la Mỹ trong tháng 3, bao gồm đồng baht của Thái Lan, đồng ringgit của Malaysia, đồng rupiah của Indonesia và tiền đồng Việt Nam. Dự trữ ngoại hối tại các nước nhìn chung cũng đã giảm, vì các ngân hàng trung ương tìm cách làm chậm tốc độ việc mất giá của đồng nội tệ. Áp lực đối với tỷ giá trong khu vực đã giảm bớt hoặc thậm chí đảo ngược kể từ cuối tháng 3 khi niềm tin của các nhà đầu tư vào các thị trường mới nổi đã được cải thiện.

Tuy nhiên, theo Fitch Ratings, áp lực thanh khoản bên ngoài trong khối ASEAN vẫn có thể xuất hiện trở lại dù đã có dấu hiệu cho thấy sự chậm lại của dòng vốn ngoại rút ra khỏi đây. Nguyên nhân có thể đến từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Tất cả sẽ phụ thuộc vào sự phục hồi của nền kinh tế trong khu vực, cùng với việc hy vọng các thị trường xuất khẩu chính của ASEAN sẽ cải thiện được tình hình trong nửa cuối năm 2020.

Theo Đời sống
back to top