F0 tăng chóng mặt: Phụ huynh “cân não” khi cho con đến trường

Sĩ số học sinh nhiều lớp học ở Hà Nội vơi dần khi ca F0, F1 tăng nhanh và hàng loạt phụ huynh đã xin cho con dừng học trực tiếp do lo sợ dịch bệnh.

Hàng loạt phụ huynh xin cho con học trực tuyến

Ngày 23/2, chị Nguyễn Hoàng Yến, phụ huynh học sinh lớp 8, Trường THCS Nam Trung Yên, Hà Nội nhận được thông báo từ cô giáo chủ nhiệm, lớp con gái chị sẽ chuyển trạng thái học online thay vì học trực tiếp.

Lý do là vì, số học sinh chưa đến trường được của lớp tăng mỗi ngày, đã trên nửa lớp học online bởi các học sinh thuộc diện F0, F1 phát sinh. Thậm chí, có nhiều học sinh thuộc diện F1 có nguy cơ trở thành F0 với nguồn lây từ gia đình.

“Trước sự lo lắng của các phụ huynh, để đảm bảo an toàn cho các con cũng như đảm bảo chất lượng việc học tập cho tất cả các con trong lớp, nhà trường dự kiến chuyển cả lớp sang học online”, thông báo viết.

Chị Yến cho biết, việc con phải chuyển từ học trực tiếp sang học online là điều chị không mong muốn, bởi việc học online đã có quá nhiều hệ lụy tới sức khỏe của các con.

“Tuy nhiên, các ca F0 “nảy số” mỗi ngày ở Hà Nội, số học sinh và giáo viên nhiễm Covid-19 tăng nhanh, việc cho con đi học lúc này thực sự là “cân não” với các phụ huynh. Cho nên, tôi nhất trí phương án cho các con học trực tuyến lúc này. Theo thông báo của giáo viên chủ nhiệm, ngày mai (1/3), con lại đến trường học trực tiếp, thực sự là rất lo lắng”, chị Yến cho hay.

hoc-truc-tiep-binh-chon.jpg
Phụ huynh lớp con gái chị Mai bỏ phiếu cho con tiếp tục học trực tuyến.

Chị Nguyễn Hoàng Mai, phụ huynh của một học sinh lớp 9 ở Cầu Giấy cho biết, con trai chị vừa mắc Covid-19 với những triệu chứng khá nặng. Cháu bị sốt cao, uống thuốc hạ sốt không dứt, ho nhiều, suýt phải đi cấp cứu. Bác sĩ yêu cầu gia đình cho con nghỉ ngơi, không bắt con học, ít nhất là trong 10 ngày để con hồi phục sức khỏe.

Từ trường hợp cậu con trai lớn nên chị không đồng ý cho con gái học lớp 7 đến trường học trực tiếp. Chị cùng một số phụ huynh đã viết đơn kiến nghị nhà trường cho học sinh tiếp tục học trực tuyến.

“Cũng chỉ còn khoảng hơn 2 tháng nữa là nghỉ hè. Các con cũng đang quen với việc học trực tuyến rồi, trong khi dịch bệnh đang căng thế này, sao lại cho các con đi học trực tiếp? Dù các con đã tiêm văcxin, nhưng tình trạng thay phiên nhau là F0 rồi F1 thế này ảnh hưởng tới sức khỏe, tâm lý các con. Nên cho các con học trực tuyến, rồi tùy tình hình quyết định tiếp”, chị Mai nói.

Theo ghi nhận của phóng viên, giữa việc cho trẻ học trực tuyến và cho trẻ đến trường học trực tiếp đã khiến các phụ huynh “chia phe”, tranh cãi. Trong đó, “phe” ủng hộ học sinh đến trường thì cho rằng, người lớn đã đi làm, đi chơi, không có cớ gì giữ trẻ ở nhà, đó là điều ích kỷ. Các con đã tiêm vắc xin, nếu có nhiễm, cũng sẽ hồi phục nhanh, không nên ngăn việc cho trẻ đến trường.

Lớp học trực tiếp chỉ còn vài em, việc đến trường không còn nhiều ý nghĩa

Cô Lê Hương Lan, giáo viên trường THPT ở Nam Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ, ngay khi trở lại trường học trực tiếp sau Tết Nguyên đán, số F0 đã tăng chóng mặt. Trường cô cũng có hơn 10 giáo viên là F0 vẫn phải cố dạy. Theo đó, cứ đỡ mệt là dạy, kẻo thiếu giáo viên. Học sinh đi học trực tiếp ở trường lại nối camera với giáo viên dạy ở nhà.

lop-hoc-truc-tiep-chi-co-vai-hoc-sinh-den-truong.jpg
Một lớp học trực tiếp (lớp 1) tại Hà Nội chỉ lác đác vài học sinh đến trường. Ảnh: Giáo viên cung cấp.

Theo cô Lan, giáo viên cũng phải thích nghi kết hợp giữa dạy trực tiếp và dạy trực tuyến nhưng rất vất vả, “quay cuồng” khi cùng một lúc phải kiểm soát cả lớp học trực tiếp và kết nối với các học sinh là “F” ở nhà.

“Bản thân tôi mong ngóng được đến trường. Nhưng thực sự đến trường trong bối cảnh này thấy có rất nhiều xáo trộn. Những học sinh bị nhiễm bệnh mệt mỏi, phải nghỉ học hoặc học khó tập trung. Những học sinh là F1, có khi phải học dồn lớp, thay đổi thầy cô, nhiều em chưa thích nghi được”, cô Lan cho biết.

Cô giáo Lê Huyền, Trường Tiểu học Thụy Lâm A, Hà Nội chia sẻ, trước khi thành phố có quyết định cho học sinh lớp 1-6 ngoại thành dừng học trực tiếp, lớp cô cũng chỉ đảm bảo được khoảng 50% sĩ số học trực tiếp. Giáo viên cùng một lúc dạy cả hai lớp, cả online và trực tiếp.

“1h15 chiều giáo viên đến trường phối hợp đo thân nhiệt học sinh, 2h kém 15 lên lớp, 2h dạy, 2h 30 làm xong báo cáo trực tuyến số lượng học sinh. Khoảng 5h học sinh về thì các cô lại vệ sinh lớp. Cũng vất vả hơn nhiều so với bình thường, nhưng vẫn cố gắng được”, cô Huyền chia sẻ.

Cũng theo cô Huyền, thực tế, có một số phụ huynh dù học sinh không là F cũng vẫn xin cho con nghỉ học. Có những lớp học chỉ còn vài học sinh đến trường học trực tiếp, nhất là đối với học sinh lớp 1.

hoc-sinh-thpt-nguyen-gia-thieu.jpg
Một lớp học của Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội cũng chỉ có nửa số học sinh đến trường.

Trao đổi với phóng viên Khoa học và Đời sống, nhiều giáo viên cho biết, ai cũng thấy rõ học trực tuyến có nhiều bất cập, được đến trường là mong muốn của cả học sinh và giáo viên.

Tuy nhiên, mục đích của việc học trực tiếp là để học trò được gặp gỡ nhau, gặp thầy cô, được giao lưu, xả stress so với học trực tuyến, nếu chỉ còn vài bạn trong lớp đến trường, học trong lo lắng, hoặc lớp học trực tiếp lại kết nối với cô, thầy trực tuyến ở nhà… thì việc đến trường không còn nhiều ý nghĩa.

Trong khi đó, có những trường số giáo viên bị F0 rất nhiều, vừa bị bệnh, vừa vẫn phải đảm đương công việc do thiếu giáo viên sẽ rất vất vả.

“Tôi cho rằng, cần phải linh hoạt, tùy vào tình hình dịch bệnh để có những quyết định phù hợp. Nếu một lớp học trực tiếp mà chỉ còn vài học sinh đi học thì nên cho học trực tuyến, như vậy sẽ tốt hơn”, một giáo viên cho hay.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trả lời chất vấn việc cho trẻ đến trường

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trả lời chất vấn việc cho trẻ đến trường

Chiều 25/2, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về tình hình tổ chức triển khai dạy học trong bối cảnh Covid-19. Tại phiên giải trình, nhiều ý kiến của đại biểu đã xoay quanh về việc đảm bảo an toàn cho học sinh khi trở lại trường học.

Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong bối cảnh hiện nay sẽ rất khó có một phương án thỏa mãn được tất cả yêu cầu, nên chỉ có thể cân nhắc, lựa chọn một phương án khả dĩ nhất. Tùy theo tình hình thực tế, các địa phương phải chủ động, linh hoạt đưa học sinh trở lại trường.

Việc mở cửa trường học là mong muốn, nguyện vọng của giáo viên, phụ huynh, học sinh và của toàn xã hội.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chia sẻ với những lo lắng của phụ huynh, "nhưng việc đưa học sinh quay lại trường là xu hướng tất yếu, không thể khác. Đến nay, tỷ lệ học sinh trở lại trường đạt trên 88%, tăng gần 20% so với thời điểm trước”, ông Sơn cho hay.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, qua quá trình đi kiểm tra thì thấy, tâm lý của giáo viên, học sinh đã ổn định. Chỉ có phụ huynh còn có những lo lắng, bất ổn.

Trưởng ngành giáo dục thừa nhận, việc đưa học sinh quay lại trường phát sinh nhiều vấn đề chưa có trong chính sách, sẽ tiếp tục xem xét, điều chỉnh, bổ sung các quy định.

Theo Đời sống
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top