Ép trẻ thiền sâu mang nhiều tác hại

(khoahocdoisong.vn) - Thực tế, thiền đem lại rất nhiều lợi cho trẻ. Tuy nhiên, nếu cố ép trẻ thiền sâu hay áp dụng phương pháp không phù hợp có khi còn phản tác dụng với trẻ.

Thiền rất hữu ích trong việc phát triển nội tâm của trẻ

Trong yoga, thuật ngữ “Thiền” được gọi là “Dhyana” nghĩa là “Dòng chảy của tâm trí”. Đây là một trạng thái tinh khiết và tập trung cao độ khi tâm trí xuôi chảy không gì ngăn trở, hoàn toàn đắm mình trong ý nghĩ về “Ý thức vũ trụ”.

Thực tế, thiền mang lại rất nhiều lợi ích cho trẻ em. Nó giúp cho trẻ phát triển sâu bên trong nội tâm, cư xử điềm đạm hơn trong hoạt động thường ngày, bình tĩnh giải quyết mọi vấn đề của cuộc sống, những cơn tức, cáu giận sẽ được kìm xuống, giải tỏa căng thẳng trong học tập, tăng khả năng tập trung, IQ của trẻ…

Theo chị Trịnh Nhật Linh (Lynn Harley) – huấn luyện viên Yoga, thiền thực chất là phương pháp phát triển nội tâm, tinh thần, nội lực bên trong của con người. Ở Hoa Kỳ và Úc  hiện nay, trong các lớp học đã có giờ học thiền để phát triển nội tâm của trẻ. Các tiết học thiền (hay còn gọi là tiết học phát triển nội tâm) được sắp xếp xen kẽ với các giờ hoạt động khác tại trường như: Thiền ăn,  thiền lắng nghe, thiền tập thở với thú cưng hay thiền ngủ,…

Chị Trịnh Nhật Linh cho biết, trẻ em từ 6 đến 8 tuổi là độ tuổi an toàn để bắt đầu tập yoga. Tuy nhiên không phải là độ tuổi cần thiền sâu và quá lâu bởi trẻ ở độ tuổi này thường hiếu động, ưa khám phá, tìm tòi và dễ bắt chước. Bố mẹ nên hướng dẫn cho trẻ làm những động tác đơn giản như động tác thư giãn xác chết Shavasana ở cuối mỗi bài tập yoga hoặc sau khi trẻ hoạt động xong bất cứ một môn thể thao nào thì cũng nên cho trẻ nằm nghỉ ở động tác thả lỏng cơ thể (Shavasana).

Trong khi trẻ thực hành động tác đó, không bắt ép trẻ phải cảm nhận hơi thở mà sẽ sử dụng trí tưởng tượng. Thông thường, có 3 loại thiền dành cho trẻ em là: thiền quả bóng (dạy trẻ hít vào thật sâu rồi phồng bụng lên như một quả bóng), thiền thần tượng (sử dụng hình ảnh người mà trẻ thần tượng để trẻ nghĩ tới những đức tính, vẻ đẹp của người đó), thiền thư giãn hay còn gọi là động tác xác chết Shavasana (cho trẻ nằm xuống sàn và thực hiện động tác hít vào thở ra, thả lỏng cơ thể).

thien-sau-1.jpg

thien-sau-1.jpg

Không nên bắt trẻ thiền nhiều, thiền sâu

Chị Trịnh Nhật Linh cho rằng, bản chất của các trẻ là hiếu động, là sự hoạt động liên tục. Do đó,  yêu cầu trẻ ngồi im lâu và tập trung là điều rất khó khăn. Nếu cứ cố ép trẻ phải ngồi thiền sâu thì  sẽ tạo ra ức chế tâm lý và như thế sẽ phản tác dụng.

Thông thường, trẻ sẽ vui vẻ, hòa đồng, điềm tĩnh nhưng nếu ép buộc trẻ thì sẽ gây cho trẻ ức chế, hay cáu bẳn, cáu gắt, thậm chí là làm những hành động mà bố mẹ không thể kiểm soát được. Vì vậy, không nên ép trẻ mà để cho trẻ thoải mái, có thể để trẻ thiền trong 30 giây, 1 phút và hôm sau sẽ kéo dài hơn.

Đổi phương pháp thiền khác nhau cho trẻ để xem trẻ phù hợp với phương pháp nào nhất. Tạo thói quen cho trẻ thiền sau mỗi bài tập yoga mỗi ngày và luôn luôn tạo cho trẻ tâm lý thoải mái nhất. Độ tuổi thích hợp nhất cho trẻ để bắt đầu tập thiền là từ 6 tuổi trở lên, vì lúc đó trẻ có thể hiểu được những điều mà người lớn truyền đạt.

Theo Đời sống
back to top