Ép chọn giới tính có phải là bạo lực gia đình?

"Bắt ép trong lựa chọn giới tính thai nhi có phải là hành vi bạo lực gia đình hay không thì chúng ta phải tính toán xét cả về khía cạnh pháp lý và thực tiễn", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.

Chiều 16/4, Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Khoản 1 điều 4 của dự thảo nêu 16 hành vi được coi là bạo lực gia đình, tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị bổ sung thêm hành vi ép lựa chọn giới tính thai nhi vào điều khoản nói trên.

Cần nhận diện rõ hành vi bạo lực gia đình

Theo lãnh đạo Quốc hội, đây là một loại bạo lực về giới. Nhiều phụ nữ có thai nhưng giới tính thai nhi không theo ý muốn phải chịu những định kiến "rất khủng khiếp", nhất là từ phía người chồng, người thân trong gia đình. Vì vậy, ông đề nghị ban soạn thảo xem xét vấn đề trên cả khía cạnh pháp lý và thực tiễn.

202204141609196206chu-tich-quoc-hoi-vuong-dinh-hue5-1650101979346.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên họp. Ảnh. Dân Trí

Song, bạo lực gia đình vẫn là một vấn đề nhức nhối, nan giải ở Việt Nam. Nhiều vụ việc có mức độ gây hại nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, tinh vi, khó lường và khó xử lý bằng các quy định pháp luật hiện hành.

Nêu vấn đề cụ thể, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị ban soạn thảo làm rõ để nhận diện các hành vi bạo lực gia đình, nạn nhân của bạo lực gia đình. Chủ tịch Quốc hội cảm nhận lần sửa đổi, bổ sung luật này làm tương đối tốt về biện pháp bảo vệ đối với các hành vi bạo lực gia đình. Nhưng những nội dung về bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục thì cần phải rà soát để làm đậm hơn.

"Nhiều khi bạo lực tinh thần còn nguy hiểm hơn bạo lực về thể chất. Phụ nữ và trẻ em là các đối tượng bị bạo lực tinh thần nhiều nhất", Chủ tịch Quốc hội nói và đề nghị rà soát toàn diện hơn về các hành vi bạo lực gia đình trên cơ sở bảo đảm tương thích với quy định của pháp luật quốc tế như hãm hiếp trong hôn nhân, loạn luân, kết hôn sớm và lựa chọn giới tính thai nhi.

"Nhiều chuyên gia cho rằng, việc lựa chọn giới tính thai nhi bắt buộc cũng là hành vi bạo lực gia đình, liên quan đến giới. Vậy việc bắt ép, bạo hành trong lựa chọn giới tính thai nhi có phải là hành vi bạo lực gia đình hay không thì chúng ta phải tính toán xét cả về khía cạnh pháp lý và thực tiễn", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.

Vấn đề nữa, theo Chủ tịch Quốc hội, cần phải quy định rõ, cụ thể cơ quan nào là chủ trì, cơ quan nào là phối hợp trong việc phòng ngừa bạo lực gia đình để quy trách nhiệm cụ thể.

"Những vụ việc như cháu bé 3 tuổi bị người tình của mẹ đóng đinh vào đầu, việc phát hiện ngăn chặn xử lý không kịp thời thì quy trách nhiệm cho ai?", ông Huệ nêu và cho rằng, nếu không quy định rõ trách nhiệm, ai cũng nghĩ việc là của người khác thì hiệu quả công việc sẽ không cao.

Ép con học quá mức cũng là một dạng bạo lực gia đình?

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng cho biết, ngay từ đầu cơ quan này đã đồng hành với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và đơn vị liên quan đóng góp ý kiến để hoàn thiện dự án Luật Phòng chống bạo lực gia đình sửa đổi.

202204161532071095thu-truong-bo-lao-dong-thuong-binh-va-xa-hoi-le-tan-dung-1650101979366.jpg
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng phát biểu tại phiên họp. Ảnh. Dân trí

"Trên cơ sở ý kiến của Thường vụ Quốc hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan soạn thảo để rà soát, đối chiếu với các quy định hiện hành có liên quan đến ngành như Luật Trẻ em, Luật Bình đẳng giới để rà soát, điều chỉnh đảm bảo cho các luật không bị vênh nhau trong quá trình thực hiện", ông Dũng nói.

Theo Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, những nội dung dự kiến phân công trong luật, đối với ngành lao động, thương binh và xã hội cũng rất rõ. Cụ thể như nội dung phòng, chống bạo lực gia đình gắn vào các chương trình như bình đẳng giới hoặc chương trình bảo vệ trẻ em, trong đào tạo nghề và giải quyết việc làm.

"Đây cũng là những vấn đề đã đề cập trong phân công trách nhiệm, chúng tôi thấy rất rõ. Hoặc hướng dẫn việc thực hiện trợ giúp những người bị bạo lực gia đình tại các cơ sở trợ giúp xã hội", Thứ trưởng Dũng chia sẻ.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đề cập đến bạo lực gia đình liên quan việc dạy và học tập của trẻ em.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đề cập đến bạo lực gia đình liên quan việc dạy và học tập của trẻ em vì thời gian gần đây đã xảy ra các sự việc đau lòng.

202204161532071095bo-truong-bo-giao-duc-va-dao-tao-nguyen-kim-son-1650101979354.jpg
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đề cập đến bạo lực gia đình liên quan việc dạy
và học tập của trẻ em. Ảnh. Dân trí

"Những kỳ vọng quá lớn của cha mẹ với con cái dẫn đến yêu cầu các cháu phải học đến 3 - 4 giờ sáng cũng như mong muốn con cái cứ phải được điểm 10, phải đi theo nghề nghiệp cha mẹ, trở thành hãnh diện của cha mẹ... đã tạo ra áp lực, vượt quá năng lực, khả năng của trẻ em", Bộ trưởng Sơn nói và đề nghị cần diễn đạt rõ khi trong dự thảo mới nêu không được tạo áp lực trong lao động, học tập.

Ông Sơn cũng đề nghị, nên xem xét việc không dạy hoặc dạy thái quá; cưỡng ép trong lựa chọn, định hướng nghề nghiệp trái với nguyện vọng của trẻ em là bạo lực gia đình.

Theo Đời sống
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top