Duyên nghiệp với sử học

Thích học toán, lý, có năng khiếu về khoa học tự nhiên, rất ghét các môn xã hội, nhưng rồi GS Phan Huy Lê lại rẽ sang sử học. Lý do ông đến với sử học có lẽ chỉ có thể diễn tả bằng chữ “duyên”: Khi đi bộ từ Hà Tĩnh ra Thanh Hóa, do điều kiện chiến tranh, đi mất nhiều thời gian hơn nên khi đến nơi, ngành toán học đã được đăng ký hết rồi, chỉ còn ngành sử, nên ông buộc phải chọn.

GS Phan Huy Lê

Không học sử thì về cày ruộng

Cả cuộc đời nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, nhưng ít ai biết rằng GS Phan Huy Lê không chọn lịch sử là lĩnh vực yêu thích để theo học.

Ông kể, năm 1950 ông tốt nghiệp THPT, vì trong vùng kháng chiến khu 4 cũ chỉ có một trung tâm giáo dục đại học duy nhất là trường dự bị đại học đặt ở Thanh Hóa. Ông nộp đơn vào học toán lý vì khi còn học phổ thông, ông rất mê môn toán và lý. Ngày nhập học, ông phải đi bộ từ Hà Tĩnh ra Thanh Hóa.

Hoàn cảnh chiến tranh, ông và mấy người bạn đi men theo đường quốc lộ 1 nhưng chỉ buổi tối mới đi được, ban ngày thì không thể di chuyển. Bình thường đi mất 3 ngày, nhưng ông đi mất đến 7 ngày mới đến nơi. Ra đến nơi thì chậm mất 5 ngày.

GS Phan Huy Lê kể: “Đến nơi thì giám đốc nhà trường là GS Trần Văn Giàu nói rằng: Các chú xin vào toán lý thì tôi rất là hoan nghênh, nhưng các chú ra muộn rồi. Bây giờ chỉ còn lại văn khoa thôi, các chú muốn học thì đăng ký, nếu không thì các chú trở về quê cày ruộng thôi.

Lúc bấy giờ tôi buồn lắm! Sau này gặp lại tôi có nói với GS Trần Văn Giàu là sao lúc đó nói phũ phàng thế, thì ông bảo, thời điểm chiến tranh nó phải thế.

Lúc đó tôi buồn ghê gớm lắm. Môn sử là môn tôi không thích một chút nào cả. Nên những năm đầu tiên theo học văn sử địa, tôi vẫn dành thì giờ đi nghe ở lớp toán, lý.

Lúc bấy giờ tôi bị kiểm điểm gay gắt lắm, vì không chuyên tâm vào học tập. Thế hệ của tôi là không được lựa chọn. Từ chỗ bắt phải học lịch sử thì tôi lại thành thích sử.

Tôi nghiệm ra rằng ngành khoa học nào cũng có vị trí trong đời sống. Vấn đề là phải say mê nó, sống chết với nó, có đóng góp cho nó thì mới có hứng thú trong nghiên cứu”.

Viết lịch sử bằng quan điểm mới

GS Phan Huy Lê khẳng định, lịch sử Việt Nam không chỉ riêng có lịch sử của người Việt mà tất cả những gì diễn ra trong không gian lãnh thổ đều là lịch sử Việt Nam. Đó chính là cách tiếp cận bộ phận, viết lịch sử bằng quan điểm mới mà ông thực hiện để nghiên cứu công trình này.

Chỉ chọn từng bộ phận để nghiên cứu, nhưng phải làm sao để bộ phận đó phải là chính yếu, liên kết được với nhau trong cả hệ thống. Cuốn sách tập hợp nhiều bài báo, nhiều công trình nghiên cứu trong và ngoài nước từ những năm cuối thế kỷ trước đến hết thập kỷ đầu của thế kỷ này.

Đó là những vấn đề khoa học mà các nhà nghiên cứu về lịch sử văn hóa Việt Nam trong nước và thế giới quan tâm bậc nhất. Cuốn sách có 9 chương nhưng ông chỉ chọn một số đối tượng chủ yếu để tiếp cận.

Trước đây người ta nhìn lịch sử Việt Nam như là lịch sử của người Việt. Người Việt đến đâu thì lịch sử ghi nhận lại ở đó. Bắc Bộ sớm nhất, Trung bộ là sau khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ vùng này sau năm 1558, rồi Nam Bộ là phải từ đầu thế kỷ XVII, lúc nhóm di dân người Việt đầu tiên vào khai phá vùng này.

Cách tiếp cận đó là truyền thống, đơn tuyến, nhìn lịch sử đơn thuần là lịch sử của người Việt. Cách nhìn này kéo dài từ thời kỳ quân chủ đến những năm 80 của thế kỷ trước.

Thế là ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ, người ta đặt câu hỏi, vậy trước khi có người Việt vào đây, lịch sử của vùng này như thế nào. “Tôi có một kỷ niệm sâu sắc là sau 1975 tôi trong đoàn trí thức miền Bắc vào giao lưu với trí thức Nam Bộ, trong buổi giao lưu đó thì các bạn có thắc mắc có một khoảng trống lớn là Nam Bộ trước thế kỷ XVII như thế nào dường như vẫn là khoảng không bí ẩn không ai biết.

Tôi tiếp xúc với bà con thì họ cũng đặt ra câu hỏi ấy, trước khi người Việt vào đây thì lịch sử Nam Bộ là cái gì, sao không ghi nhận trong lịch sử. Vấn đề tưởng đơn giản nhưng phải mất nhiều thời gian mới làm được”, GS Phan Huy Lê chia sẻ.

“Các cộng đồng cư dân từng sinh sống trên lãnh thổ này, góp phần xây dựng nên vùng đất này, bảo vệ Tổ quốc này, đều phải được ghi vào lịch sử.

Tôi nghĩ rằng phải nhận thức lại toàn bộ lịch sử Việt Nam như thế nào cho đúng. Hay là khi nghiên cứu thời Bắc thuộc người ta rất băn khoăn, hơn 1 nghìn năm là thử thách vô cùng lớn của cả dân tộc, thì nó kết thúc như thế nào?

Có người lấy năm 905 lúc Khúc Thừa Dụ dựng chính quyền tự chủ, có người lấy năm 938 khi Ngô Quyền đánh tan quân xâm lược Nam Hán trên sông Bạch Đằng. Rõ ràng năm 905 là thời điểm quan trọng, từ chính quyền Bắc thuộc đến chính quyền tự trị, nhưng từ 905 đến 938 thì nói rằng chúng ta hoàn toàn độc lập thì chưa phải.

Tôi kết luận rằng, thời Bắc thuộc kết thúc bằng một giai đoạn giành tự chủ cho đến lúc độc lập hoàn toàn. Trong giai đoạn đó, trận đánh có ý nghĩa quyết định là trận Bạch Đằng, nhưng phải đánh cho đến lúc giặc không thể nào cướp nổi mảnh đất này thì lúc đó mới độc lập hoàn toàn.

Và sau năm 938 thì chúng ta mới thực sự thoát khỏi Bắc thuộc, mở ra thời kỳ độc lập lâu dài từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX”, GS Phan Huy Lê chia sẻ.

Tư liệu về Việt Nam có ở khắp thế giới

Để có được những tư liệu hoàn thành công trình, GS Phan Huy Lê phải đi khắp các nước để tìm tư liệu về Việt Nam. Ông bảo, muốn tiến hành công trình phải thu thập đầy đủ thông tin mà trong sử học người ta gọi là sử liệu. Trước đây người ta quan niệm sử liệu chỉ là tài liệu chữ viết, nhưng sử học hiện đại thì khái niệm này được mở rộng.

“Tôi đưa ra định nghĩa, sử liệu học là tất cả những thông tin gì có thể trực tiếp, gián  tiếp phản ánh đối tượng nghiên cứu. Quan niệm về sử liệu như vậy là rất rộng lớn, cả tài liệu chữ viết, khảo cổ khai quật, di sản văn hóa, trong cả ngôn ngữ, phong tục tập quán, trong các nghề truyền thống…

Công tác sử liệu vốn gian khổ. Ở ta thì tôi buồn vì có một số nhà khoa học chưa quan tâm lắm đến công tác sử liệu, trong đó thì tôi buồn nhất là một số bạn trẻ rất lười thu thập sử liệu. Làm sử liệu vất vả lắm.

Nghiên cứu lịch sử văn hóa Việt Nam cũng thế. Công tác sử liệu trong nước đơn giản, nhưng các kết quả nghiên cứu ngoài nước, trong đó chứa các quan niệm mới của các nhà nghiên cứu nước ngoài mà còn có những tư liệu mang tính phát hiện.

Tư liệu về Việt Nam có ở rất nhiều nước trên thế giới như Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, đặc biệt là tư liệu về chiến tranh Việt Nam tập hợp ở Trung tâm Việt Nam ở Texas (Mỹ) đồ sộ bậc nhất trên thế giới hiện nay, rồi ở Trung Quốc cũng có, Hàn Quốc không ít. Sách của tôi không tập hợp quá nhiều tư liệu chi tiết, không đi sâu vào từng vấn đề riêng lẻ mà chỉ nghiên cứu ở chiều sâu cần thiết nhưng có tính hệ thống”.

Nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, nhìn nhận về văn hóa của giới trẻ hiện nay ông bảo, qua các phương tiện thông tin đại chúng và qua tiếp xúc trực tiếp với những người trẻ, ông thấy trong văn hóa lớp trẻ hiện nay có những chuyển đổi mang tính tiên phong rất đáng khích lệ nhưng cũng bộc lộ không ít những tiêu cực, gây nên sự lo lắng trong xã hội. Dù có những mặt hạn chế, ông luôn có thái độ lạc quan đối với giới trẻ, rất tin tưởng, lạc quan về lớp trẻ.

Công trình Lịch sử và văn hóa Việt Nam: Tiếp cận bộ phận của GS Phan Huy Lê đời trên cơ sở tập hợp những kết quả nghiên cứu của tác giả từ năm 1998 đến năm 2007. Qua Lịch sử và văn hoá Việt Nam: Tiếp cận bộ phận, tác giả đã nêu lên, đánh giá và phê phán một cách khoa học những vấn đề căn bản trong ngành Sử học, Việt Nam học và Đông phương học ở Việt Nam, đưa ra những hướng phát triển mới. Đây là những nghiên cứu tổng kết của tác giả sau hơn 50 năm giảng dạy và nghiên cứu lịch sử dân tộc.

Tô Hội

Theo Đời sống
Khách hàng cũng sẽ được thử tay lái với mẫu xe ô tô điện thông minh đầu tiên của Việt Nam – VinFast VF e34.

Vinhomes và VinFast tổ chức sự kiện trải nghiệm bộ đôi “Nhà xanh - Xe điện” tại Hà Nội và TPHCM

Nhằm tri ân cư dân và khách hàng, đồng thời mong muốn lan toả mạnh mẽ xu hướng sống xanh và thông minh, Vinhomes sẽ phối hợp với VinFast tổ chức sự kiện “Nhà xanh xe điện – Mở lối tương lai” tại hai đô thị Vinhomes Ocean Park (Gia Lâm) và Vinhomes Smart City (Nam Từ Liêm) trong hai ngày 23, 24/7 và Vinhomes Grand Park (TPHCM) trong hai ngày 30, 31/7. Khách hàng tham dự sự kiện sẽ được mục sở thị và lái thử bộ đôi ô tô điện thông minh VinFast VF 8 và VinFast e34.
"Bùng nổ" thương mại điện tử ở nông thôn

"Bùng nổ" thương mại điện tử ở nông thôn

Báo cáo nghiên cứu vừa công bố của J&T Express cho thấy, thói quen mua sắm trực tuyến của người Việt phát triển mạnh mẽ trong dịch và duy trì khá bền vững sau đó. Đáng chú ý, nhu cầu mua sắm trên các sàn thương mại điện tử không chỉ ở các thành phố lớn mà đang "bùng nổ" ở nông thôn.
back to top