Được và mất khi ngắt kết nối mạng toàn cầu

(khoahocdoisong.vn) - Chính phủ Nga sẽ thử nghiệm ngắt kết nối với mạng Internet toàn cầu như một biện pháp phòng thủ không gian mạng trong thời gian tới.

Nga đi đầu xây dựng mạng internet riêng

Năm 2018, Nga giới thiệu Chương trình Quốc gia Kinh tế Kỹ thuật số, kế hoạch yêu cầu các nhà cung cấp mạng internet của quốc gia này duy trì chức năng trong trường hợp cả đất nước bị ngắt kết nối với internet toàn cầu. Theo kế hoạch này, các nhà cung cấp internet của Nga sẽ chuyển hướng lưu lượng truy cập web tới các điểm định tuyến trong nước và dựa vào bản sao Hệ thống tên miền (DNS) của riêng họ, các danh mục tên miền và địa chỉ làm nền tảng cho internet toàn cầu.

Các thử nghiệm nếu thành công sẽ cho phép Nga vận hành hiệu quả một mạng lưới internet của riêng họ và tự tách khỏi hệ thống internet toàn cầu khi thấy phù hợp. Mặc dù thời điểm diễn ra thử nghiệm này chưa được công bố, nhưng một số thông tin cho rằng nó sẽ được triển khai trước ngày 1/4/2019, ngày cuối cùng mà các nhà lập pháp Nga đề xuất sửa đổi Chương trình Quốc gia Kinh tế Kỹ thuật số.

Ông Ngô Anh Tuấn, Phó chủ tịch Phụ trách An ninh mạng của Bkav cho rằng, trong chiến tranh hiện đại, không gian mạng được coi là môi trường tác chiến thứ năm, gắn kết chặt chẽ với tác chiến trên không, trên bộ, trên biển và trong không gian vũ trụ. Khi không gian mạng trở thành một chiến trường mới như vậy thì ai sở hữu, nắm trong tay hệ thống mạng có nghĩa đã nắm thế thượng phong trong cuộc chiến đó. Bởi vậy, mỗi quốc gia đều muốn sở hữu và xây dựng mạng internet riêng hoặc có hệ thống cách ly để đảm bảo an toàn cho toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng của mình.

Ví dụ như Triều Tiên có hệ thống mạng riêng và nếu khi xảy ra xung đột thì đơn giản họ chỉ cần ngắt kết nối để đảm bảo mọi hệ thống của họ vẫn có thể hoạt động. Một ví dụ khác về tấn công mạng là cuộc tấn công vào hạ tầng nhà máy điện Ukraina đã làm tê liệt toàn bộ hệ thống điện tại quốc gia này.

Và những thiệt thòi

Khi các cuộc tấn công mạng nhắm vào cơ sở hạ tầng trọng yếu quốc gia, bao gồm các hệ thống nước, giao thông, năng lượng, tài chính và các dịch vụ khẩn cấp... sự gián đoạn của các dịch vụ đó có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế, đời sống của người dân, thậm chí có thể gây ra thương vong về tính mạng. Bởi vậy, việc xây dựng một mạng internet riêng của quốc gia là cách chống lại những nguy cơ này và đảm bảo an toàn cho toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng trọng yếu.

Theo ông Ngô Anh Tuấn, việc xây dựng hệ thống mạng internet riêng để đảm bảo an ninh quốc gia cũng có nghĩa việc truy cập sẽ bị hạn chế và vì vậy hoạt động giao lưu văn hóa, phát triển kinh tế xã hội của đất nước đó cũng phần nào bị ảnh hưởng. Do đó, mỗi quốc gia cần có sách lược để cân bằng giữa phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh quốc gia trong thời đại số hiện nay.

Dự thảo Chương trình Quốc gia về Kinh tế số của Nga yêu cầu các nhà cung cấp mạng internet của nước này phải đảm bảo có thể hoạt động độc lập trong trường hợp bị những quốc gia khác cô lập. Dự luật này được đưa ra sau khi NATO và các đồng minh đe dọa trừng phạt Nga về các hành động tấn công mạng và can thiệp trực tuyến khác. Cơ quan quản lý viễn thông của Nga sẽ giám sát  để ngăn chặn các nội dung bị cấm và đảm bảo rằng những dữ liệu được truyền tải giữa người dùng internet ở Nga sẽ chỉ lưu chuyển trong nước Nga, không bị điều hướng đến các máy chủ ở nước ngoài, nơi chúng có thể bị can thiệp.

Ở Việt Nam khi thảo luận về luật An ninh mạng năm 2018, nhiều người đặt vấn đề các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng phải đặt máy chủ ở Việt Nam. Khi đặt máy chủ ở Việt Nam thì những thông tin về khách hàng, người dùng ở Việt Nam, thông tin, liên quan đến an ninh, chủ quyền quốc gia sẽ khó bị xâm phạm.

Quân đội Nga cũng bắt đầu xây dựng mạng internet riêng có tên Mạng truyền tải thông tin đa dịch vụ trong dự án kéo dài 2 năm, giai đoạn đầu tiên sẽ kết thúc vào cuối năm 2019.

Theo Đời sống
back to top