Dược thiện ích trí, bổ não cho người làm báo

Những người làm báo hay lao động trí óc lâu năm, lao tâm, lao thần, suy nghĩ nhiều dễ sinh ra buồn phiền dẫn tới nhiều bệnh lý. Giải pháp đặc sắc là sử dụng các món ăn – bài thuốc có tác dụng bổ khí, dưỡng huyết, ích thận kiện não nhằm lập lại cân bằng sinh lý vốn có.

Những người làm công việc miệt mài lâu năm thường trung khí bất túc, tâm tỳ đều hư dẫn đến tình trạng sức chú ý không tập trung, năng lực ghi nhớ suy giảm, tính linh hoạt trong việc giải quyết tình huống phức tạp bị sa sút, hay đau đầu chóng mặt, mất ngủ hoặc ngủ không sâu, nhiều mộng mị... Vì vậy, việc bồi bổ thường xuyên là rất quan trọng.

Món ăn - bài thuốc

Kẹo hạnh đào nhân + vừng đen: Hạnh đào nhân 250g, vừng đen 250g, đường đỏ 500g. Cách làm: Hạnh đào nhân và vừng rang thơm, tán vụn; đường đỏ cho thêm nước, cô nhỏ lửa thành dạng cao rồi đổ hạnh đào nhân và vừng vào, quấy đều tay 1 lát là được. Đổ ra đĩa sứ có thoa mỡ, đợi cho thật nguội rồi cắt thành những miếng nhỏ, mỗi ngày ăn 2 lần, mỗi lần 3 miếng. Công dụng: Kiện não, ích trí, bổ thận và làm đen tóc. Dùng để cải thiện trí nhớ, phòng chống bạc tóc sớm và rụng tóc.

Rượu dâu + long nhãn: Tang thầm (quả dâu chín) 50g, long nhãn 50g ngâm trong 2.000ml rượu trắng, sau 2 tuần có thể dùng được, uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 10ml. Công dụng: Bổ thận, ích não. Dùng cho những người trí lực giảm sút, cơ thể suy nhược, hay quên, mất ngủ.

Đuôi lợn hầm hà thủ ô + đỗ trọng: Hà thủ ô 15g, đỗ trọng 9g, đuôi lợn 1 cái, làm sạch, luộc qua, cắt đoạn. Tất cả cho vào nồi hầm nhỏ lửa với 800ml nước, cô còn 300ml nước là được, ăn đuôi lợn, uống nước cốt. Công dụng: Bổ can ích thận. Dùng cho người suy giảm trí lực, đầu choáng mắt hoa, tóc râu bạc sớm, lưng đau gối mỏi, tai ù tai điếc, ngủ kém, hay quên...

Tủy sống bò hấp đông trùng hạ thảo: Tủy sống bò 150g, đông trùng hạ thảo 5g, hoài sơn 10g, gừng tươi, hành và gia vị vừa đủ. Tất cả cho vào liễn sành, ướp gia vị cho thêm 50ml nước, đậy kín miệng rồi đem hấp cách thủy chừng 60 phút là được, chia ăn vài lần.

Công dụng: Bổ trung ích trí, tráng dương an thần. Dùng cho những người trí lực suy giảm do yếu tố bẩm sinh, do mắc bệnh mạn tính, đặc biệt là người già bị sa sút trí tuệ, tinh huyết suy giảm, gầy yếu, lưng đau gối mỏi, mất ngủ, hay quên...

Não lợn + mộc nhĩ đen: Não lợn 1 cái, mộc nhĩ đen 15g, dầu thực vật và gia vị vừa đủ. Não lợn rửa sạch loại bỏ gân máu; Mộc nhĩ ngâm nước ấm cho nở hết. Cho dầu vào chảo, đun nóng gì rồi đổ mộc nhĩ vào xào qua; tiếp tục cho tủy lợn và nửa bát nước vào đun nhỏ lửa trong 30 phút, chế gia vị, ăn nóng. Công dụng: Tư thận bổ não, ích khí hoạt huyết. Dùng cho trường hợp lao động trí óc căng thẳng quá độ phát sinh mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, sức chú ý suy giảm, hay quên....

Trứng cút nấu hạt sen, đại táo: Trứng cút 20 quả, nhãn 10 quả, vải 10 quả, hạt sen 20 hạt, đại táo 5 quả, kỷ tử 6g, đường phèn 60g. Cách làm: Trứng chim luộc chín bóc vỏ; nhãn, vải và đại táo bỏ hạt, hạt sen bỏ tâm. Tất cả cho vào nồi cùng đường phèn, chế đủ nước rồi đun nhỏ lửa chừng 30 phút là được, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: Khai vị ích tỳ, dưỡng huyết an thần. Dùng cho người suy giảm trí lực do tâm huyết suy nhược, tim hồi hộp, mất ngủ, hay quên, chán ăn, đại tiện lỏng loãng...

Những thực phẩm đơn giản giúp ghi nhớ tốt, dự phòng chứng hay quên (kiện vong)

Mật ong: Vị ngọt, tính bình, có công dụng bổ hư, nhuận táo, giải độc, được mệnh danh là “tinh của trăm hoa”. Mật ong rất giàu chất dinh dưỡng, đặc biệt chứa nhiều loại men, axit amin, các vitamin và nguyên tố vi lượng rất cần thiết cho hoạt động của hệ thần kinh trung ương, qua đó cải thiện khả năng ghi nhớ.

Dược thư cổ Thực vật bản thảo đã viết: “Phong mật, cửu phục cường chí khí, khinh thân, bất cơ bất lão, diên niên thần tiên” (uống mật ong lâu ngày sẽ làm mạnh mẽ thần chí, thân thể nhẹ nhàng, không đói không già, sống lâu như thần tiên). Có nhiều cách dùng, nhưng đơn giản nhất là đều đặn mỗi tối uống 2 thìa cà phê mật ong trước khi đi ngủ.

Long nhãn: Vị ngọt, tính ấm, có công dụng ích tâm tỳ, bổ khí huyết, kiện não ích trí. Y thư cổ Khai bảo bản thảo cho rằng long nhãn có khả năng “quy tỳ nhi ích trí” (bổ tỳ mà có ích cho trí tuệ). Sách Bản thảo cương mục cũng viết: “Long nhãn khai vị ích tỳ, bổ hư trường trí” (long nhãn kiện tỳ vị, bồi bổ hư nhược và làm khoẻ tinh thần). Nghiên cứu hiện đại cho thấy, long nhãn có khả năng điều chỉnh hoạt động của vỏ não và cải thiện khả năng ghi nhớ. Để phòng chống tích cực chứng “kiện vong”, dân gian thường dùng long nhãn 500g, đường trắng 500g, nấu thành cao đặc, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 10 - 15ml.

Liên nhục (hạt sen): Vị ngọt, tính bình, có công dụng bổ tỳ chỉ tả, ích thận cố tinh, dưỡng tâm an thần. Y thư cổ Thần nông bản thảo kinh viết “Liên nhục, bổ trung, dưỡng thần, ích khí lực, trừ bách bệnh, cửu phục khinh thân nãi lão” (hạt sen bổ tỳ vị, có lợi cho thần khí, trừ được trăm bệnh, dùng lâu làm nhẹ người và kéo dài tuổi thọ). Thường được dùng chế biến thành các món ăn - bài thuốc như mứt sen, chè hạt sen, cháo hạt sen...

Ngoài ra, theo dinh dưỡng học cổ truyền, còn nhiều loại thực phẩm khác cũng có công dụng làm tăng trí nhớ như não lợn, trứng chim cút, nhân sâm, đông trùng hạ thảo, bá tử nhân, đại táo, các loại đậu, tổ yến, ngân nhĩ, mộc nhĩ, bách hợp, lạc, khiếm thực, hoàng tinh, hoàng kỳ, nấm hương, nấm rơm, nấm kim châm và các loại nấm ăn khác, trứng gà, các loại cá... 

 Người lao động trí óc không nên để đói ngủ, cần ngủ thỏa mãn theo nhu cầu cơ thể, nên ngủ sớm trước 10 giờ đêm vì tình trạng ngủ muộn hơn kéo dài sẽ dễ làm suy nhược não, năng suất lao động trí óc càng giảm, giấc ngủ ban đêm cần được duy trì từ 6 - 8 tiếng, ngủ trưa khoảng 30 phút – 2 tiếng, nếu không ngủ được cũng nên nhắm mắt nằm yên 15 - 20 phút cũng rất có lợi cho sức khỏe. Khi ngủ đủ là cơ thể sẽ tự động dậy sớm vào ngày hôm sau và lúc này ta nên tranh thủ làm tiếp những việc còn lại của ngày hôm trước. Công việc sẽ được giải quyết tốt hơn sau khi sức khỏe đã được hồi phục.

ThS.BS Hoàng Khánh Toàn (nguyên Chủ nhiệm Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108)

Theo Đời sống
Xước da bệnh nhân 52 tuổi nguy kịch vì uốn ván nặng kèm thuyên tắc phổi

Cứu bệnh nhân 52 tuổi bị uốn ván nặng kèm thuyên tắc phổi

Người dân không nên chủ quan với bệnh uốn ván, khi gặp các vết thương cần phải chủ động tiêm ngừa. Trong trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, cần sớm đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, tránh những diễn biến nguy hiểm.
Hà Nội: Ca mắc rubella đầu tiên đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng bệnh

Bệnh rubella nguy hiểm thế nào?

Rubella là bệnh truyền nhiễm do vi rút Alphavirust genus và Rubivirus genus gây ra. Bệnh rubella có tính lây truyền cao dễ gây thành dịch lớn và đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai.
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top