Dùng tóc lọc nước giếng nhiễm dầu

Nước giếng nhiễm dầu khiến người dân hoang mang lo lắng vì ảnh hưởng môi trường và sinh hoạt. Để lọc dầu, người dân có thể dùng tóc.

Hàng loạt giếng nước nhiễm dầu diesel

Sáng 9/4 nhiều người ở khu vực này cho hay giếng nước của gia đình họ bị nhiễm dầu. Đầu tiên là cách đây 4 ngày, chị Thái Thị Hiên (xóm Tân Phúc, xã Hương Trạch, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) phát hiện nước múc từ giếng lên có mùi dầu. Song do gia đình bơm nước lên qua bể lọc thì nước vẫn trong và sử dụng được, không còn mùi nên gia đình vẫn không mấy bận tâm. Nhưng hôm sau gia đình chị múc lên lại nồng nặc, cho lửa vào đốt là bùng cháy.

Sau đó thêm nước giếng của gia đình ông Nguyễn Văn Hiệp (gần nhà chị Hiên) cũng có hiện tượng nước bị nhiễm dầu nặng. Ngoài ra, trong xóm cũng đã có gần chục giếng của các hộ dân bị nhiễm dầu, tuy nhiên mức độ thì chưa nặng.

Ông Cao Quốc Hội, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Trạch (huyện Hương Khê) cho biết, ngay sau khi nhận tin báo của người dân về tình trạng nước giếng nhiễm dầu, chính quyền xã đã phối hợp với trạm y tế xã đến kiểm tra. Kết quả ban đầu ghi nhận tại xóm này hiện có 6 giếng nước của người dân bị nhiễm dầu. Sự việc hiện đã được chính quyền địa phương báo cáo lên lãnh đạo huyện để có phương án xử lý.

Theo nhận định, có thể dầu rò từ bể chứa của một công ty gần đó. Tuy nhiên, điều đáng nói, do giếng nước được dùng để sinh hoạt nên người dân hoang mang chưa biết nên xử lý thế nào.

Trao đổi vấn đề này cùng PGS.TS Hoa Hữu Thu, Bộ môn Hóa học Dầu mỏ, Khoa Hóa, Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội cho hay, dầu bị rò ra môi trường không những làm mất kinh tế, lãng phí mà còn gây ảnh hưởng môi trường. Do đó, đóng giếng hay dùng nước lọc để dùng, người dân cần cân nhắc và có thể áp dụng bằng một số cách đơn giản.

Dùng tóc rối lọc nước nhiễm dầu

Cũng theo vị chuyên gia hóa dầu, trường hợp nước giếng nhiễm ít dầu, tức có váng mỏng, nước có mùi nhẹ người dân nếu cần dùng nước có thể lọc bằng cách dùng tóc. Theo đó, nên dùng khoảng 500-600gr tóc người lọc cùng với các vật liệu khác như cát, sỏi to, sỏi nhỏ…

“Tóc cũng là phân tử hữu cơ phân cực có cấu trúc là các protit, nitơ phốt phát… nên khi dầu đi qua tóc sẽ bị giữ lại. Cách lọc có thể áp dụng như sau: Dùng một chiếc thùng nhựa, cho lớp cát nhỏ phía dưới, sau đó đến lớp sỏi to, sỏi nhỏ, sau lại thêm một lớp cát nữa rồi cho lớp tóc lên trên. Tóc trước khi lọc nên được rửa sạch bằng xà phòng hoặc chanh để đảm bảo an toàn. Người dân có thể dùng tóc dài phụ nữ cắt ra hoặc tận dụng tóc rối đều được. Với cách này có thể lọc nước mà không mất nhiều chi phí, dùng được nước để tạm thời sinh hoạt, ổn định cuộc sống”, PGS.TS Hoa Hữu Thu hướng dẫn.

Riêng nước giếng nhiễm dầu nhiều, người dân không những không nên dùng giếng mà cần chú ý để tránh tình trạng bị hỏa hoạn. Về cơ bản, giếng sau một thời gian dài có thể sử dụng lại nếu dầu đã bị bay hơi hoặc xử lý triệt để được nguồn nước ngầm. Nhưng nếu nước ngầm vẫn bị nhiễm thì người dân cần tìm nguồn nước khác để tránh nhiễm độc. Thậm chí phải áp dụng một số cách để xử lý nước nhiễm bằng màng hoặc gối thấm dầu để nguồn nước nhanh trở lại bình thường.

Hiền Dung

Theo Đời sống
back to top