Dùng tiền của dân không được bừa bãi

Nói về đề xuất mở làn đường riêng cho xe buýt:, TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc NXB Giao thông Vận tải cho rằng, tuyến xe buýt nhanh BRT đã thể hiện sự thất bại trong bài toán đầu tư thì đừng nên tiếp tục triển khai đường dành riêng cho xe buýt nữa. Xe buýt thường vốn đã chậm chạp, nay lại nghênh ngang trên đường riêng trong khi các xe khác chen chúc di chuyển thì không ổn.

Không phù hợp

Mới đây, Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội đang khảo sát, nghiên cứu thực tế để đề xuất mở làn riêng cho xe buýt thường trên đường Nguyễn Trãi. Là người nghiên cứu nhiều năm về giao thông đô thị, theo ông đây có phải là giải pháp tối ưu?

Tuyến đường này vốn đông đúc, thường xuyên xảy ra ùn tắc, nếu dành riêng một làn cho xe buýt thường thì lòng đường bị thu hẹp khiến tình trạng ùn tắc diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Đây là đề xuất chưa hợp lý, không phù hợp thực tiễn hiện tại.

Làn riêng cho xe buýt thường có khác gì với buýt nhanh BRT?

Về bản chất thì là một, không có gì khác nhau nhưng người ta lại cố tình nhầm lẫn khái niệm. Xe buýt nhanh thì chạy như xe buýt thường, còn xe buýt thường lại được ưu tiên làm làn riêng như xe buýt nhanh. Đường riêng cho xe buýt thường thì chính nó phải gọi tên là xe buýt nhanh. Còn nếu làm đường riêng mà vẫn chạy kiểu xe buýt thường thì lại không ổn. Ở đây có sự đánh tráo khái niệm.

Trong đề xuất này thì nói rõ là đường riêng cho xe buýt thường?

Nếu dành cho xe buýt thường một làn đường riêng rất dễ hỗn loạn như xe buýt BRT. Tôi thấy hơi lạ khi người ta đề xuất đường riêng cho buýt thường, nhất là với thực trạng giao thông phức tạp như hiện nay. Nếu đơn vị đề xuất có thể khẳng định việc mở làn riêng ấy không ảnh hưởng gì đến các phương tiện khác thì không vấn đề gì.

Ở các nước họ đều có làn cho xe buýt, chắc hẳn chúng ta cũng áp dụng?

Nếu là làn đường có 4-5 làn xe đi lại rộng thênh thang thì việc mở làn riêng cho xe buýt là cần thiết. Còn đường ở ta chỉ rộng có 15-20m thôi, xung quanh xe cộ ngày ngày ùn tắc, liệu mở làn riêng cho xe buýt có ổn?

Trước đây đã từng có làn riêng cho xe buýt trên tuyến đường này rồi, nên chắc nó không ảnh hưởng đến giao thông?

Cách đây khoảng 10-15 năm ở đường Nguyễn Trãi đã có làn dành riêng cho cho xe buýt trên tuyến đường này nhưng rồi lưu lượng xe đi lại ít nên đã phải xóa bỏ. Muốn tạo ra hiệu quả thì cứ 5 phút phải có một chuyến. Nhưng chúng ta thì phải 15-20 phút mới có một chuyến, khó tạo ra hiệu quả nếu làm đường riêng… Đến giờ, lưu lượng giao thông tăng cao hơn rất nhiều rồi lại đề xuất làm đường riêng cho xe buýt thì không ổn tí nào.

Đừng dùng tiền dân bừa bãi

Ông vừa nói đến xe buýt nhanh BRT là thất bại trong khi các ngành chức năng vẫn nói nó tạo ra hiệu quả tốt?

Đầu tư làm buýt nhanh thì phải chở nhiều hành khách hơn, nghĩa là nó phải tương xứng với số tiền đầu tư. Đầu tư cả nghìn tỉ đồng chỉ để chuyên chở một số lượng khách vừa phải, thậm chí chẳng khác gì xe buýt thường thì rõ ràng đó không phải là bài toán đầu tư hiệu quả. Trong khi đó, chỉ cần một số tiền nhỏ là xây được chiếc cầu cho các cháu nhỏ vùng cao đi học. Dùng tiền của dân không được bừa bãi mà phải nghiên cứu cẩn trọng.

Nếu không đầu tư một làn riêng cho xe buýt, theo ông sẽ phải có giải pháp nào cho đường Nguyễn Trãi?

Với mật độ di chuyển đông như vậy thì đáng lẽ phải có tàu điện ngầm. Còn tới đây, đường sắt trên cao đi vào hoạt động thì xe buýt hãy cứ di chuyển một cách bình thường. Khi áp lực đi lại được chia sẻ cho đường sắt trên cao thì việc xe buýt lưu thông bình thường sẽ không ảnh hưởng gì. Không cần phải có đường riêng cho xe buýt làm gì.

Cùng với các dự án nhà cao tầng, dân số tăng nhanh, người nhập cư từ tỉnh khác tăng cao… thì đường chắc hẳn sẽ còn tắc?

Hiện đường thủ đô quá chật, mặt cắt nhỏ, các phương tiện quá nhiều, nên nếu xe buýt chạy đường riêng thì phương tiện khác không biết đi đường nào. Nếu cố tình mở thì nó cũng không khác gì tuyến BRT, xe chạy nghênh ngang một mình một đường trong khi làn khác thì chen chúc, tắc nghẽn.

Tôi chỉ ủng hộ ý tưởng tốt

Có người cho rằng với mỗi ý tưởng hãy đừng vội phê phán mà nghiên cứu kỹ đã. Nếu chỉ phê phán thì khó có đột phá. Ông có nghĩ vậy?

Tôi đóng góp ý kiến dựa trên những nghiên cứu nhiều năm về giao thông đô thị. Tôi ủng hộ ý tưởng mới nhưng nó phải là ý tưởng tốt, tạo ra hiệu quả. Chẳng hạn như việc đầu tư cho tuyến buýt nhanh BRT hàng nghìn tỉ đồng nhưng rồi hiệu quả thì không khác gì buýt thường. Tôi ủng hộ cái mới, nhưng khi nó tốn quá nhiều tiền của dân mà không đem lại hiệu quả thì tôi phải lên tiếng.

Ông có sợ người ta nghĩ ông đả phá, không có tinh thần xây dựng?

Tôi nói hoàn toàn dưới góc độ khoa học và có nghiên cứu chứ không nói suông. Tôi cũng chẳng được gì khi nói thế cả, nhưng mình làm khoa học, phải bảo vệ cái đúng. Nói lên cái chưa đúng để người ta lắng nghe mà tiếp thu, chỉnh sửa. Còn nếu có ai đó không lắng nghe, bảo mình là đả phá, thì cũng đành chịu thôi.

Và việc ông ủng hộ một ý tưởng nào đó thì hẳn cũng chẳng vì mục đích gì?

Đúng là như thế. Giải pháp cho giao thông đô thị tốt, hữu ích thì tôi ủng hộ ngay chứ có gì đâu mà phải phản biện nhiều. Chỉ có điều nếu là ý tưởng không tốt đem triển khai thì rất tốn tiền của dân, hiệu quả lại thấp.

Theo ông thì với đà phát triển này, giao thông đô thị Hà Nội sẽ thay đổi sau bao nhiêu năm nữa?

Phát triển giao thông công cộng là điều cần phải làm, trước sau gì cũng phải làm. Điều Hà Nội đang cần nhất là sớm tạo ra mạng lưới kết nối các phương thức vận tải công cộng. Đừng mải mê đầu tư những đâu đâu mà không hiệu quả. Hãy tập trung đầu tiên vào giao thông đô thị, vì hiệu quả nó tạo ra cho xã hội là vô cùng lớn, không thể tính toán hết. Và thiệt hại của nó gây ra nếu không được đầu tư bài bản, cũng là trở ngại rất lớn cho sự phát triển.

Xin cảm ơn ông!

Lãnh đạo Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho rằng để thu hút người dân tham gia bằng phương tiện công cộng xe buýt cần phải có làn dành riêng cho xe buýt. Ông Thái Hồ Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết sẽ đề xuất về việc dành riêng một làn cho xe buýt từ Ngã tư sở – Cầu Trắng, Hà Đông. Trao đổi thêm về hiệu quả của xe buýt BRT cho đến nay, ông Phương cho biết, lượng khách đi BRT đến thời điểm hiện nay đã tăng 6%.

Theo khảo sát trên hơn 2000 người đi xe buýt BRT, có đến 58% người dân đã chuyển từ phương tiện cá nhân sang phương tiện BRT. Hành khách thấy được sự tiện lợi của xe buýt BRT khi tốc độ nhanh hơn 20% và thời gian ít hơn 30% so với xe buýt thường. Hiện tại, ở Hà Nội có 112 tuyến xe buýt với 18.000 xe, tuy nhiên, lượng phương tiện công cộng gồm xe buýt, taxi… mới chỉ giải quyết 15% nhu cầu của người dân Hà Nội.

Tô Hội (thực hiện)

Theo Đời sống
“Không dám tham nhũng”

“Không dám tham nhũng”

Năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện.
Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Tại KLTT việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, TTCP chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng Quỹ BOG. Dư luận đặt câu hỏi có nên tiếp tục duy trì quỹ này khi có nhiều bất ổn.
Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Nhớ về Khoa học và Đời sống, chúng ta nhắc đến các vị Chủ nhiệm của Báo - những nhà khoa học tài năng, giàu lòng yêu nước, thương nòi, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Bác Hồ vĩ đại.
70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

Đối với những người đã và đang công tác tại Khoa học và Đời sống, 70 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là mái nhà chung để trở về trong tình đồng nghiệp mến thương cùng niềm tự hào về tờ báo có truyền thống 65 năm.
back to top