Dùng thuốc dự phòng giảm tới 90% nguy cơ lây nhiễm HIV

(khoahocdoisong.vn) - Việt Nam là một số ít quốc gia trên thế giới triển khai thí điểm điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng virus ngay từ năm 2017 và sau thí điểm đã mở rộng ra 26 tỉnh, thành phố. Với kết quả ban đầu, trong thời gian tới Bộ Y tế có kế hoạch mở rộng dịch vụ PrEP ra tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước, vậy hiệu quả của phương án này đến đâu?

Can thiệp dự phòng cho các đối tượng có nguy cơ phơi nhiễm HIV

Những năm gần đây, tình hình nhiễm HIV ở Việt Nam đã có những thay đổi, ví dụ, tỷ lệ nhiễm HIV trong người nghiện chích ma tuý và phụ nữ mại dâm giảm, nhưng tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) và chuyển giới nữ  (TGW) vẫn ở mức cao, đang gia tăng, nhất ở các khu vực đô thị lớn. Trong bối cảnh chưa có văcxin để phòng ngừa thì PrEP điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV cho những người có nguy cơ nhiễm HIV cao sẽ mang lại hiệu quả.

PrEP là một phương án dự phòng mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo và nhiều quốc gia đã thực hiện. Phương pháp này tuy không thay thế được văcxin HIV nhưng là một cách đơn giản nhất, có thể giảm tới hơn 90% nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm MSM qua các thử nghiệm lâm sàng và qua các can thiệp thực tế. Vì vậy, WHO khuyến cáo, PrEP nên được cung cấp bổ sung cho những người có nguy cơ nhiễm HIV cao trong gói dự phòng HIV kết hợp.

Từ hiệu quả dự phòng HIV của PrEP và lợi ích dài hạn của sử dụng ARV để dự phòng cho người chưa nhiễm HIV, Cục Phòng chống HIV/AIDS - Bộ Y tế đã triển khai thí điểm cung cấp PrEP cho MSM và TGW trong gói dự phòng HIV kết hợp tại TPHCM. Thí điểm này sẽ đưa ra các bằng chứng và cung cấp thông tin về tính khả thi của việc triển khai PrEP tại Việt Nam. Bộ Y tế đã có kế hoạch mở rộng ra 26 tỉnh, thành phố và tiến tới tất cả các tỉnh, thành phố sẽ triển khai can thiệp dự phòng trước phơi nhiễm cho các nhóm nguy cơ cao nhằm tiến tới kiểm soát và kết thúc dịch HIV tại Việt Nam.

Thực chất PrEP là viết tắt của cụm từ tiếng Anh (Pre-Exposure prophylaxis), có nghĩa là điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV. Nó cũng có nghĩa là một người có hành vi nguy cơ cao nhiễm HIV, nếu sử dụng thuốc kháng virus (ARV) mỗi ngày, sẽ dự phòng không bị nhiễm HIV.  

Thuốc PrEP là các thuốc có chứa Tenofovir, ở Việt Nam thuốc PrEP đang được các chương trình, dự án cấp miễn phí là sự kết hợp 2 loại thuốc ARV là Tenofovir và Emtricitabine (TDF/FTC).

Khi dùng thuốc hằng ngày, nồng độ thuốc ARV trong máu có thể ngăn chặn không cho virus HIV xâm nhập và nếu chẳng may xâm nhập cũng không nhân lên trong cơ thể, từ đó dự phòng được lây nhiễm HIV. Các nghiên cứu đã chỉ ra, PrEP có hiệu quả cao trong dự phòng lây nhiễm HIV nếu dùng mỗi ngày. Khi sử dụng mỗi ngày, PrEP có thể làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV đến hơn 90%. Tuy nhiên, nếu không tuân thủ dùng thuốc đều đặn hằng ngày, sẽ không thể dự phòng lây nhiễm HIV một cách hiệu quả. 

Đối tượng có thể sử dụng PrEP

Các đối tượng là nam có quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới nữ, người bán dâm, người tiêm chích ma túy, bạn tình của người nhiễm HIV mà người nhiễm HIV đó chưa điều trị ARV hoặc điều trị ARV nhưng tải lượng HIV chưa đạt dưới ngưỡng phát hiện virus (vẫn còn trên 200 bản sao/ml máu). Những đối tượng không nên sử dụng PrEP như người có HIV dương tính hoặc chưa xác định được; người có dấu hiệu hoặc triệu chứng của nhiễm HIV cấp tính; những người rối loạn chức năng thận; người dị ứng với thuốc (Tenofovir và Emtricitabine); người phơi nhiễm với HIV trong 72 giờ qua. Một người muốn dùng PrEP cần phải được bác sĩ tư vấn, khám và làm xét nghiệm trước khi chỉ định dùng.

Một người có hành vi nguy cơ cao bị nhiễm HIV như quan hệ tình dục không an toàn (không sử dụng bao cao su) và tiêm chích không an toàn (sử dụng chung bơm kim tiêm) nên đến cơ sở cung cấp dịch vụ PrEP. Tại các cơ sở này bác sĩ sẽ tư vấn, làm các xét nghiệm HIV, viêm gan B, viêm gan C, kiểm tra chức năng của thận, xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác... để quyết định có nên dùng PrEP hay không. Hầu hết những người dùng PrEP không gặp tác dụng phụ nào nghiêm trọng, tuy nhiên với những người dùng PrEP trong một thời gian dài có thể gây loãng xương, ảnh hưởng đến thận, vì vậy đ,iều quan trọng là người sử dụng PrEP cần phải được kiểm tra và xét nghiệm định kỳ theo chỉ định của bác sĩ. 

TS.BS Hoàng Đình Cảnh (Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS)

Theo Đời sống
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top