Đừng sợ vỡ bình quý!

ng Hoàng Thọ Kiểm, nguyên cán bộ Vụ Cán bộ Giáo dục, Bộ Nội thương (Bộ Công thương) cho rằng, để giải quyết vấn đề tham nhũng, cần trả lời câu hỏi cái gì là cản trở trong công tác xử lý tham nhũng? Đó mới là mấu chốt. Nếu khâu xử lý tham nhũng vẫn còn có vùng cấm, vẫn chưa thể mạnh tay…

Ông Hoàng Thọ Kiểm

Cản trở gì mà không xử lý được?

Thanh tra Chính phủ xây dựng bộ công cụ chấm điểm công tác phòng, chống tham nhũng của UBND cấp tỉnh. Trong lần đầu đánh giá, số điểm tự đánh giá trung bình của 63 tỉnh thành là 58,11 điểm (thang điểm 100). Việc đánh giá dựa trên 4 nội dung gồm quản lý nhà nước về công tác phòng chống tham nhũng (20 điểm), các biện pháp phòng ngừa (30 điểm), phát hiện hành vi tham nhũng (25 điểm), xử lý tham nhũng (25 điểm). Ông nghĩ sao về việc chấm điểm chống tham nhũng của các địa phương?

Tôi cho rằng việc chấm điểm phòng chống tham nhũng là cũng hơi lạ. Vì để đánh giá thì chỉ có cách dựa vào việc xử lý và kết quả của việc xử lý đối với hành vi tham nhũng. Còn chấm điểm như thế để làm gì thì tôi cũng không hiểu lắm. Gần đây người ta nói nhiều đến vai trò của người đứng đầu. Rồi chính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng phát biểu rằng ở ta hiện có những “ông vua con”.

Chống tham nhũng mà những “ông vua con” ấy lũng đoạn thì rất khó. Đơn cử nhất là vụ quan lộ thần tốc của hotgirl Thanh Hóa, dư luận cho rằng cô này là bồ nhí của một lãnh đạo tỉnh, nhưng thực tế chẳng ai dám nói ra. Thế nên theo tôi, trong phòng chống tham nhũng thì việc xử lý tham nhũng đến đâu, xử lý như thế nào mới là quan trọng chứ không phải là chấm điểm.

Nhưng công tác phòng chống tham nhũng nó là nhiều việc?

Theo tôi thì chẳng gì quan trọng bằng dám xử lý, dám vạch mặt chỉ tên. Đừng vì sợ vỡ bình quý mà không dám ném chuột. Ta đã xử lý vụ việc đến cùng chưa? Giờ bàn chuyện chấm điểm để thi đua thì cũng chẳng để làm gì cả. Nó lại giống như chuyện thi đua mà trước đây tôi cũng đã nói.

Đa phần là làm cho có phong trào chứ chưa đi vào thực chất. Chấm điểm mà để đó, trong khi các vụ việc tham nhũng nổi cộm không giải quyết được, thì chấm điểm chỉ là công cụ để người ta ngồi đó mà khen nhau thôi.

Cùng lắm là nhắc nhở, phê bình, rút kinh nghiệm. Chống tham nhũng có tốt hay không mà vẫn không dám động đến những “ông vua con” thì gần như là bất lực rồi.

Để bảo làm sao cho không còn tham nhũng thì khó lắm?

Dân rất kỳ vọng là sẽ hạn chế được tham nhũng, triệt tiêu được tham nhũng. Để làm được thì phải xử lý người tham nhũng thật nặng. Đó mới là vấn đề cần phải đưa ra. Rất nhiều vụ việc tham nhũng nổi cộm xảy ra.

Cá nhân tôi đặt câu hỏi là hiện nay chúng ta đang gặp những cản trở gì mà không xử lý triệt để được những vụ việc đó?

Và ông có tự trả lời được?

Phải chăng là ta còn đang nể nang nhau không, sợ làm mất uy tín của nhau nên không dám nêu tên, có phải cán bộ đang che giấu cho nhau với bình phong “giữ uy tín” cho nhau, đánh chuột sợ vỡ bình… mà ta không giải quyết đến nơi đến chốn. Chấm điểm chỉ là hình thức, là cái vỏ. Vấn đề là phải vào cuộc, xử lý sự việc, xử lý con người thế nào…

Có gì đó trong thực thi pháp luật

Ông nói nhiều đến khâu xử lý tham nhũng, trong đánh giá chấm điểm thì khâu này chỉ có 25 điểm. Cá nhân tôi thì nghĩ rằng khâu phát hiện tham nhũng cũng là một khâu rất quan trọng?

Khâu này không khó đâu. Lâu nay chúng ta thấy rất nhiều vụ việc được phát hiện chỉ qua một vài kênh như người dân, báo chí, hay xuất phát từ những sự việc rất nhỏ mà có thể khui ra cả một đường dây tham nhũng. Lâu nay chúng ta đã làm được khâu này rồi, nên đó không phải là khâu đột phá. Vấn đề khó nhất là xử lý thế nào cơ. Có những vụ việc phát hiện ra rồi mà không dám xử, không xử được, đó mới là vấn đề.

Gần đây tôi thấy có những vụ việc được xử lý khá quyết liệt đấy chứ?

Tôi thì lại chưa nhìn thấy điều đó. Trịnh Xuân Thanh trốn ra nước ngoài mà đến giờ vẫn chưa tìm ra được. Nếu có xử thì xử vắng mặt. Những vụ khác cũng có mức án nghiêm minh, nhưng đó chưa phải là những “con hổ” đâu, mới chỉ là những “con cáo” thôi. Còn những vụ việc liên quan đến những “con hổ” là chúng ta vẫn ngần ngại chưa làm được.

Vừa rồi nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng bị xử lý, dư luận cũng rất đồng tình mà?

Xử lý khi ông ấy về hưu rồi thì nó cũng không có gì đáng nói. Nghỉ hưu rồi mới mất chức thì có ảnh hưởng gì đâu, bản thân ông ấy cũng không phải vào tù. Hay ông Trần Văn Truyền bị xử cảnh cáo, cũng đâu có ăn thua gì. Rồi cũng có vụ việc bị chìm xuồng như việc liên quan đến ông Trần Xuân Giá ở ngân hàng ACB…

Thế nên tôi mới nói, ta chỉ xử những “con chuột”, “con cáo” chưa đã dám xử “con hổ” nào đâu. Thế nên tôi vẫn băn khoăn là dường như có cái gì đó trong thực thi luật của chúng ta mà lâu nay người ta vẫn ví với hình ảnh “đánh từ vai xuống” mà chưa dám đánh từ đầu.

Phải chăng xử lý tham nhũng chưa nghiêm là nguyên nhân để tham nhũng vẫn có “đất sống”?

Chúng ta xử lý không nghiêm, không có những tấm gương về thực thi pháp luật nên mới ra như thế. Dù có xử thế nào thì những “ông vua con” cũng chẳng sợ. Có xử thì cũng chỉ cảnh cáo là cùng, mà tệ lắm là nghỉ việc để “hy sinh đời bố củng cố đời con” thôi.

Xử nghiêm dù là “cáo, hổ hay cọp”

Như ông nói thì việc chấm điểm chống tham nhũng cấp tỉnh không có nhiều tác dụng trong công tác phòng chống tham nhũng?

Đúng là như thế. Nên dù tỉnh A, tỉnh B có điểm phòng chống tham nhũng cao mà những sự việc cụ thể, nổi cộm về phòng chống tham nhũng vẫn không giải quyết được thì điểm ấy, xếp hạng ấy cũng chẳng có nhiều cái uy cho lắm.

Còn cứ nói đến tôi có giải pháp phòng ngừa tốt lắm, quản lý tốt lắm, mà tham nhũng vẫn còn, người dân vẫn còn bức xúc với tham nhũng, kẻ tham nhũng vẫn ung dung sống “ngoài vòng pháp luật”, ung dung hưởng thụ tài sản tham nhũng thì tôi cho rằng xếp hạng ấy chẳng có tác dụng gì. Đừng bày trò thi đua làm gì, nhất là trong công tác phòng chống tham nhũng.

Vậy là như ông nói thì giải pháp ta đưa ra là chưa đánh trúng vào khâu yếu nhất trong công tác phòng chống tham nhũng hiện nay – xử lý sai phạm?

Đúng, phải làm thế nào để người ta không dám tham nhũng, không thể tham nhũng được nữa. Thường mà thấy người khác bị xử nặng là người ta cũng sợ lắm. Còn như bây giờ, có những cán bộ luôn trong trạng thái “sẵn sàng tham nhũng” thì chấm điểm để làm gì.

Chấm điểm xong có hết tham nhũng không? Hay là kẻ có ý định tham nhũng vẫn chẳng xi nhê gì. Cứ thử xử nghiêm dù là “cáo, hổ, hay cọp” thì tác dụng có lớn hơn biết bao nhiêu không.

Nhưng xử gì thì cũng phải theo luật chứ?

Cứ làm được như các quy định của pháp luật đi cũng đã là tốt lắm rồi. Còn cứ xử kiểu cho có, cảnh cáo gọi là thì khó đem lại hiệu quả. Chống tham nhũng tốt là thực thi luật tốt, nghiêm, công bằng.

Lời nói đã tốt như không có vùng cấm, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, không bao che, người đứng đầu chịu trách nhiệm… Nhưng hiện thực hóa lời nói bằng hành động cụ thể mới là quan trọng nhất. Đừng để Nghị quyết thì hay nhưng thực hiện thì chẳng ra gì.

Xin cảm ơn ông!

Tổng kết dự án đánh giá công tác phòng chống tham nhũng năm 2016, số điểm tự đánh giá của 63 tỉnh thành là 58,11 điểm, trong đó địa phương cao điểm nhất là 77,67 điểm và thấp nhất là 43,53 điểm. Lãnh đạo Cục Chống Tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) cho biết, dự án này là thí điểm để làm cơ sở xây dựng các chỉ số cho cấp huyện và các bộ ngành, từ đó hình thành bộ công cụ đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam.

Tö Hội (thực hiện)

Theo Đời sống
“Không dám tham nhũng”

“Không dám tham nhũng”

Năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện.
Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Tại KLTT việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, TTCP chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng Quỹ BOG. Dư luận đặt câu hỏi có nên tiếp tục duy trì quỹ này khi có nhiều bất ổn.
Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Nhớ về Khoa học và Đời sống, chúng ta nhắc đến các vị Chủ nhiệm của Báo - những nhà khoa học tài năng, giàu lòng yêu nước, thương nòi, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Bác Hồ vĩ đại.
70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

Đối với những người đã và đang công tác tại Khoa học và Đời sống, 70 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là mái nhà chung để trở về trong tình đồng nghiệp mến thương cùng niềm tự hào về tờ báo có truyền thống 65 năm.
Sản phẩm báo chí tạo dựng thương hiệu

Sản phẩm báo chí tạo dựng thương hiệu

Trong gần 65 năm qua, với đội ngũ phóng viên và cộng tác viên đông đảo là các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, Khoa học và Đời sống đã có nhiều bài viết ấn tượng, làm nên thương hiệu, tên tuổi của tờ báo khoa học hàng đầu.
back to top