Dùng sâm cau kéo dài làm tinh hao, kiệt sức

(khoahocdoisong.vn)-Sâm cau có tác dụng ôn thận, tráng dương, thường để trị liệt dương, đau khớp... nhưng dùng liều cao có thể gây cường dương, làm tinh hao, kiệt sức, độc gan thận

Hỏi: Sâm cau có mấy loại, loại nào tốt? Có dùng sâm cau và ba kích ngâm rượu cùng nhau được không?

Nguyễn Văn Huân ( TP Nam Định)

PGS.TS Đoàn Minh Thụy, Học viện Y dược học Cổ truyền Việt Nam: Sâm cau còn có tên là tiên mao, tên khoa học Curculigo orchioides. Sâm cau là cây thảo, lá hẹp, cao 20 – 30cm, lá mọc tụ họp thành túm từ thân rễ, xếp nếp như lá cau, hình mũi mác hẹp, vỏ rễ có màu nâu.

Sâm cau có tác dụng ôn thận, tráng dương, kiện gân cốt, cố tinh, trừ lạnh, giảm chân tay tê mỏi, đau nhức xương khớp cho cả nam và nữ. Dùng để bồi bổ, hãm nước sôi như pha trà uống trong ngày. Có tác dụng giúp tinh thần tỉnh táo, mạnh gân cốt, đen râu tóc.

Đặc trị: thận dương yếu, liệt dương, lạnh kinh niên, viêm khớp, đau do lạnh. Tuy nhiên nếu dùng sâm cau liều cao kéo dài sẽ gây cường dương, làm tinh hao kiệt sức, không nên dùng cho người suy nhược. 

Lưu ý là sâm cau có độc với gan thận, nên khi dùng cần đúng liều, đúng thời gian, và theo dõi chức năng gan thận. Khi chế biến, người ra rửa sạch và ngâm với nước vo gạo để khử bớt độc tính này đi.

Cách dùng và liều dùng sâm cau: Mỗi ngày sắc 10g sâm cau đem dùng hoặc ngâm rượu mỗi ngày dùng 1 chén. Khi dùng để chữa chứng đau nhức do hàn thấp thì dùng sống (không sao tẩm). Khi dùng để chữa liệt dương do thận hư, tiểu tiện nhiều lần hoặc són tiểu, thì tẩm rượu sao để tăng cường tác dụng bổ dương.

Về lý thuyết sâm cau và ba kích đều có tác dụng bổ thận dương (cùng tác dụng) nên khi dùng vị này thì thôi vị kia, nhưng trên thực tế người ta vẫn dùng chung trong một số bài thuốc.

Theo Đời sống
back to top