Dùng sai tam thất có thể gây đột quỵ

Tam thất là một vị thuốc quý. Công dụng hàng đầu của tam thất là cầm máu nhưng nếu dùng khi đang có cục máu đông trong tim, não… dễ gây đột quỵ.

Qúy nên nhiều giả

GS.TS Trần Công Khánh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây thuốc Việt Nam cho biết, tam thất (tam thất bắc) là rễ của cây tam thất, còn gọi là sâm tam thất, kim bất hoán (vị thuốc quý, vàng không đổi được).

Bộ phận chủ yếu dùng làm thuốc là củ tam thất, thường có hình con quay, dài 2 – 4cm, đường kính 1 – 2cm. Đầu củ sần sùi do những vết tích của thân cây rụng hằng năm tạo thành. Mặt ngoài màu nâu hoặc vàng nâu, có nhiều nếp nhăn dọc. Mặt cắt qua củ mịn, màu xám nhạt.

Giá trị của tam thất không căn cứ vào củ to hay nhỏ, mà phụ thuộc vào tuổi của cây. Cây 6 – 7 năm tuổi mới cho củ có chất lượng tốt. Tam thất làm tăng nhanh quá trình phục hồi sức khoẻ cho người suy nhược, hoặc sau khi bị bệnh nặng, nhất là đối với các sản phụ.

Thời gian gần đây, tam thất cũng được dùng như nhân sâm để hỗ trợ điều trị u bướu, nhưng không làm tăng huyết áp.

Theo Đông y, tam thất có vị đắng, hơi ngọt, tính ấm; vào các kinh can, thận; tác dụng hoạt huyết, bổ huyết, cầm máu, tan huyết ứ, tiêu sưng và giảm đau. Thường dùng chữa thổ huyết, ho ra máu, chảy máu cam, băng huyết, rong kinh, bế kinh do ứ huyết, thường dùng cho phụ nữ sau khi sinh đẻ. Ngày dùng 4 – 6g, dưới dạng thuốc bột, thuốc sắc hay cao lỏng.

Dùng ngoài lấy củ tươi giã đắp hoặc lấy bột rắc lên vết thương để cầm máu. Nụ hoa tam thất cũng là một vị thuốc quý. Nó có vị ngọt, tính mát, thanh nhiệt, bình can, hạ  huyết áp và an thần, trấn tĩnh. Thường dùng để chữa các chứng và bệnh cao huyết áp, hoa mắt, chóng mặt (bị rối loạn tiền đình, thiểu năng tuần hoàn não), ù tai, viêm họng.

                                           Tam thất bắc

Ngoài ra, nó còn có tác dụng tăng lực, tăng khả năng làm việc, giảm căng thẳng mệt mỏi, tăng sức đề kháng giúp cơ thể phòng chống bệnh tật, hỗ trợ điều trị bệnh gan và ung thư. Cách sử dụng: Lấy 3 – 4g nụ hoa tam thất, hãm trong nước sôi như pha trà (làm nhiều lần), uống đến khi nước hãm không còn vị đắng nữa.

Do tam thất có nhiều tác dụng tốt nên có nhiều cây thuốc của Việt Nam cũng “giả danh” tam thất, gọi là tam thất nam. Đó là các loài khác nhau trong cùng chi Panax (họ nhân sâm) như tam thất nam, tam thất lá xẻ.

Thậm chí trong các họ không có quan hệ họ hàng gần với nhân sâm như họ gừng (tam thất gừng), họ cúc (cúc tam thất), hoặc họ râu hùm (hồi đầu thảo).

Ngoài hai loại tam thất hoàng và tam thất xẻ lá là cây mọc hoang dã, đã bị khai thác cạn kiệt, nhưng không được trồng, ba loài sau thì đang được trồng để lấy rễ củ làm giả tam thất vì chúng có củ gần giống với tam thất, nhưng không có hoạt chất như tam thất bắc nói trên.

Máu tụ dễ gây tai biến

GS.TS Nguyễn Xuân Sinh, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Dược học cổ truyền, trường Đại học Dược Hà Nội cho biết, Đông y xếp tam thất vào loại thuốc chỉ huyết, đầu vị của cầm máu. Thực tiễn lâm sàng đã chứng minh, tam thất ngoài tác dụng bổ kiểu nhân sâm, nó còn là vị thuốc có nhiều tác dụng chữa bệnh: cầm máu, hóa ứ, giảm đau (dùng cho các trường hợp huyết ứ dẫn đến đau đớn, các trường hợp chấn thương, sưng đau do huyết tụ). Đối tượng dùng tam thất tốt nhất là phụ nữ sau sinh chữa chảy máu, máu tụ và thiếu máu…

Cần lưu ý không nên dùng tam thất một cách đơn điệu để “bổ” như nhân sâm mà nên sử dụng theo hướng tác dụng cầm máu là chính, tiếp đến là tác dụng hóa ứ, giảm đau, tiêu u.

Tốt nhất là dùng tam thất dưới dạng “thực phẩm” tam thất tần gà hoặc dùng dưới dạng bột mịn, ngày 4 – 10g uống với nước ấm. Khi dùng cần chú ý: Đối với trường hợp làm tiêu máu tụ, chỉ nên sử dụng tam thất khi triệu chứng xuất huyết mới xảy ra.

Ví dụ, xuất huyết tiền phòng ở mắt, dùng tam thất lúc này rất tốt. Nếu trong mạch máu hoặc trong tim đã có các cục máu đông, không nên dùng tam thất nữa. Nếu dùng, cục máu này sẽ là trung tâm để kết tụ, làm cho cục máu to dần lên, ảnh hưởng đến sự lưu thông của mạch máu, đôi khi gây ra đột quỵ…

Nhật Hà

Theo Đời sống
back to top