Đừng quên vệ sinh thường xuyên sofa

Mùa xuân đi kèm với ẩm ướt luôn khiến sofa phát sinh nấm mốc, nhất là với loại sofa bọc vải. Nhiều gia đình tá hỏa khi phát hiện sofa hàng ngày vẫn ngồi mốc xanh, mốc đỏ. Các chuyên gia khuyên, đừng quên vệ sinh thường xuyên sofa.

Các chuyên gia khuyên, đừng quên vệ sinh thường xuyên sofa.

Giật mình vì mốc

Ông Nguyễn Thành Vinh, Công ty Dịch vụ Vệ sinh Nhà sạch cho biết, nhiều trường hợp khi ông đến vệ sinh nhà phát hiện chiếc sofa mà gia đình vẫn ngồi đã bị mốc, mốc không chỉ ở một chỗ mà lan sang nhiều khu vực. Điều đáng nói, dù sử dụng hàng ngày, nhưng mọi thành viên trong gia đình đều không phát hiện ra điều này.

Lý do rất đơn giản, vì chúng ta thường nghĩ đến việc giặt giũ, vệ sinh quần áo, khăn mặt, thậm chí là các loại khăn lau nhà, nhưng ít khi nghĩ đến việc vệ sinh sofa. Đặc biệt, chúng ta cũng ít quan sát xem chúng có bẩn không, hầu hết chúng ta đều thả mình là ngồi xuống sofa rồi mải mê với chương trình tivi, với quyển sách hay, với những món ăn ưa thích…

Tuy nhiên, người dân cần phải nhớ rằng, sofa cũng là môi trường lý tưởng để nấm mốc phát triển. Tất cả đất cát, bụi bẩn, vụn thức ăn, tế bào da chết, mồ hôi, dịch cơ thể… đều có thể khiến nấm mốc phát triển. Nhiều người cho biết, họ không bao giờ ăn uống hoặc để vương vãi thức ăn trên sofa thì không thể phát sinh nấm mốc.

Tuy nhiên, người dân cần phải nhớ rằng, những mảnh vụn thức ăn không chỉ rơi ngay trên mặt sofa mà còn rơi xuống và trú ngụ trong các khe, kẽ nhỏ ở ghế; ngoài ra tế bào da chết, mồ hôi, dịch cơ thể của chính chúng ta sẽ đọng lại trên sofa, đặc biệt là các loại sofa vải, gặp điều kiện thời tiết thuận lợi, ví dụ thời tiết ẩm của mùa xuân, chúng sẽ phát triển rất nhanh.

Đầu tiên có thể chỉ là một vết đen nho nhỏ, tuy nhiên, chúng ta lại thường ít chú ý đến, vì thế chỉ sau vài hôm, nấm mốc đã phát triển nhanh và nhanh chóng lan rộng ra chỗ khác. Một bộ sofa đắt tiền mấy cũng không tránh khỏi điều này.

Phải nhớ rằng, sofa có tần xuất sử dụng khá lớn, thậm chí là vật dụng mà cả gia đình tiếp xúc nhiều nhất, từ tiếp khách, xem tivi, đọc báo, ngả lưng khi mệt, thậm chí nhiều người còn biến chúng thành giường ngủ… Vì thế, nếu sofa bị nấm mốc, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe là rất lớn.

“Vào mùa xuân, khi mà đâu đâu trong gia đình bạn cũng có thể khiến nấm mốc phát triển thì bạn cần phải thực hiện vệ sinh sạch sẽ khu vực để sofa. Hãy lau dọn gầm sofa để tránh chúng bị ẩm thấp dẫn đến mốc từ dưới mốc lên, không kê sofa sát tường bởi tường ẩm ướt có thể lan sang sofa. Ngoài ra, phải luôn giữ sofa sạch và khô”, ông Nguyễn Thành Vinh.

Kiểm tra, xử lý nhanh

Theo ông Nguyễn Thành Vinh, không ít các gia đình dùng sofa từ lúc mua đến lúc hỏng chưa vệ sinh lần nào. Nhiều gia đình cẩn thận hơn thì cũng phải dùng đến vài năm mới thay lớp vải bọc mới hoặc gọi các công ty vệ sinh đến xử lý. Điều này là một sai lầm khủng khiếp.

Vì vậy, hãy vệ sinh chúng hàng tuần, chứ đừng để đến một tháng hay một năm. Việc vệ sinh này không quá khó. Đối với sofa da, ban có thể  lau bề mặt da bằng khăn vải cotton sạch, khô và mềm; với sofa vải, bạn có thể sử dụng máy hút bụi, dí sát vào mặt vải hút sạch các vết bẩn bám trên mặt sofa.

Cùng với việc vệ sinh, bạn nên thường xuyên giặt sofa, định kỳ 6 – 12 tháng/lần. Đặc biệt, vào mùa xuân, thời tiết thuận lợi cho nấm mốc phát triển bạn phải thường xuyên quan sát sofa để nhanh chóng phát hiện các vết mốc.

Bạn có thể dùng giấm ăn pha loãng với nước rồi miết lên chỗ sofa bị nấm mốc, hoặc hiệu quả hơn nữa là dùng nước javen, để tiêu diệt bào tử nấm. Khi xử lý nhớ đeo găng tay và khẩu trang để tránh bị nấm mốc dính vào cơ thể.

Sau khi xử lý xong bạn phải làm khô bề mặt, với sofa da bạn chỉ cần dùng lăn khô, mềm lau; với sofa vải bạn có thể dùng máy sấy để làm khô chỗ vừa xử lý. Ngoài ra riêng sofa vải, khi phát hiện nấm mốc hoặc khi gửi thấy có mùi hôi, mốc khó chịu, bạn lên lột vỏ chúng ra và cho chúng vào máy giặt.

Đức Anh

Theo Đời sống
back to top