Đừng “giết” trẻ bằng nước muối sinh lý

Sử dụng nước muối sinh lý vệ sinh răng miệng, tai mũi họng, thậm chí là nhỏ mắt để chữa cận thị hay thay thế các dung dịch vệ sinh diệt khuẩn khác… là những sai lầm mà nhiều người mắc phải.

Nhỏ nước muối chữa cận thị

Nghe một số người quen và tìm hiểu trên một số diễn đàn, chị Lê Thanh Hoa (Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) áp dụng phương pháp chữa cận thị không dùng thuốc cho con bằng cách hạn chế đeo kính, đắp khăn ấm và nhỏ nước muối sinh lý nhiều lần trong ngày.

Khi nghe đến phương pháp này, TS Nguyễn Văn Khải, Trung tâm Dung dịch hoạt hóa điện hóa và đèn tiết kiệm năng lượng giật mình ngăn cản: “Dừng lại ngay trước khi làm hỏng mắt con trẻ”. Nhiều người thắc mắc không hiểu vì sao lại đưa ra lời khuyên đó, TS Nguyễn Văn Khải cho biết, nước muối 0,9% không có tác dụng diệt khuẩn, thậm chí còn gây hại nếu dùng nhiều lần trong ngày.

Điều quan trọng nhất là nước muối không có một chút liên quan nào đến việc chữa bệnh cận thị. Cận thị là do thủy tinh thể lồi ra, ảnh ở vô cực rơi trước võng mạc nên người bệnh mất khả năng nhìn gần. Trong khi nước muối sinh lý chỉ dùng để sát khuẩn, mà ngay cả việc sát khuẩn cũng gần như không có tác dụng.

/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/nuoc-muoi-sinh-ly-vinamask-11.jpg

“Nước muối sinh lý với nồng độ 0,9% là quá mặn cho võng mạc vốn nhạy cảm, yếu ớt. Nước nhỏ mắt phù hợp là nước muối 0,5%. Nếu sử dụng nước muối sinh lý quá mức sẽ làm hỏng mắt, gây hại cho mắt chứ không có tác dụng như nhiều người lầm tưởng. Sử dụng nước muối sinh lý để nhỏ mũi, lau mũi, làm mũi mất đi lớp niêm mạc bảo vệ, ăn mòn da, hỏng mũi.

Rất nhiều sai lầm trong sử dụng nước muối sinh lý mà nhiều người mắc phải. Nhiều người cứ nghĩ rằng nước muối sinh lý là thứ nước thần kỳ, gần như không có hại gì nên vô tư dùng để súc miệng, rửa mắt, tai, mũi, họng. Thực tế đã có nhiều trường hợp từ không có bệnh gì mà thành bệnh chỉ vì thói quen này”, TS Nguyễn Văn Khải cho biết.

Cận thị là một bệnh, muốn chữa trị cần được thăm khám và điều trị lâu dài. Không nên áp dụng bất cứ mẹo dân gian nào để tránh nguy cơ làm hỏng mắt.

TS Nguyễn Văn Khải

Không lạm dụng
Nước muối sinh lý có những tác dụng nhất định, nhưng theo TS Nguyễn Văn Khải thì không nên lạm dụng nó. Nhiều người cho rằng nước muối sinh lý có thể diệt khuẩn nên sử dụng để rửa mặt, ngâm chân, ngâm tay, nhưng với hàm lượng muối nhỏ là 0.9% thì lượng ion quá thấp, gần như không thể diệt được khuẩn.

“Một số người bị xoang cứ lấy nước muối sinh lý rửa mũi, xịt vào xoang. Thực tế khi xịt nước muối vào mũi thì nó sẽ bị lớp không khí bên trong xoang đẩy ra. Nước muối không chữa được xoang, không làm hết được dịch nhầy trong xoang mà nó chỉ cho cảm giác dễ chịu tức thời thôi.

Hay sử dụng nước muối để rửa mặt, chữa mụn cũng thế. Bản thân việc dùng nước làm sạch da mặt đã là rất tốt để phòng ngừa vi khuẩn lây lan. Mụn có phát triển trở lại hay không là do giữ vệ sinh da thế nào, ăn uống ra sao. Nước muối có diệt được vi khuẩn gây mụn hay không, thì chắc là không.

Giống như nhiều người nghĩ rằng rửa rau bằng nước muối là sạch khuẩn, nhưng vô tình nước muối lại là tác nhân làm biến đổi thành phần hóa học của thuốc trừ sâu (nếu có) trong rau quả thành những chất độc hại hơn cho cơ thể.

Vậy sử dụng thay thế nước muối sinh lý bằng dung dịch gì? Theo TS Nguyễn Văn Khải, tùy vào bệnh mà có cách xử lý riêng. Tốt nhất là nên thăm khám và thực hiện theo chỉ dẫn của bác sỹ, không nên nghe theo những lời đồn để áp dụng mà không hiểu đúng nguyên lý, thực hư tác dụng.

Nước muối sinh lý tốt nhưng không nên lạm dụng. Ví dụ nếu đau, rát họng thì có thể súc miệng bằng nước muối sinh lý, đi đường bụi bặm có thể nhỏ vài giọt nước muối sinh lý làm sạch bụi. Tuyệt nhiên không sử dụng tùy tiện, sử dụng hàng ngày, tránh những hậu quả đáng tiếc.

Bảo Khánh

Theo Đời sống
back to top