Dùng đúng qui tắc, phòng tránh nguy cơ nổ ắc qui

c qui dự phòng được nhiều gia đình sử dụng cho chạy đèn, quạt, phòng khi mất điện lưới, hoặc các hộ kinh doanh nhỏ lẻ ở những vùng điện lưới không ổn định cũng thường phải dùng để cấp điện dự phòng. Theo cảnh báo của các chuyên gia, thực tế không ít trường hợp sử dụng và bảo quản không hợp lý dẫn đến cháy nổ ắc qui, hỏng hóc thiết bị điện,…

Nguyên lý hoạt động

Theo KS Nguyễn Huy Bạo, nguyên cán bộ Viện Kỹ thuật Quân sự, ắc qui hoạt động trên nguyên lý kết hợp thành phần cấu tạo của bản cực âm dương và chất điện phân để sinh ra điện năng. Khi các thành phần cấu tạo của hai bản cực này bị mòn do phản ứng chuyển đổi trong quá trình tham gia sản sinh điện, hoặc chất điện phân không đủ duy trì hoạt động của ắc qui thì ắc qui tiến tới trạng thái mất điện.

Ảnh minh họa

Để tiếp tục duy trì khả năng sử dụng của ắc qui, cần thiết phải tiến hành nạp lại điện năng để chuyển đổi lại các thành phần cấu tạo của bản cực cũng như chất điện phân. Ắc qui có hai loại: khô và ướt. Ắc qui ướt nếu hỏng chỉ có thể bỏ, thay mới. Ắc qui ướt có thể xúc rửa, thay dung dịch, và nạp lại điện để tiếp tục sử dụng.

Việc tái nạp lại một cách đầy đủ lượng điện tiêu thụ là hết sức quan trọng để ắc qui có thể sử dụng được lâu dài, tuy nhiên đây cũng là công đoạn mà người sử dụng cần hết sức cẩn trọng để đảm bảo an toàn.

Không tự nhiên nổ

Theo KS Nguyễn Huy Bạo, ắc qui bình thường không bao giờ tự nhiên nổ. Trong quá trình sử dụng cũng rất hiếm có trường hợp nổ ắc qui, mà việc dùng nhiều, quá tải chỉ gây sụt áp. Khả năng nổ ắc qui chủ yếu có thể xảy ra trong quá trình sạc, điện áp quá lớn hoặc dòng điện nạp quá lớn.

Thông thường điện áp nạp chỉ nên lớn hơn điện áp của ắc qui tối đa là 5V; ví dụ ắc qui có điện áp 12V mà thiết bị nạp vào có điện áp quá lớn, đến trên 18V, thì rất có thể gây nổ.

Nguyên nhân gây nổ thứ hai là do dòng điện nạp quá lớn. Dòng điện một chiều khi nạp vào ắc qui thường phải qua bộ nạp để khống chế và điều chỉnh dòng vào phù hợp. Trong các trường hợp không sử dụng bộ nạp phải nắn dòng, tuy nhiên nếu dòng nắn không chính xác, không đảm bảo kỹ thuật thì nguy cơ nổ là hoàn toàn có thể xảy ra.

Ngoài ra, điện từ ắc qui cũng phải qua một thiết bị chuyển đổi, gọi là bộ rung điện áp, nhằm biến điện áp từ một chiều thành hai chiều để sử dụng được cho các thiết bị điện. Bộ rung điện áp có nhược điểm dễ hỏng, gây chập điện ngoài, cũng là nguyên nhân dẫn đến nổ ắc qui.

Bảo quản và sử dụng an toàn

Ắc qui khi mới mua về, nên nạp điện cho “no” rồi mới đem vào sử dụng. Mặc dù theo nguyên tắc khi xuất xưởng, ắc qui đã được nạp đầy, tuy nhiên khoảng thời gian từ khi xuất xưởng đến lúc mua về càng lâu thì mức độ tự phóng điện của ắc qui càng cao. Trong sử dụng khi ắc qui phóng điện (quá trình xả) nếu điện áp giảm xuống 1,80V/cell (tương ứng U = 10,80V với loại ắc quy 12V) phải dừng phóng điện và nạp lại ngay không để ắc qui đói điện lâu. Nạp no điện cho ắc quy rồi mới đem ra sử dụng lại.

Khi sạc ắc qui, nếu chọn dòng sạc nhỏ so với dung lượng thì ắc qui lâu đầy nhưng sẽ bền và được “no điện” thực sự; ngược lại nếu dòng sạc quá lớn thì nhanh đầy nhưng cũng nhanh hỏng, thậm chí có thể bị nổ khi dòng sạc quá mạnh. Đối với một số loại ắc qui trong quá trình sạc cần phải có sự giám sát nhiệt độ chặt chẽ để đảm bảo an toàn.

Tốt nhất nên sử dụng các bộ sạc tự động, có thể đo điện áp ắc qui, đo dòng điện nạp để lựa chọn mức điện áp và dòng nạp phù hợp với chế độ điều chỉnh, đảm bảo qui trình nạp an toàn và ắc qui được bảo dưỡng tốt hơn.

Trong sử dụng chỉ dùng ắc qui cho những thiết bị tải phù hợp, việc đấu nối quá nhiều thiết bị, sử dụng quá tải rất dễ dẫn đến cháy nổ ắc qui. Ắc qui nên được bảo quản nơi khô ráo, thoáng khí, tránh ẩm, tránh những nơi có nguồn nhiệt cao.

Thường xuyên kiểm tra cáp nối, thay mới nếu cần; kiểm tra và phát hiện các vết nứt trên vỏ bình, nhất là khu vực quanh cọc bình, thay ngay nếu có bất kỳ vết nứt nào. Bình không được đặt ở vị trí nghiêng hoặc lật úp.

Tuyệt đối không được để vật nặng hoặc vật kim loại trên bình, dễ khiến hai điện cực tiếp xúc gây ra chạm điện, có thể phát sinh tia lửa điện rất nguy hiểm.

Ắc qui trong thời gian chưa sử dụng phải tiến hành nạp điện định kỳ mỗi 3 tháng. Đối với bình ướt nếu chưa sử dụng  không được tháo phần giấy bạc ép trên nắp để bảo đảm độ kín bình. (KS Nguyễn Huy Bạo)

Đức Anh

Theo Đời sống
back to top