Đừng để đeo khẩu trang cũng như không

Ngày nay, đi ra khỏi nhà là mọi người đều ý thức đeo khẩu trang để ngăn bụi và các chất ô nhiễm trong không khí. Tuy nhiên, theo chuyên gia việc chọn không đúng khẩu trang cũng như không biết cách đeo đúng chuẩn thì việc đeo khẩu trang cũng bằng thừa, đeo khẩu trang nhưng vẫn hít phải bụi và các chất ô nhiễm.

Nhiều người vẫn chưa biết cách chọn khẩu trang đảm bảo an toàn.

Chọn chuẩn không khó

Bà Nguyễn Thị Hằng, điều phối viên của Chương trình Nước & Không khí sạch, Trung tâm Phát triển và Sáng tạo Xanh (GreenID) cho biết, hiện nay, mức ô nhiễm không khí ngoài trời rất cao có thể gây ra những ảnh hưởng lâu dài đối với sức khoẻ.

Lý do là bởi trong không khí ngoài các hạt bụi to còn có các hạt bụi nhỏ bụi siêu mịn như PM 2.5, PM 10 và các chất ô nhiễm khác như sulfur dioxide, SO2, NO2, bồ hóng…

Chính vì thế, khi ra ngoài đường, việc đeo khẩu trang là điều rất quan trọng và hầu hết mọi người đều ý thức được điều này, đi ra đường là đeo khẩu trang.

Tuy nhiên, có một thực tế, không phải khẩu trang nào cũng đạt chuẩn và đảm bảo lọc được các hạt bụi siêu mịn. Nhiều loại khẩu trang thông thường hiện nay mà không ít người sử dụng thực tế chỉ lọc được hạt bụi to và bỏ lọt các hạt bụi siêu mịn và các chất độc có trong không khí.

Để chọn đúng khẩu trang, người dân phải chú ý đến chủng loại, tiêu chuẩn, thiết kế và chất liệu. Về tiêu chuẩn và chủng loại, bạn cần chọn một khẩu trang phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế thay vì khẩu trang giấy, khẩu trang phẫu thuật, khăn quàng cổ hoặc khẩu trang vải.

Có hai nhóm tiêu chuẩn được công nhận cho khẩu trang gồm tiêu chuẩn Hoa Kỳ và tiêu chuẩn Châu Âu.

Tiêu chuẩn của Hoa Kỳ được đánh giá bởi chính phủ Hoa Kỳ, đã được phê duyệt và chứng nhận từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh của Hoa Kỳ (CDC) và Viện An toàn và Sức khoẻ Nghề nghiệp (NIOSH).

Một số loại khẩu trang được chứng nhận bởi NIOSH có khả năng loại bỏ được bụi PM2.5 gồm N95, N99, N100.

Các khẩu trang được chứng nhận theo tiêu chuẩn châu Âu phải được đánh dấu bằng chữ “CE” (tiêu chuẩn được công nhận) và kèm theo ký hiệu tiêu chuẩn (ví dụ EN 149: 2001).

Để đảm bảo an toàn, khi mua sản phẩm bạn cần nên mua các loại khẩu trang được chứng nhận bởi các tiêu chuẩn trên.

Đối với tiêu chuẩn Châu Âu, đảm bảo các thông tin sau được in trên bao bì: dấu CE, kí hiệu EN149: 2001 và phân loại bộ lọc (FFP1, FFP2 hoặc FFP3, trong đó FFP1: loại bỏ 80% các hạt bụi trong không khí, FFP2: loại bỏ 94% các hạt bụi trong không khí, FFP3: loại bỏ 99% các hạt bụi trong không khí ), tên của nhà sản xuất.

Đối với tiêu chuẩn NIOSH, đảm bảo các thông tin sau đây được in trên bao bì: NIOSH, loại bộ lọc (ví dụ: N95, N99, N100), tên của nhà sản xuất.

Trong đó khẩu trang N95 có khả năng loại bỏ ít nhất 95% các hạt bụi không khí; N99 có khả năng loại bỏ ít nhất 99% các hạt bụi không khí; N100 có khả năng loại bỏ ít nhất 99,97% các hạt bụi không khí.

Bà Nguyễn Thị Hằng: “Có lẽ cho tới bây giờ, khẩu trang vẫn là sản phẩm ngăn bụi thông dụng, đơn giản mà phù hợp với túi tiền người dân nhất. Quan trọng là chúng ta cần lựa chọn được đúng loại khẩu trang có khả năng ngăn được bụi siêu nhỏ đảm bảo chất lượng và biết cách đeo khẩu trang đúng chuẩn để có thể giảm thiểu tối đa lượng bụi xâm nhập”.

Chú ý đeo đúng

Theo bà Nguyễn Thị Hằng, đối với khẩu trang không chỉ chọn đúng loại khẩu trang đảm bảo chất lượng mà một yếu tố quan trọng nữa là bạn phải nắm vững kỹ thuật khi đeo khẩu trang.

Nhiều người đeo khẩu trang nhưng khẩu trang quá chặt, quá lỏng, quá rộng… là rất sai lầm. Để bảo vệ hiệu quả sức khoẻ của người sử dụng, khẩu trang cần được trang bị đúng cho mỗi người dùng.

Để chắc chắn rằng khẩu trang vừa khít với bạn, bạn phải đảm bảo khẩu trang ôm chặt chẽ vào mặt với hai dây buộc đầu và một nút điều chỉnh mũi.

Sau đó, bạn hãy hít sâu và thở ra để kiểm tra xem độ khít của khẩu trang. Bạn cần nhớ rằng, ngay cả khi bạn chọn được loại khẩu trang tuyệt vời có thể ngăn được bụi như N95, N99… cũng vẫn sẽ vô dụng nếu khẩu trang không vừa vặn trên khuôn mặt của bạn, và bị rò rỉ không khí xung quanh qua các cạnh.

Sơn Hà

Theo Đời sống
back to top