Đừng để cháy nhà vì ổ cắm điện

Hàng loạt vụ cháy nghiêm trọng xảy ra trong thời gian gần đây có nguyên nhân chủ yếu được xác định là do sử dụng dây và ổ cắm điện không đủ điều kiện an toàn. Theo các chuyên gia, dây và ổ cắm điện trong nhà không đúng chuẩn là nguyên nhân có thể dẫn đến những rủi ro khó lường.

Cháy nhà vì thiết bị điện

Theo Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Bộ Công an, riêng trong 6 tháng đầu năm cả nước đã xảy ra 571 vụ cháy, nổ mà nguyên nhân chủ yếu là do sự cố hệ thống điện và thiết bị điện. Đáng chú ý vào ngày 13/6, đã xảy ra cháy tại phòng trọ do ông Nguyễn Mạnh Hùng thuê, địa chỉ ngách 15, ngõ 637 đường Trương Định, phường Thịnh Liệt (Hoàng Mai).

Tuy không gây hậu quả chết người nhưng căn phòng trọ do chập điện đã bị cháy toàn bộ tài sản. Ngày 14/6 xảy ra cháy tại căn nhà số 576 ngõ 216 Định Công, phường Định Công của chị Nguyễn Thị Thúy. Nguyên nhân sơ bộ được xác định do chập điện tủ lạnh gây cháy. Gần đây, ngày 17/9, xảy ra vụ việc cháy lớn tại số 83 Nguyễn Khang, nguyên nhân ban đầu được xác định là do chập dây điện ở bảng biển quảng cáo.

TS Trần Văn Thịnh, nguyên Trưởng Bộ môn Thiết bị điện, ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, hiện trong các gia đình, thói quen sử dụng thiết bị điện sai cách, không đúng hướng dẫn sử dụng của thiết bị, chính là những “sát thủ” đối với các thành viên trong nhà.

Rất nhiều người chủ quan, không coi trọng hệ thống ổ cắm, dây dẫn, cẩu thả trong cách sử dụng thiết bị đã dẫn đến những tai nạn đáng tiếc, thiệt hại lớn về vật chất.

Trong quá trình lắp đặt, đa số các gia đình đều sử dụng loại dây dẫn thông thường, nên chỉ sau một thời gian do tác động môi trường vỏ bọc bằng nhựa bị lão hóa dẫn đến chạm điện dễ gây cháy nổ.

“Nhiều khi chỉ một chiếc quạt điện bị chập cũng có thể làm cháy cả ngôi nhà.Ở nhiều loại quạt, do lớp sơn cách điện quá mỏng dẫn đến chỉ sử dụng một thời gian ngắn là lớp sơn này bị bong tróc dẫn đến chập cháy. Hoặc đồ điện tử để lâu ngày không bảo dưỡng, bị bụi bẩn bám vào. Đơn giản nhất là biển quảng cáo ở một quán karaoke bị cháy thôi mà cũng gây ra vụ hỏa hoạn kinh hoàng”, TS Trần Văn Thịnh cho biết.

Aptomat tránh tai nạn thương tâm

Theo TS Trần Văn Thịnh, ở các công trình công cộng hay nhà ở, an toàn nhất là lắp hệ thống aptomat chống rò, chống giật. Khi có điện rò ra vỏ thì aptomat sẽ tự động ngắt hệ thống điện. Theo nguyên lý đó, khi có người không may chạm vào dây điện bị hở thì hệ thống aptomat cũng sẽ tự động ngắt điện.

Đây là cách dễ làm nhất để tránh xảy ra những tai nạn thương tâm. Đặc biệt là những thiết bị điện dễ xảy ra rò rì như bình nóng lạnh, tủ lạnh, máy sấy, nồi cơm điện, ấm đun nước, ấm siêu tốc… thì nên lắp đặt hệ thống aptomat riêng. Đầu tư cho hệ thống điện càng lớn thì chỉ số an toàn càng cao.

Khuyến cáo đưa ra là không dùng ổ cắm có nhiều đường ra để cùng lúc sử dụng nhiều thiết bị tiêu thụ điện có công suất cao. Đối với trường hợp ổ cắm không chặt với phích cắm thường phát sinh tia lửa điện khi sử dụng, cần kiểm tra và khắc phục ngay tình trạng này trước khi sử dụng.

TS Trần Văn Thịnh cho rằng, hiện có tình trạng phổ biến là dùng đồ điện tử “vô thời hạn”, tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn. Những thiết bị điện, đồ dùng điện quá cũ cần phải được kiểm tra thường xuyên để kịp thời sửa chữa hoặc thay thế (đặc biệt là máy điều hoà nhiệt độ).

Khi không còn nhu cầu sử dụng các thiết bị điện nữa hoặc trường hợp đang sử dụng mà bị mất điện thì phải ngắt ngay các thiết bị điện ra khỏi nguồn điện. Đường dây dẫn điện, các cầu chì, cầu dao không để bị gỉ, nếu bị gỉ thì nơi gỉ là nơi phát nhiệt lớn.

Những nơi cách điện bị chập, nhựa cách điện bị biến màu là những nơi dễ phát lửa khi dòng điện bị quá tải, cần được thay dây mới.

Theo TS Trần Văn Thịnh, để hệ thống điện gia đình luôn an toàn, hãy nhờ đến sự trợ giúp của thợ bảo dưỡng chuyên nghiệp chăm sóc 1, 2 lần/ 1 năm để họ kiểm tra và phát hiện những dấu hiệu bất thường mà chúng ta không biết được

Bảo Khánh

Theo Đời sống
back to top