Đừng coi thường mất ngủ

(khoahocdoisong.vn) - 80% người mất ngủ là do thiếu máu não. Khi mạch máu nuôi dưỡng não bị chèn ép, tắc, hẹp, chất lượng máu nuôi não giảm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thần kinh trung ương. Biểu hiện điển hình nhất là mất ngủ, đau đầu.

Mất ngủ, ngủ không đủ giấc, không sâu

Người bị thiếu máu não xuất hiện triệu chứng sớm nhất là mất ngủ - chiếm tới 80% và đau đầu- chiếm tới 90%. Ban đầu chỉ là những cơn nhói ở vùng đầu, sau đó lan tỏa khắp đầu, nhức hoặc ê ẩm, nặng đầu. Kèm theo đau đầu là mất ngủ. Một số người lúc tối ngủ được, nửa đêm trằn trọc không ngủ, gần sáng lại ngủ. Mất ngủ kéo dài gây mệt mỏi toàn thân, tai nghe không rõ, trí nhớ giảm sút, kém tập trung, tinh thần bất ổn, dễ bị kích động.

Theo các chuyên gia, giấc ngủ rất cần thiết để ổn định các hoạt động sinh lý của cơ thể, là trạng thái tạm thời để cơ thể nghỉ ngơi hoàn toàn và khôi phục sức khỏe. Theo ThS.BS Hoàng Khánh Toàn, Trưởng khoa Đông y, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108, mất ngủ là trạng thái không đầy đủ cả về chất và lượng của giấc ngủ trong thời gian dài, não và các cơ quan không được nghỉ ngơi thỏa đáng nên thức dậy với cảm giác thiếu ngủ, mệt mỏi.

Mất ngủ kinh niên làm suy giảm  miễn dịch, suy giảm sức khỏe, mệt mỏi toàn thân. Mất ngủ, rối loạn giấc ngủ thường do thiếu máu não gây ra với các biểu hiện đa dạng như: Không buồn ngủ, rất khó đi vào giấc ngủ, trở mình mãi mà không ngủ được, ngủ không sâu, cổ, lưng mỏi, chân tay tê buồn, bồn chồn, trằn trọc không ngủ tiếp được, gần sáng lại ngủ, sáng dậy thiếu ngủ, mệt mỏi, ban ngày ngủ gà ngủ gật. Người bị mất ngủ do thiếu máu não có thể bị thêm các triệu chứng:  Đau đầu, hoa mắt, chóng mặt,  ù tai, đau mỏi vai gáy, đau cứng cổ, đau mỏi, tê bì chân tay. Người cao niên, trung niên (nhất là phụ nữ tiền mãn kinh) dễ bị thiểu năng tuần hoàn não, điều này giải thích tại sao người già và phụ nữ tiền mãn kinh dễ mất ngủ. 

Mất ngủ cấp và mãn tính

Mất ngủ cấp tính là tình trạng người bệnh bị mất ngủ trong thời gian ngắn có thể chỉ là một đêm hoặc vài tuần. Mất ngủ mạn tính hay mất ngủ kéo dài xảy ra khi người bệnh bị mất ngủ ít nhất 3 đêm/tuần trong suốt một tháng hoặc lâu hơn, thường gặp trong các bệnh lý như suy nhược thần kinh, rối loạn lo âu, trầm cảm… Mất ngủ cấp tính nếu không được giải quyết triệt để có thể dẫn tới mất ngủ mạn tính.

Theo các chuyên gia, mất ngủ mãn tính thường do suy nhược thần kinh. Những người bị căng thẳng trong thời gian dài thường rơi vào trạng thái suy nhược thần kinh. Khi không ngủ được càng khiến quá trình hưng phấn và ức chế bị rối loạn kèm theo các triệu chứng lo âu, kích thích, tim hồi hộp, đập nhanh, nếu không được điều trị kịp thời dễ dẫn đến lo âu, trầm cảm.

Để điều trị chứng mất ngủ, chuyên gia yoga Thu Hương (phòng tập Trung Hòa, Hà Nội) cho biết, yoga có nhiều động tác giúp giấc ngủ sâu và ngon, giúp người mất ngủ lâu ngày không cần dùng thuốc, ví dụ động tác đứng thẳng, gập người, tay chạm mũi chân giúp kích thích gan và thận, khởi động hệ thần kinh đối giao cảm, giúp giải tỏa căng thẳng để cơ thể dễ chìm vào giấc ngủ. Người tập đứng hai chân rộng bằng hông, gập người xuống, hai chân duỗi thẳng. Cong hai cùi chỏ và ấn hai lòng bàn chân xuống mặt sàn, đỉnh đầu hướng xuống để thư giãn đầu và cổ, hít thở sâu, giữ 1-3 phút.

Với nhân viên văn phòng phải ngồi máy tính nhiều, công việc căng thẳng dẫn đến mất ngủ có thể tham khảo tư thế gập người, uốn ngừa lưng, tay chạm đất, giúp máu lưu thông tới tim (trong khi thư giãn, mở rộng hai vai). Tiếp đến, dùng tay mát xa trán nhẹ nhàng kích thích tuyến yên, điều khiển lượng melatonin và chu kỳ ngủ-thức của cơ thể.

Trong quá trình tập nên uống đủ nước, ăn đa dạng, đi ngủ đúng giờ. Về thực phẩm ưu tiên thực phẩm giàu chất xơ, đạm nên lấy từ đậu nành, ăn cá giàu axit béo omega 3, ăn ngũ cốc nguyên hạt, trước khi đi ngủ có thể ăn thêm 1 quả chuối và uống sữa để có giấc ngủ sâu.

Theo Đời sống
back to top