Dùng cây cứt lợn chữa xoang có thể làm mất dịch cơ thể

Cây cứt lợn được nhiều người dùng để chữa các bệnh viêm xoang, mũi… Cách làm khá đơn giản như lấy hoa và lá, cành xay ra chắt lấy nước cốt nhỏ vào mũi. Theo các chuyên gia, lạm dụng cách chữa này có thể khiến bệnh nặng hơn.

Cắn răng chịu đau rát để chữa viêm xoang

Chị Nguyễn Thị Na (Cầu Giấy, Hà Nội) bị viêm xoang mấy năm nay, đi chữa nhiều nơi không đỡ. Sau khi được bạn bè mách dùng cây cứt lợn có thể chữa được bệnh rất hiệu quả chị đã nhờ người bạn ở quê chế biến để dùng dần.

Không nên lạm dụng cây cứt lợn trị xoang

Theo đó, chị nhờ bạn hái cành cây cứt lợn về, lấy lá, hoa và ngọn non xay ra, chắt lấy nước và cho vào lọ nhựa để đưa lên Hà Nội dùng dần. Mỗi lần khó chịu, chị nhỏ vài giọt vào mũi. Sau khi nhỏ, chị phải cắn răng chịu đựng cảm giác rát buốt, đau nhức vùng xoang mặt. Nhưng sau dần cảm giác quen nên đỡ đau và khó chịu hơn.

Chị Na chia sẻ, sau khi nhỏ, nước mũi ra nhiều nên thông mũi hơn, nhưng càng dùng, cảm giác không còn như những lần đầu. Tức hiệu quả không cao, như chị bị nhờn thuốc. Sau hai tháng dùng, thuốc này với chị cũng không còn tác dụng với xoang mũi nữa.

Theo BS Trịnh Thị Hương Giang, Khoa Đào tạo, Viện Y học cổ truyền Việt Nam, cây cứt lợn theo y học cổ truyền có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu sưng – đi vào 2 kinh phế và tâm bào.

Bệnh viêm xoang là 1 bệnh do ngoại tà (phong hàn, phong nhiệt, nhiệt độc,…) xâm phạm vào kinh phế làm phế mất chức năng tuyên phát và túc giáng, làm ảnh hưởng đến công năng thông điều thủy đạo của tạng phế. Vì vậy thủy dịch bị đình lưu ở phế gây ra hiện tượng hắt hơi, sổ mũi, nhẹ thì nước mũi trong, nặng thì nước mũi đục. Nếu có hiện tượng nước mũi đục (do hỏa nhiệt độc) thì dùng vị thuốc Cứt lợn.

Lạm dụng cây cứt lợn khiến cơ thể mất chất dịch

Ngoài ra, BS Trịnh Thị Hương Giang cũng cho biết thêm, theo y học hiện đại thì khi bị viêm xoang, niêm mạc mũi bị sưng nề làm bệnh nhân khó thở, mà cây cứt lợn có tác dụng tiêu sưng nên khi dùng làm bệnh nhân dễ chịu. Nhưng vì cây cứt lợn là thuốc thanh nhiệt, giải độc, tiêu sưng nên chữa khi bệnh đã nhập lý, do thực nhiệt gây ra, nếu dùng thời gian dài sẽ làm mất tân dịch, tức các chất dịch của cơ thể.

Vì thế, chỉ nên dùng trong thời gian ngắn. Khi dùng nên kết hợp thêm với một vị thuốc cùng nhóm để tránh kháng thuốc. Các vị có thể kèm theo như kim ngân hoa, bồ công anh,…

Còn TS.BS Vũ Trường Phong, Phó tổng thư ký, chánh văn phòng Hội tai mũi họng Việt Nam cho hay, khi bị viêm xoang cần đi thăm khám để biết tình trạng và sử dụng đúng loại thuốc. Cây cứt lợn không có hiệu quả cao trong việc điều trị. Khi nhỏ dung dịch từ cây vào mũi gây đau rát, từ đó đẩy ra nhiều nước cũng như dịch nhờn hơn nên mũi thông thoáng được một thời gian ngắn. Lúc này người bệnh nhầm là đỡ nhưng thực sự không phải vậy. Nếu lạm dụng có thể dẫn đến tình trạng mũi bị viêm nặng hơn, lúc này chữa càng khó khăn.

Vì thế, các chuyên gia khuyến cáo, khi bị bệnh cần tìm hiểu bệnh lý, sử dụng đúng thuốc dù là tây y hay đông y dưới sự kê đơn của các chuyên gia y tế. Tránh tình trạng nghe nhau dùng thuốc khiến mang vạ vào thân.

Hà Linh

Theo Đời sống
back to top