Dùng bút thử TDS khó biết nguồn nước an toàn, độc hại

Với những lời quảng cáo như kiểm tra hiệu suất của bộ lọc nước, xác nhận nguồn nước của bạn ở mức an toàn TDS lành mạnh… khiến nhiều người dân nhầm lẫn rằng bút thử TDS meter cho biết rõ nguồn nước đang dùng là an toàn hay độc hại. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, bút thử này chỉ mang tính chất biểu kiến, không thể hiện rõ sự an toàn của nguồn nước.

200.000đ biết được nước an toàn!?

Theo trang TV Shop, sản phẩm bút thử TDS Meter có giá chỉ 200.000đ nhưng với chức năng kiểm tra nồng độ dung dịch thủy canh, chất lượng của nước nên được sử dụng để kiểm tra hiệu suất của bộ lọc nước, xác nhận nguồn nước của bạn có ở mức an toàn hay không. Sản phẩm có xuất xứ Đài Loan (Trung Quốc), có cấu tạo tựa như chiếc cặp nhiệt độ chạy bằng pin. Ngoài đo chỉ số TDS, thiết bị còn đo nhiệt độ, độ F…

Bút thử nước. Ảnh minh họa.

Theo KS Nguyễn Văn Lâm, Viện Hóa học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, TDS là chỉ số cho thấy tổng các chất rắn hòa tan trong nước, hay nói cách khác là qua chỉ số này của thiết bị đo được sẽ cho biết trong nước có bao nhiêu chất khoáng. Nhưng con số này chỉ là một phép tổng, không chỉ rõ các chỉ tiêu cụ thể.

“TDS là tổng các chất rắn hòa tan trong nước. Đây chỉ là một chỉ tiêu biểu kiến ước lượng có trong nước chứ không thể hiện được chất lượng nước này thế nào, có độc hay không. Vì thế, nếu nói dùng bút thử TDS để biết được độ an toàn của nước đang dùng là chưa chính xác”, KS Nguyễn Văn Lâm nói rõ.

Cụ thể, vị chuyên gia phân tích thêm, một nguồn nước có chỉ số TDS cao chưa chắc đã độc hại, trong khi một nguồn nước có TDS thấp lại độc hại đến sức khoẻ người dùng. Nên nếu chủ quan, chỉ dựa vào chỉ số này thì rất phản khoa học. Ví dụ như một nguồn nước có TDS khoảng 300 nhưng khi phân tích thì chủ yếu do canxi carbonat cao, chứng tỏ nước này vẫn an toàn để sử dụng trong gia đình. Trong khi, một nguồn nước đo TDS chỉ khoảng 70 – 80 nhưng trong đó lẫn asen ở mức 10 phần tỷ là đã độc hại.

Tại trang web bán hàng Lazada.vn, sản phẩm bút thử nước sạch TDS3 được bán với giá chỉ 54.000đ (giảm 79% so với 255.000đ so với giá cũ). Sản phẩm được quảng cáo dùng để kiểm tra hiệu suất của bộ lọc nước, xác định xem nguồn nước sử dụng qua lọc đã đạt tiêu chuẩn hay chưa. Đặc biệt, bút TDS có độ chính xác cao do bởi công nghệ vi xử lý tiên tiến. 

Chỉ để “biết cảm giác” thiết bị lọc có hoạt động

KS Nguyễn Văn Lâm cũng nhấn mạnh, việc đơn vị bán cho rằng bút thử TDS được sử dụng để kiểm tra hiệu suất của bộ lọc nước cũng chưa chính xác. Nếu nói chính xác thì bút thử này cho biết bộ lọc nước có hoạt động hay không. Bởi khi lắp máy, người ta thử nước bằng bút này sẽ có một thông số. Và sau khi lắp, thử lại thì cho thấy có một thông số khác.

Với cách này sẽ chứng tỏ thiết bị lọc có hoạt động nên chỉ số có thể khác nhau. Còn để biết hiệu suất có tốt hay không, thiết bị này không đánh giá được. Bởi trong nước có nhiều chỉ số, nếu máy làm tốt là loại bỏ những chỉ số mang tính chất độc hại. Nhưng trên thực tế, bút này không làm được điều trên.

Bút thử nước không thể cho biết nước sạch hay bẩn một cách khoa học. Ảnh minh họa.

Do đó, các chuyên gia cho rằng, máy này chỉ mang tính chất “biết cảm giác” thiết bị lọc vẫn hoạt động, không thể hiện được độ an toàn của nước. Thay vào đó, để biết nước an toàn hay không cần có những phân tích theo các chỉ tiêu của Bộ y tế. Tại các địa điểm cung cấp nước, tùy vào các chỉ tiêu có thể thay đổi để giảm các chi phí.

“Người dân khi mua các thiết bị dạng này cần tìm hiểu rõ về tác dụng cũng như khả năng hoạt động của thiết bị đối với các chỉ số nước để tránh tình trạng mua xong, mất tiền nhưng không có tác dụng thực sự với cuộc sống. Thậm chí tránh tình trạng vì mua loại thiết bị này sau đó lại mang thêm những lo lắng vì thấy thông số TDS cao”, KS Nguyễn Văn Ngô, Công ty Cổ phần Đầu tư Phú Lộc, Hoàng Mai, Hà Nội nhấn mạnh.

Hiền Dung

Theo Đời sống
back to top