Đừng biến tủ lạnh thành chạn bát

(khoahocdoisong.vn) - Nghĩ rằng tủ lạnh diệt khuẩn, cho hết bát đũa, gia vị vào tủ lạnh cất giữ sẽ biến tủ lạnh thành cái chạn bát, tập trung vi khuẩn.

Cất tủ lạnh cho yên tâm

Thời tiết nồm ẩm kéo dài, bà Hoàng Thị Thơm (Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội) nảy ra “sáng kiến” cất hết bát đĩa, thìa đũa vào trong tủ lạnh để tránh ẩm mốc. Đặc biệt là đũa ăn, để bên ngoài rất dễ mố. Bát ăn thì lúc nào cũng ẩm ấm, dính dính chứ không khô sạch  như bình thường. Do đó, bà để hết vào tủ lạnh để “ngừa vi khuẩn sinh sôi”. Thành ra, chiếc tủ lạnh nhà bà luôn chất cứng và trong tình trạng “quá tải”. Thức ăn sống, đồ ăn chín, bát đũa đều nằm hết trong tủ.

Còn bà Phạm Thì Mùi (Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội) thì cẩn thận hơn, bà để hết gia vị mắm muối, mì chính, dầu ăn… các loại vào trong tủ lạnh cho yên tâm. Theo bà, gia vị để bên ngoài rất dễ hỏng, kiến, gián lại dễ xâm nhập. Tốt nhất là cho vào tủ lạnh, không con gì có thể “bén mảng” được. Hơn nữa để trong tủ lạnh thì chắc gia vị cũng sẽ được bảo quản lâu hơn, không bị hỏng như để ngoài, cạnh bếp.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học, Công nghệ Thực phẩm cho rằng, đây là những hành động thừa, không có hại gì nhưng tốn công sức, tốn tiền điện mà không đem lại tác dụng khả quan nào. Người nào có tiền cứ làm, nhưng không cần thiết, và không nên biến chiếc tủ lạnh bảo quản thực phẩm thành cái chạn bát hổ lốn đủ thứ.

TS vật lý Nguyễn Văn Khải thì cho rằng, vi khuẩn trong tủ lạnh không hề chết đi mà chúng chỉ “ngủ đông”. Khi gặp điều kiện nhiệt độ bình thường, chúng lại tiếp tục sinh sôi. Do đó, để bát đũa vào tủ lạnh với mục đích kháng khuẩn là rất sai lầm. Còn các loại gia vị, mắm muối thì vi khuẩn không thể xâm nhập để làm hỏng được thì tốt nhất là để ở điều kiện bình thường.

“Để bát đĩa vào trong tủ lạnh không diệt được khuẩn thậm chí còn gây hại hơn. Bởi khi lấy ra ăn, vi khuẩn lại được dịp phát triển. Do đó, người ta chỉ bảo quản trong tủ lạnh những thực phẩm đặc biệt chứ không diệt khuẩn cho bát đĩa. Về nguyên tắc thì ở nhiệt độ nào cũng có thể tồn tại vi khuẩn ở dạng này hay dạng khác. Nhiệt độ ngăn mát tủ lạnh từ 4 đến 10 độ C lại rất lý tưởng để vi khuẩn phát triển”, TS Nguyễn Văn Khải cho biết.

Rửa nước nóng, phơi nắng

Theo TS Nguyễn Văn Khải, cách diệt khuẩn cho bát đĩa tốt nhất là đem phới nắng hoặc rửa bằng nước nóng rồi để khô. Khi đó vi khuẩn sẽ không thể sinh sôi, dù trời có nồm ẩm. Nhà nào có điều kiện dụng máy rửa bát hoặc máy sấy bát đĩa thì càng tiệt trùng tốt cho bát đĩa. Ở điều kiện bình thường, bát đĩa được rửa sạch, để khô là cũng ít có khả năng vi khuẩn sinh sôi. Chỉ trừ trường hợp bát đĩa bẩn, ăn xong không rửa ngay mà vứt trong chậu rửa để đó. Càng lâu thì vi khuẩn, nấm mốc càng dễ sinh ra. Do đó, các bà nội trợ không nên quá cẩn trọng cho bát đĩa vào tủ lạnh. Để nấm mốc không phát triển những ngày nồm ẩm thì phải vệ sinh sạch sẽ khu vực bếp, không để đồ ăn bám lên tường, dầu mỡ bám quanh bếp, khu vực để bát đũa…

“Nhiều gia đình có thói quen tích trữ nhiều rau củ trong tủ lạnh cũng là rất sai lầm. Bởi rau ngoài chợ lúc nào cũng có sẵn, và rau tươi đương nhiên tốt hơn rau đã để lâu. Thực phẩm ở nhiệt độ nào cũng sẽ biến đổi theo thời gian. Có người đi chợ hàng ngày mà vẫn tích trữ rau củ trong tủ lạnh là không nên. Chỉ cho vào tủ lạnh bảo quản những thực phẩm đặc biệt, đồ ăn chín hoặc những thực phẩm khó kiếm ngay ngoài chợ chứ không nên lạm dụng, biến tủ lạnh thành cái chạn bát hổ lốn đủ thứ dễ lây nhiễm chéo vi khuẩn”, TS Nguyễn Văn Khải cho biết.

Ngoài ra, các loại gia vị cũng có hạn sử dụng nhất định. Việc bảo quản trong tủ lạnh là không cần thiết nhưng cũng cần lưu ý đậy kín nắp, không để gián, côn trùng bò vào. Khi gia vị có dấu hiệu biến màu, mùi… thì phải bỏ, không nên tận dụng.

Bảo Khánh

Box

“Tủ lạnh được thiết kế để bảo quản thực phẩm chứ không phải diệt khuẩn cho đồ gia dụng. Để bát đũa vào sẽ làm tăng sức nặng của tủ, khiến tủ phải hoạt động hết công suất để làm lạnh, sẽ giảm tuổi thọ của tủ”, TS Nguyễn Văn Khải

Theo Đời sống
back to top