Dùng biện pháp "bất bình đẳng" để mong... bình đẳng

(khoahocdoisong.vn) - Việc khen thưởng gia đình sinh con một bề là gái ở Hậu Giang vô hình lại tạo ra sự bất bình đẳng giới sâu sắc hơn, thậm chí làm cho tình trạng mất cân bằng giới tính trầm trọng hơn.

Theo GS.TS Nguyễn Đình Cử, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Viện Nghiên cứu Dân số, Gia đình và Trẻ em (IPFCS), việc khen thưởng gia đình sinh con một bề là gái ở Hậu Giang vô hình lại tạo ra sự bất bình đẳng giới sâu sắc hơn, thậm chí làm cho tình trạng mất cân bằng giới tính trầm trọng hơn. Mặc dù, mục tiêu ban đầu là để ngăn chặn tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

Khen thưởng là không cần thiết

Trước tình trạng dân số già, mất cân bằng giới tính, những gia đình sinh hai con gái ở Hậu Giang được thưởng 390.000 đến 1,3 triệu đồng. Theo đó, từ đầu năm 2019, tỉnh Hậu Giang sẽ thực hiện việc hỗ trợ chính sách dân số trên địa bàn. Chính quyền các cấp sẽ khen thưởng, biểu dương những cặp vợ chồng sinh 2 con đều là gái. Là một chuyên gia làm nhiều năm về công tác dân số, ông nghĩ sao về điều này?

Việc khen thưởng, biểu dương những cặp vợ chồng sinh đủ hai con một bề là gáiở Hậu Giang không mới, nhưng dễ gây nhiều cách hiểu. Sẽ có người thắc mắc: Tại sao tỉnh chỉ “khen thưởng, biểu dương những cặp vợ chồng sinh đủ hai con một bề là gái” mà không khen thưởng cặp vợ chồng sinh đủ hai con một bề là trai hoặc 2 con có cả trai và gái, với các điều kiện khác tương tự? Như vậy là bất bình đẳng?

Hẳn là lãnh đạo tỉnh Hậu Giang muốn động viên các cặp vợ chồng đừng cố theo đuổi việc sinh con trai?

Trước tình trạng “mất cân bằng giới tính khi sinh” mà cụ thể là sinh nhiều cháu trai hơn cháu gái, có lẽ đúng là Hậu Giang muốn động viên các cặp vợ chồng sinh con gái để họ không cố gắng “theo đuổi con trai” dẫn đến sinh quá 2 con và làm tình trạng “mất cân bằng giới tính khi sinh” càng thêm trầm trọng. Hơn nữa, thực tế người ta vẫn có thể tạm dùng dùng biện pháp “bất bình đẳng” để đưa một trạng thái bất bình đẳng về bình đẳng. Chẳng hạn, trước đây chúng ta có chính sách cộng thêm 01 điểm cho nữ thí sinh thi vào Đại học. Như vậy là “bất bình đẳng” nhưng là để “chữa”  một tình trạng trẻ em gái chịu nhiều thiệt thòi trong giáo dục. Ngày đó, không thấy ai nói về “xúc phạm nữ sinh” cả.

Xem ra thuật ngữ “bất bình đẳng” rất đa chiều?

Vấn đề “bất bình đẳng” luôn là vấn đề rất nhạy cảm. Hai nhà liền nhau, một nhà sinh 2 trai không được khen, một nhà sinh 2 gái lại được khen sẽ nảy sinh tâm lý thắc mắc. Hơn nữa, theo tôi, cần cân nhắc tình trạng “mất cân bằng giới tính khi sinh” ở Hậu Giang đã đến mức nghiêm trọng chưa mà phải dùng đến biện pháp “bất bình đẳng”?

Theo ông, giải pháp khen thưởng như vậy có làm giảm sự chênh lệnh giới tính khi sinh con hay không?

Khen thưởng như vậy, cùng lắm là đóng góp nhỏ vào có làm giảm sự chênh lệnh giới tính khi sinh con nhưng tôi nghĩ đến “phản ứng phụ” nhiều hơn.

Ở góc độ là các gia đình được khen thưởng, theo thầy nó có tác động tích cực hơn không? Người ta có thấy vui hơn, yên tâm hơn không?

Trả lời câu hỏi này cần điều tra xã hội học tại địa phương. Tuy nhiên, tôi nghĩa rằng, ngày nay, nhất là các tỉnh Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, có nhiều cặp vợ chồng không quan trọng việc sinh con trai hay con gái thì việc khen thưởng này là không cần thiết. Còn những cặp vợ chồng vẫn có tư tưởng “khát con trai” thì phần thưởng này lại quá nhỏ, không làm họ vui hơn.

Chênh lệch giới tính đang rất nghiêm trọng

Chênh lệch giới tính sinh ở Việt Nam đang báo động như thế nào thưa ông?

Ở nước ta, Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 1999 đã cho thấy, “tỷ số giới tính khi sinh” của toàn quốc là 107 (mức bình thường, tự nhiên) nhưng năm 2006, tỷ số này đã lên đến 110 và từ đó, tỷ số này có  xu hướng tăng cao, năm 2016 là 112,2. Nghị quyết số 21- NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về công tác dân số trong tình hình mới đánh giá, mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, mất cân bằng giới tính khi sinh tăng lại tập trung ở một số vùng, đặc biệt là Đồng bằng sông Hồng.

Hệ lụy của nó sẽ là gì ạ?

Sự mất cân bằng giới tính ở trẻ sơ sinh thuộc loại mất cân bằng vật chất - nền tảng của sự tồn tại và phát triển bền vững của xã hội, tất yếu sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, như khó khăn trong việc kết hôn, phá vỡ cấu trúc gia đình, nguy cơ lan rộng các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục,  gia tăng tội phạm xã hội, gây khó khăn trong tuyển dụng trong những ngành mà lao động mang tính giới rõ rệt, như giáo dục mầm non, dệt may...

Việc hành động để cân bằng tỉ lệ này tới đây sẽ phải làm thế nào?

Vì vậy, Nghị quyết số 21 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về công tác dân số trong tình hình mới đề ra mục tiêu “đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, cụ thể là đến năm 2030 phấn đấu đạt tỉ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống.

Hướng dẫn sinh con trai tràn ngập trên mạng!

Liệu có giải pháp nào để xóa đi tâm lý “trọng nam khinh nữ”, nguồn gốc gây ra chênh lệch giới tính hiện nay?

Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Vì vậy, cần triển khai cả một hệ thống giải pháp, vừa cấp bách, vừa lâu dài. Để xóa bỏ dần quan niệm “trọng nam hơn nữ” của Nho giáo, cần tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới. Phê phán mạnh mẽ những hủ tục biểu hiện trọng nam hơn nữ. Nêu gương phụ nữ, gia đình chỉ có con gái thành đạt, hạnh phúc.

Chúng ta có quy định nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi, vì sao chênh lệch giới tính vẫn cứ cao thưa ông?

Mặc dù Pháp lệnh Dân số đã ban hành được 14 năm, Điều 7 ghi rõ “nghiêm cấm Lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức” nhưng việc hướng dẫn sinh con trai vẫn tràn ngập trên báo điện tử và sách. Năm 2013, tỷ lệ phụ nữ mang thai biết giới tính thai nhi lên đến 83%. Tình trạng nói trên chứng tỏ nhiều người và ngay cả những người làm công tác giáo dục, truyền thông, những người cung cấp dịch vụ, những người có trình độ học vấn, chuyên môn cao nhưng vẫn chưa biết hoặc chưa ủng hộ và chưa thi hành pháp luật.

Cái còn thiếu ở đây là quy định được luật hóa hay tâm lý chung?

Nguyên nhân trực tiếp của việc lựa chọn giới tính thai nhi là sử dụng trái phép và sai mục đích những thành tựu khoa học, kỹ thuật. Ngày nay, siêu âm có thể chẩn đoán được từ sớm giới tính thai nhi và phá thai nếu giới tính của đứa con tương lai không đáp ứng được mong muốn của cha mẹ, theo nhiều nhà nghiên cứu, là nguyên nhân kỹ thuật trực tiếp dẫn đến mất cân bằng giới tính của trẻ sơ sinh. Như đã nói ở trên, đến nay, hầu hết phụ nữ mang thai biết giới tính thai nhi trước khi sinh, nhưng rất ít địa phương xử phạt các cơ sở cung cấp giới tính thai nhi.

Có phải trình độ học thức, kinh tế càng thấp, thì tỉ số giới tính khi sinh càng cao?

Không phải, những bằng chứng về nhóm phụ nữ học vấn cao và kinh tế khá giả lại có tỷ số giới tính khi sinh cao nhất chỉ nói lên rằng họ có điều kiện hơn để tiếp cận công nghệ cao trong lĩnh vực sinh sản dẫn đến SRB cao. Mặt khác điều đó cũng nói lên rằng cơ sở học vấn và kinh tế chưa đủ mạnh để thoát khỏi áp lực “phải có con trai” của Nho giáo.

Xin cảm ơn ông!

Theo lãnh đạo tỉnh Hậu Giang, chính sách khen thưởng xuất phát từ thực tế địa phương đang bị mất cân bằng giới tính và trong giai đoạn dân số già. Tỉnh dành gần 18 tỷ đồng để khen thưởng các gia đình sinh con gái, từ năm 2019 đến 2025 nhằm mục đích khuyến khích sinh con gái. Hơn 5 năm qua, mức sinh ở Hậu Giang giảm liên tục, hiện chỉ đạt 1,59 con/bà mẹ, số rất thấp so với vùng đồng bằng sông Cửu Long là 1,8 con/bà mẹ. Tỷ lệ này ở cả nước là 2,04 con/bà mẹ. Tỷ lệ sinh bé trai ở Hậu Giang cũng luôn cao hơn bé gái, với tỷ suất 109-114 bé trai/100 bé gái. Tỷ lệ trung bình cả nước là 103-107 bé trai/100 bé gái.

Theo Đời sống
“Không dám tham nhũng”

“Không dám tham nhũng”

Năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện.
Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Tại KLTT việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, TTCP chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng Quỹ BOG. Dư luận đặt câu hỏi có nên tiếp tục duy trì quỹ này khi có nhiều bất ổn.
Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Nhớ về Khoa học và Đời sống, chúng ta nhắc đến các vị Chủ nhiệm của Báo - những nhà khoa học tài năng, giàu lòng yêu nước, thương nòi, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Bác Hồ vĩ đại.
70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

Đối với những người đã và đang công tác tại Khoa học và Đời sống, 70 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là mái nhà chung để trở về trong tình đồng nghiệp mến thương cùng niềm tự hào về tờ báo có truyền thống 65 năm.
back to top