Đừng biến nhà trường thành đồn công an

(khoahocdoisong.vn) - Nhà trường là nơi để giáo dục, đào tạo chứ không phải là đồn công an hay tòa án để phân định xử phạt với những hành vi được cho là không chuẩn mực.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Hà Nội, dự thảo nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục có nhiều điểm chưa hợp lý, dễ tạo ra tác dụng ngược. Hơn nữa nhà trường là nơi để giáo dục, đào tạo chứ không phải là đồn công an hay tòa án để phân định xử phạt với những hành vi được cho là không chuẩn mực.

Biến giáo viên thành tội đồ

Dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục đang được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến. Theo đó, hành vi không chuẩn mực trong nhà trường có thể bị phạt từ 10 đến 30 triệu đồng. Là người có nhiều năm giáo dục học sinh cá biệt, ông đánh giá thế nào về quy định này?

Những ngày qua, dư luận xã hội nhất là các tầng lớp giáo viên đang rất quan tâm tới dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Nhiều mức phạt hành chính cụ thể đối với từng hành vi không chuẩn mực của người dạy và người học đã được đề cập trong dự thảo. Nếu áp dụng như thế thì có lẽ biến giáo viên thành tội đồ hết. Nhiều giáo viên rất bức xúc với điều này. Họ đã vốn chán nghề, giờ lại quy định như thế làm sao khuyến khích được họ yêu  nghề. Quy định thế, họ phản ứng bằng cách mặc kệ học trò thì liệu nhà trường có còn là nơi giáo dục nữa hay không. Do đó tôi cho rằng phải xem lại dự thảo.

Những hành vi không chuẩn mực trong trường học có nhiều không thưa ông?

Trong nhà trường thì luôn có những hành vi không chuẩn mực. Nhất là với học sinh cấp 2 và cấp 3 là lứa tuổi đang phát triển, khẳng định bản thân nên những hành vi này không hiếm, thậm chí là phổ biến. Cứ sai là phạt thì không ổn. Nhà trường có vai trò giáo dục. Trò sai thì phải uốn nắn để trò đúng. Giáo dục là một quá trình. Hơn nữa trẻ em có quyền sai. Nếu chúng làm gì cũng đúng, là thánh thần hết rồi thì cần gì đến trường nữa.

Những lỗi đó thường là gì ạ?

Đó không phải là những lỗi lớn đâu. Kiểu như nghịch dại này, nói dối, hay có những hành vi gây thương tích nhẹ cho bạn… Có như thế thì trẻ mới cần đến trường chứ.

Đối với giáo viên thì những hành vi này có nhiều không?

Hành vi không chuẩn mực của giáo viên thì không nhiều, đa phần chỉ có ở những giáo viên trẻ, ít kinh nghiệm. Với những hành vi của giáo viên thì phải được góp ý, điều chỉnh. Hành vi quá mức, không chấp nhận được thì đuổi việc luôn, đâu cần phải phạt.

Nếu phạt nặng như vậy, ông nghĩ có điều chỉnh được hành vi của học sinh và giáo viên?

Việc phạt ấy chỉ khiến người bị phạt mất tiền mà không làm cho họ thấy được cái sai của họ, không giúp họ điều chỉnh, giáo dục, uốn nắn, thì việc phạt ấy cũng là vô nghĩa thôi.

Nhà trường không phải đồn công an

Để thiết lập trật tự, điều chỉnh hành vi trong nhà trường, có cần đến những quy định này?

Thực ra mục đích của việc đưa ra nghị định là tốt, tuy nhiên cách thực hiện lại chưa ổn. Các quy định chưa xuất phát từ thực tế và ít có tính khả thi, khiến giáo viên lo ngại. Trong nhà trường, luôn có 3 thứ quyết định tính trật tự, kỷ luật. Đó là nhận thức, tâm lý, tình cảm của con người, hai là công tác quản lý, vai trò của hiệu trưởng trong việc giải quyết các vấn đề. Hiệu trưởng mà ấm ớ, tiêu cực, trình độ kém thì không làm được. Thứ nữa là các quy chế, hình phạt. Cái này phải có quá trình xây dựng.

Phải chăng thực tế là tiêu cực trong các nhà trường còn nhiều nên mới đặt vấn đề xử phạt như vậy?

Từ trước đến nay, trong các nhà trường cũng đã thực hiện nhiều chỉ thị hay nghị quyết về vấn đề giáo dục cũng rất nhiều nhưng chưa dứt được những hiện tượng tiêu cực. Tôi cho rằng biện pháp tăng nặng chế tài hành chính lên sẽ giúp các chủ thể tự chịu trách nhiệm về hành vi của họ để ngăn chặn tiêu cực. Nhiều hành vi đã được luật hóa bằng cách đưa ra những mức phạt cụ thể. Tuy nhiên, trong nhà trường thì yếu tố giáo dục lúc nào cũng nên được đẩy lên hàng đầu. Vì nếu những người thực thi nhiệm vụ này không nắm được thì sẽ hình sự hóa, biến nhà trường trở thành nơi xử lý những vấn đề này thì không đúng tính chất của nhà trường.

Ý ông là trong giáo dục phải coi trọng chức năng dạy, hơn là phạt?

Đối với nhà trường thì phải áp dụng giáo dục ngay cả với giáo viên, học sinh và phụ huynh. Phải có cơ quan thứ 3 khách quan đứng ra xử lý những vi phạm này. Đừng biến nhà trường thành nơi như đồn công an, tòa án. Nhưng như tôi đã nói, với những lỗi nặng thì giáo viên nên bị cho nghỉ việc hơn là phạt.

Nhưng nhiều khi chỉ giáo dục không thôi thì sợ không có sức răn đe?

Quan điểm của tôi là một khi có ai vi phạm thì đầu tiên phải dùng biện pháp giáo dục. Nếu giáo dục lần thứ nhất, thứ hai không thay đổi thì mới xử phạt hành chính. Có người cho rằng số tiền 10, 20, hay 30 triệu kia là nặng hay nhẹ thì theo tôi cũng là điều không quá bất ngờ. Cái chính là phải phân biệt rạch ròi từng phần một, vi phạm đến mức nào thì phải giáo dục trước, rồi sau đó mới tính bước tiếp theo. Ta phải thấy được sức mạnh của giáo dục. Phạt chỉ là để người ta chịu trách nhiệm.

Giáo viên đè nặng áp lực

Trong giáo dục bây giờ, học trò có nhiều “quyền năng” hơn ngày xưa. Sự tham gia của phụ huynh, mạng xã hội vào nhà trường, khiến nhiều khi giáo viên phải e dè. Để giáo dục được học sinh, đề ra các hình phạt có cần thiết?

Theo tôi tư tưởng “yêu cho roi cho vọt” đến giờ đã có phần là lạc hậu. Ta không thể dùng hình phạt roi vọt để thay đổi con người. Về mặt nhân văn, nếu giáo viên không thương yêu, tôn trọng học sinh thì không bao giờ giáo dục được. Ta đừng lấy cái đó để biện hộ cho sự nóng tính, vội vàng, thiếu năng lực sư phạm của các nhà giáo. Ta phải kiên quyết giữ kỷ cương của nhà trường, đạo đức của nhà giáo.

Làm sao để dạy tốt mà không có những hành vi thiếu chuẩn mực?

Thầy cô phải có kĩ năng sư phạm để giáo dục các em. Mỗi giáo viên phải xây dựng cho mình bản lĩnh, phương pháp giáo dục hay để vận dụng sáng tạo vào thực tế chứ không nên khuôn phép quá như trước đây.

Ông chọn con đường mở một trường đào tạo những học sinh cá biệt, theo ông vai trò của giáo viên thế nào trong giáo dục?

Nguyên tắc của học trò là nếu chúng ta lùi thì nó lấn, lúc đó thầy cô sẽ bị mất hiệu lực giáo dục, uy của nhà trường. Thực sự nếu thầy cô có lỗi thì phải nhận với học trò nhưng phải yêu cầu học sinh tuân thủ nội quy của nhà trường, chứ không phải học sinh đóng tiền vào thì muốn làm gì thì làm. Ta phải giữ gìn danh dự, nhân phẩm của nhà giáo. Hãy làm cho nhân cách của nhà giáo lớn lên. Nếu trường nào chỉ cốt giữ học trò mà không giữ được người thầy thì cũng khó giáo dục con em tốt được.

Xin cảm ơn ông!

Bộ GD&ĐT vừa đưa ra Dự thảo Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Về Vi phạm quy định về xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, nhân viên cơ sở giáo dục, Nghị định quy định: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự nhà giáo, cán bộ, nhân viên cơ sở giáo dục. Đồng thời, buộc xin lỗi công khai đối với hành vi vi phạm này. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, nhân viên cơ sở giáo dục.

Trường hợp vi phạm quy định về xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học. Đồng thời, buộc xin lỗi công khai đối với hành vi vi phạm quy định. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể người học. Ngoài ra, sẽ đình chỉ giảng dạy từ 1 tháng đến 6 tháng đối với hành vi vi phạm quy định trên.

Theo Đời sống
“Không dám tham nhũng”

“Không dám tham nhũng”

Năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện.
Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Tại KLTT việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, TTCP chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng Quỹ BOG. Dư luận đặt câu hỏi có nên tiếp tục duy trì quỹ này khi có nhiều bất ổn.
Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Nhớ về Khoa học và Đời sống, chúng ta nhắc đến các vị Chủ nhiệm của Báo - những nhà khoa học tài năng, giàu lòng yêu nước, thương nòi, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Bác Hồ vĩ đại.
70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

Đối với những người đã và đang công tác tại Khoa học và Đời sống, 70 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là mái nhà chung để trở về trong tình đồng nghiệp mến thương cùng niềm tự hào về tờ báo có truyền thống 65 năm.
Sản phẩm báo chí tạo dựng thương hiệu

Sản phẩm báo chí tạo dựng thương hiệu

Trong gần 65 năm qua, với đội ngũ phóng viên và cộng tác viên đông đảo là các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, Khoa học và Đời sống đã có nhiều bài viết ấn tượng, làm nên thương hiệu, tên tuổi của tờ báo khoa học hàng đầu.
back to top