Dùng ánh sáng đỏ chặn kiến ba khoang

(khoahocdoisong.vn) - Tiết trời dịu mát, se lạnh là dịp cao điểm kiến ba khoang tấn công người. Rất nhiều người bị kiến ba khoang đốt, đặc biệt là trẻ em, đã phải nhập viện cấp cứu do những biến chứng nguy hiểm.

Tiết trời dịu mát, se lạnh là dịp cao điểm kiến ba khoang tấn công người. Rất nhiều người bị kiến ba khoang đốt, đặc biệt là trẻ em, đã phải nhập viện do những biến chứng nguy hiểm.

Nọc độc mạnh hơn nọc rắn

Theo phản ánh của nhiều bạn đọc Báo KH&ĐS, những ngày gần đây, kiến ba khoang xuất hiện nhiều và tấn công người dân. Vết đốt của kiến ba khoang nhỏ nhưng rất đau, nhiều trẻ em bị đốt dẫn đến mẩn đỏ, sưng tấy xung quanh vết đốt, phải nhập viện điều trị dài ngày. Kiến ba khoang xuất hiện chủ yếu ở trong phòng ngủ, ghế, đệm… 

Theo báo cáo của BV Nhi T.Ư và BV Da liễu T.Ư, những ngày gần đây, số lượng bệnh nhân bị viêm da do tiếp xúc với kiến ba khoang tăng mạnh thêm 20-30% so với các tháng trước. Kiến ba khoang là loại côn trùng nguy hiểm, trong cơ thể có chứa độc tố Pederin (C24H43O9N), có độc tính mạnh gấp 12 – 15 lần nọc rắn hổ mang, nhưng do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên không đủ gây chết người như nọc rắn. Chất này chủ yếu gây bỏng da, dễ gây nhầm với tổn thương trong bệnh zona thần kinh, giời leo.

Khi bị kiến ba khoang đốt, nếu tổn thương nhẹ sẽ có cảm giác bỏng rát tại chỗ, sau khoảng 12-24 giờ sẽ bị nổi bọng nước, sau 3 ngày sẽ bong vảy và sau 5-7 ngày sẽ lành nhưng vẫn còn vết thâm.

GS Bùi Công Hiển, Hội Côn trùng học Việt Nam cho biết, kiến ba khoang  là tên dân gian thường gọi, có tên khoa học là Paederus fuscipes CURTIS, 1826 , thuộc Họ Staphilinidae (họ Cánh cụt), bộ Cánh cứng (Coleoptera). Loài côn trùng này có thân mình thon, dài như hạt thóc (dài 1-1,2 cm, ngang 2-3 mm), có hai màu đỏ và đen, nhìn giống con kiến. Do đó, người ta hay gọi với nhiều tên gọi khác nhau như kiến hoang, kiến kim, kiến lác, kiến gạo, cằm cặp, kiến nhốt, kiến cong,...

Loại bọ này không chủ động tấn công, đốt hay cắn người, nhưng do trong dịch cơ thể có chứa pederin, nên khi bò lên người, khi bị bắt chúng có phản xạ tự vệ đốt cắn hay tiết ra chất pederin. Loài này là một loài côn trùng ăn thịt côn trùng khác, chuyên săn rầy trên đồng ruộng.

Bật đèn màu vàng để đuổi kiến

Theo GS Bùi Công Hiển, khi bị kiến ba khoang bám trên da, không nên dùng tay giết kiến, nên chỉ thổi kiến đi hay dùng vật mềm phủi nhẹ, dùng mảnh giấy cho kiến tự động bò lên, rồi hãy xử lý giết bằng nhiều cách có thể (tuyệt đối không tiếp xúc trực tiếp vào kiến). Những nơi nhiều kiến ba khoang có thể lúc chiều tối dùng bẫy đèn (loại đèn ánh sáng trắng hay tím) để ở cửa sổ hay cửa ra vào, phía dưới đặt chậu nước hay hứng bằng vải màn. Kiến bị hấp dẫn bởi ánh sáng sẽ tập trung vào nơi đặt bẫy đèn. Tốt nhất nên dùng đèn bắt côn trùng đang bán ngoài thị trường và đặt ở những nơi nghi kiến đen xuất hiện. Đèn trong nhà nên thay bằng đèn dây tóc có ánh sáng đỏ, vàng.

Trước khi đi ngủ, giũ sạch chăn, chiếu, buông màn để kiến ba khoang không bay vào. Khi dùng khăn mặt hay quần áo, cần rũ sạch trước khi dùng xem có kiến hay không. 

Bảo Khánh

Theo Đời sống
back to top