Đục xương sửa trục cho bệnh nhân viêm dính cột sống

(khoahocdoisong.vn) - Chị P.T.H. (Đăk Lăk) mới 30 tuổi mà lưng đã còng như bà cụ. Các bác sĩ Khoa Cột sống B, Bệnh viện Chấn thương - Chỉnh hình TPHCM đã thực hiện ca phẫu thuật để nắn chỉnh cột sống cho chị sau nhiều năm mắc chứng viêm dính cột sống.

30 tuổi bị còng lưng 8 năm

8 năm trước, chị H. bắt đầu bị đau ở khớp háng bên phải, sau đó lan rộng lên vùng thắt lưng rồi tới vùng cánh tay, cổ. Đi thăm khám ở một bệnh viện địa phương, chị được chẩn đoán mắc chứng bệnh đau xương khớp thông thường, uống thuốc nhưng bệnh không thuyên giảm; có nơi chẩn đoán chị bị gai cột sống hoặc đau thần kinh tọa.

Chị H. bị còng lưng vì viêm cột sống dính khớp suốt 8 năm (bên trái) và đã đứng thẳng sau khi được phẫu thuật.

Chị H. bị còng lưng vì viêm cột sống dính khớp suốt 8 năm (bên trái) và đã đứng thẳng sau khi được phẫu thuật.

Lưng chị ngày càng còng xuống, tướng đi như bà cụ và không thể nhìn thẳng về phía trước và gập cổ nhìn xuống được. Cả người đều đau đớn, nằm nghiêng hay ngửa đều khó chịu.

Chị H. đến Bệnh viện Chấn thương - Chỉnh hình TPHCM trong tình trạng đau mỏi vùng cột sống cổ và cột sống thắt lưng. Qua thăm khám, BS Vũ Tam Trực cho biết, các bác sĩ nhận thấy cột sống bị biến dạng còng xuống vì viêm dính. Cột sống cổ và cột sống ngực bị hàn cứng, nên mỗi lần bệnh nhân muốn nói chuyện phải cố gắng gồng để ngóc cổ lên, lâu ngày cơ bị mỏi, đau.

Các bác sĩ quyết định tập trung nắn chỉnh vùng thắt lưng cho bệnh nhân bằng phương pháp đục xương sửa trục, lấy bỏ chân cung ở đốt sống thắt lưng số 3 và cố định bằng 4 thanh nối dọc (hai thanh nối ngắn cố định chỗ đục xương sửa trục và hai thanh nối dài bắc cầu qua chỗ đục xương).

Đây là phương pháp mới được du nhập ở Úc, sử dụng 4 thanh nối dọc nhiều hơn phương pháp thông thường chỉ có 2 thanh nối dọc, giúp tăng cường độ vững cấu hình cột sống.

Sau phẫu thuật, ngày thứ 3 bệnh nhân có thể đi đứng và nhìn thẳng, không còn biến dạng còng.

Chị H. chia sẻ: “Hiện tôi có thể xoay cổ bên trái bên phải, nhìn lên nhìn xuống theo hướng dẫn của bác sĩ, những việc đơn giản này, trước đây tôi không thể nào làm được”.

Viêm dính cột sống: Không quá hiếm

Theo BS Vũ Tam Trực, khoảng 1 - 2 tháng, Khoa Cột sống B thường tiếp nhận một bệnh nhân viêm dính cột sống mới. Bệnh thường xuất hiện ở nam giới, với tỷ lệ là 10 người nam/1 người nữ mắc bệnh. Đây là một dạng bệnh lý tự miễn do cơ thể sản sinh ra những kháng thể chống lại bao khớp và dây chằng của cột sống. Viêm lâu ngày làm tất cả đốt sống bị cốt hóa, dính khớp từ dưới lên trên như dính vùng chậu trước rồi mới đến thắt lưng, ngực cổ.

Các dấu hiệu có thể nghĩ tới bị viêm dính cột sống là người bệnh thường đau lưng về đêm, cứng cột sống hoặc cứng khớp cổ tay, ngón tay vào buổi sáng. Độ tuổi khởi phát của bệnh từ 30 - 40 tuổi, đôi khi có thể xuất hiện từ 20 tuổi.

Bất cứ tình trạng đau lưng không tự giới hạn sau 6 tuần với phương pháp điều trị kinh điển và có đặc điểm như trên có thể nghĩ tới khả năng bị viêm dính cột sống.

Ở thể nặng, bệnh nhân có thể bị cốt hóa hết khung xương sườn lồng ngực gây giới hạn hô hấp, phổi thông khí kém dễ gây nhiễm trùng khi lớn tuổi hoặc ảnh hưởng vận động thể lực. Ở giai đoạn muộn, thậm chí người bệnh bị dính khớp háng, không thể ngồi hoặc đứng lâu được.

Khi mắc bệnh, bệnh nhân được cho uống thuốc, hướng dẫn tập thể thao để nâng cao sức khỏe, ăn uống điều độ. Nếu bệnh nhân không đáp ứng với điều trị thuốc sẽ được cho sử dụng thuốc sinh học chuyên sâu. Bệnh nhân bị biến dạng cột sống nặng làm mất thăng bằng nghiêm trọng cần phải được can thiệp phẫu thuật.

Theo Đời sống
Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Cục máu đông, hay còn gọi là huyết khối, nếu xảy ra trong mạch máu của các cơ quan trong cơ thể, nó sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe nguy hiểm và đôi khi có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
back to top