Đục xương chỉnh còng cho bệnh nhân gãy trật đốt sống

Một năm trước, bệnh nhân bị tai nạn giao thông, té ngã đập lưng xuống đất. Tuy nhiên bệnh nhân không đi khám mà tự điều trị. Cột sống ngày càng còng xuống gần 90 độ.

Khoa Cột sống B, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình vừa tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân nam 26 tuổi, nhập viện vì còng cột sống.

bn-bi-cong-lung.jpg
Hình ảnh bệnh nhân trước mổ (hình bên trái) với cột sống còng gần 90 độ và sau mổ (hình bên phải) với cột sống đã được chỉnh thẳng

Bệnh nhân cho biết, 1 năm trước bị tai nạn giao thông, té ngã đập lưng xuống đất. Nhưng sau đó, bệnh nhân không đi khám ở bất kỳ cơ sở y tế nào mà tự điều trị.

Khoảng nửa năm gần đây, cột sống ngày càng còng xuống, đến mức không thể nhìn thẳng và gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt, đi đứng và giao tiếp. 

Trước đó, bệnh nhân đã được chẩn đoán viêm dính cột sống từ năm 2012.

Kết quả chụp cắt lớp và cộng hưởng từ cho thấy, bệnh nhân bị gãy trật đốt sống L1/2 trên nền viêm dính cột sống và góc còng của bệnh nhân là gần 90 độ.

hinh-anh-chup-phim-cot-song.jpg
Hình X-quang cột sống của bệnh nhân trước mổ (hình bên trái), hình ảnh lên kế hoạch nắn chỉnh bằng phần mềm điện toán (hình giữa) và hình ảnh thực tế sau mổ của bệnh nhân (hình bên phải)

Bệnh nhân được lên kế hoạch mổ đục bỏ chân cung ở đốt L2, làm sạch ổ gãy L1/2, nắn chỉnh còng và cố định cột sống bằng ốc chân cung từ đốt sống ngực 10 đến đốt sống thắt lưng 5.

Toàn bộ phẫu thuật được tiến hành với một đường mổ dọc từ phía sau lưng, với thời gian mổ là 5 giờ đồng hồ, lượng máu mất là 1200ml.

Ngay sau phẫu thuật, bệnh nhân đã có thể nằm ngửa do cột sống đã được chỉnh thẳng, bắt đầu ngồi dậy từ ngày thứ ba và đi đứng từ ngày thứ năm. Hình ảnh X-quang sau phẫu thuật cho thấy phẫu thuật viên đã chỉnh được hơn 60o của góc còng ban đầu và giúp phục hồi lại dáng đứng thẳng.

TS.BS. Nguyễn Trọng Tín, Trưởng khoa Cột Sống B, trưởng ê-kíp mổ cho biết: “Đây là một trường hợp còng cột sống phức tạp, do gãy cũ không lành xương trên nền viêm dính cột sống. Góc còng của bệnh nhân lớn nên khi đục xương nắn chỉnh cần thao tác hết sức nhẹ nhàng và cẩn thận để tránh tổn thương thần kinh.”

Các bác sĩ chuyên khoa Cột sống đã áp dụng phương pháp đục bỏ chân cung cải tiến với cấu hình bốn thanh dọc (thay vì hai thanh dọc như kỹ thuật kinh điển).

Việc tăng cường thêm hai thanh dọc bổ sung giúp tăng cường độ vững và khả năng nắn chỉnh của cấu hình, giúp thúc đẩy sự lành xương của bệnh nhân.

TS.BS. Nguyễn Trọng Tín, Trưởng khoa Cột Sống B

BS Vũ Tam Trực, người lên kế hoạch đục xương chỉnh còng và tham gia phẫu thuật chia sẻ: Đối với những bệnh nhân viêm dính cột sống và còng nặng như trường hợp này, lên kế hoạch phẫu thuật chi tiết rất quan trọng vì nếu nắn không đủ hoặc nắn quá mức đều khiến bệnh nhân bị mất thăng bằng sau phẫu thuật.

Việc lập kế hoạch nắn chỉnh hiện nay được hỗ trợ bởi các phần mềm điện toán chuyên dụng. Qua đó giúp xác định vị trí đục xương và mức độ đục xương tối ưu và dự đoán hình dáng cột sống sau phẫu thuật để phẫu thuật viên có thể điều chỉnh chiến lược nắn chỉnh cho phù hợp.

Tính từ tháng 1/2020 đến nay, khoa Cột sống B đã áp dụng kỹ thuật đục bỏ chân cung chỉnh còng cải tiến với cấu hình 4 thanh nối dọc cho 4 bệnh nhân, trong đó có 3 bệnh nhân bị còng nặng do viêm dính cột sống.

Kết quả lâm sàng và hình ảnh học của cả bốn bệnh nhân đều rất tốt, trong đó trường hợp vừa nêu là ca mổ có mức độ nắn chỉnh cao nhất, phục hồi được 66o còng.

Theo Đời sống
back to top