Dứa chữa sỏi tiết niệu

(khoahocdoisong.vn) - Dứa miền Bắc gọi dứa, miền Nam gọi thơm, khóm. Dứa được trồng, sử dụng khắp nơi ở nước ta và các nước vùng nhiệt đới, là loại rau quả có giá trị về thực phẩm, tác dụng phòng trị bệnh hiệu quả. Dứa chín là món ăn tráng miệng khai vị giúp tiêu hóa, dùng xào thịt, nấu canh chua, ép nước giải khát đều tốt.

Theo YHCT, dứa có vị ngọt, chua, tính bình. Tác dụng thanh nhiệt, giải khát, sinh tân, tiêu thực, lợi tiểu, giải độc, chữa chứng nóng nhiệt viêm lở răng miệng, viêm tiết niệu, tiểu buốt tiểu gắt, sỏi tiết niệu, viêm khớp, béo phì, đầy bụng, chậm tiêu, giải say rượu...

     Theo dược lý hiện đại, trong 100g dứa ăn có 0,5-0,8g protein, 6,5-9g glucid, 0,7-1g axit hữu cơ và nhiều vitamin khác như B1, B2, C, PP, caroten, các chất khoáng như sắt, canxi, photpho, đặc biệt trong dứa có chứa bromelin là một loại enzym có tác dụng phân huỷ protein thành các axit amin có tác dụng tốt trong tiêu hoá… Do vậy, sau bữa ăn nhiều thịt cá nên ăn tráng miệng bằng dứa giúp cho tiêu hoá chất đạm rất tốt. 

Tài liệu gần đây còn cho rằng, dứa có tác dụng phân huỷ fiprin là chất chống tụ huyết và khuyến cáo những người có nguy cơ chảy máu như: chảy máu cam, sốt xuất huyết, băng huyết không nên ăn dứa.

Một số món ăn bài thuốc

- Chữa sỏi tiết niệu: Lấy một quả dứa còn nguyên vỏ, khoét ở cuống, cho khoảng 2-3g phèn chua giã nhỏ nhét vào ruột sau đó nướng thật chín vắt nước uống, ngày 1 quả, dùng nhiều ngày.

- Chữa sỏi, viêm tiết niệu dùng rễ cây dứa phơi khô 15-20g sắc uống nhiều ngày.

 - Chữa sốt 2-3 nõn lá non cây dứa sắc uống.

- Dân gian ướp nước quả dứa vào thịt trâu, bò, heo từ 30-40 phút để thịt mau mềm, ăn ngon, dễ tiêu hóa. Tuy nhiên dứa có vị chua do vậy không nên ăn vào lúc đói, dễ xót bụng.       

Lưu ý: Quả dứa thường bị nấm độc phát triển ở vỏ, do vậy khi ăn phải rửa  và gọt sâu sạch vỏ,  không nên ăn quả dập, phòng bị nhiễm nấm độc.

LY Nguyễn Văn Phúc (Trưởng khoa Đông y-Vật lý trị liệu, PK đa khoa Thiên Nam, Vũng Tàu)

Theo Đời sống
back to top