Dưa bở tốt với người béo phì

(khoahocdoisong.vn) - Dưa bở vị thuốc Đông y gọi điềm qua. Dưa bở được trồng nhiều nơi ở nước ta, ngoài lấy quả ăn còn làm thuốc. Khi quả dưa bở còn non người ta dùng làm rau ăn sống, nấu canh, muối dưa, làm nộm, khi trái chín dùng để ăn tráng miệng.

  Theo YHCT dưa bở có vị ngọt tính hàn, hơi độc. Tác dụng nhuận tràng, thông tiểu tiện, bớt khát, trừ phiền. Tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi tiểu. Chữa trị táo bón, trĩ, tiểu gắt, đau nhức, thống phong, tiêu khát.

Theo sách Tuệ Tĩnh, dưa bở vị ngọt, tính hàn, hơi độc, giải cảm nắng, giải khát trừ phiền, lợi tiểu tiện, tiêu khí ủng tắc ở tam tiêu. Về thành phần dinh dưỡng, trong 100g dưa bở có nước 95%, chất đạm 0,60%, chất béo 0,11%, tinh bột 3,72%, chất xơ 0,33%,  vitamin A; (25000-30000 đơn vị), vitamin B (0,03mg), vitamin C (1,5- 2mg) và nhiều khoáng chất (P:30mg, Ca:20mg, Fe ;0,4mg). Tuy giá trị dinh dưỡng của dưa bở không cao nhưng dùng rất thích hợp người nóng nhiệt cần giảm cân.

Một số món ăn bài thuốc:

- Chữa táo bón: Dưa bở, đu đủ chín chín thái lát, cho ít đường bỏ tủ lạnh ăn thường xuyên.

- Chữa người nóng mập phì: Dưa bở 100g, thanh long 50g, thái lát cho ít đường cát cho vào tủ lạnh ăn.

- Chữa người nóng phiền nhiệt: Dưa bở còn non 100g thái lát, tôm tươi 50g bóc vỏ nấu canh ăn.

- Hạt dưa có vị ngọt tính mát tác dụng thanh phế, nhuận tràng hòa trung dùng chữa các chứng ho khan, táo bón dùng dạng sắc nước uống.

- Hoa chữa đau tim, ho nấc: Bông dưa bở 5-10 cái sắc uống.

Kiêng cữ: Dưa bở vị mát, có tính hàn, không nên dùng  nhiều cho người có tỳ vị hư hàn, đang lạnh bụng, đầy bụng, tiêu chảy, người đang cảm lạnh, ho đàm loãng.

LY Minh Phúc (Hội Đông y Vũng Tàu)

Theo Đời sống
back to top