Dự tính giảm nợ công về 52,7% năm 2022

(khoahocdoisong.vn) - Bộ Tài chính vừa công bố Báo cáo Công khai dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020 Chính phủ để trình Quốc hội phê duyệt. Theo đó, Bộ dự báo tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2020-2022 của Việt Nam sẽ vào khoảng 6,8%...

Bộ Tài chính cho biết, chỉ tiêu nợ công cuối năm 2020 dự kiến là 54,3% GDP, năm 2021 là 53,3% GDP, và cố gắng đến năm 2022 sẽ giảm xuống còn 52,7% GDP. Bộ Tài chính đánh giá, trong 3 năm 2020-2022, tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong đó xu hướng bảo hộ và căng thẳng thương mại tiếp tục gia tăng và lan rộng, tạo môi trường bất ổn cho đầu tư, kinh doanh và hoạt động thương mại. Bên cạnh đó, các vấn đề xung đột chính trị, sắc tộc, tranh chấp biên giới lãnh thổ... đều có thể ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của Việt Nam.

Từ đó, cơ quan này đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2020-2022 của Việt Nam sẽ vào khoảng 6,8%. Chỉ số giá tính GDP tăng khoảng 3-3,5%; tốc độ tăng kim ngạch xuất, nhập khẩu khoảng 6,5-8%/năm.

Cụ thể hơn, về thu ngân sách trong 3 năm phấn đấu đạt 4,9 triệu tỷ đồng; tỷ lệ huy động thu vào ngân sách bình quân 21-22% GDP, từ thuế, phí khoảng 19-20% GDP. Tỷ trọng thu nội địa đến năm 2022 dự kiến khoảng 84-85%.

Về chi ngân sách trong 3 năm dự kiến khoảng 5,7 triệu tỷ đồng. Phấn đấu tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, đồng thời đảm bảo nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2021-2022 theo chủ trương đã đề ra.

Với dự kiến thu và chi ngân sách nêu trên, Bộ Tài chính dự tính bội chi ngân sách năm 2020 sẽ vào khoảng 3,44% GDP. Năm 2021 và 2022 khoảng 3,5% GDP. Đáng lưu ý, chỉ tiêu nợ công cuối năm 2020 dự kiến là 54,3% GDP, năm 2021 là 53,3% GDP, và cố gắng đến năm 2022 sẽ giảm xuống còn 52,7% GDP.

Song song với việc đưa ra các dự báo, Bộ Tài chính cũng nhận định một số rủi ro chính đối với Kế hoạch tài chính - ngân sách 3 năm 2020-2022. Khả năng duy trì nhịp độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao (6,8%/năm) là thách thức rất lớn. Ngoài yếu tố rủi ro về thu hút nguồn vốn FDI, xuất khẩu, còn phải kể đến các yếu tố không thuận lợi khác như thiên tai dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, chuyển đổi cơ chế quản lý giá, phí dịch vụ sự nghiệp công...

Những rủi ro đối với mục tiêu tăng trưởng kinh tế sẽ kéo theo rủi ro về thu ngân sách, do trên 70% thu ngân sách là thu nội địa từ sản xuất kinh doanh và trên 16% là thu từ dầu thô và xuất nhập khẩu.

Theo Đời sống
back to top