Du lịch trực tuyến: Béo ngoại, hại nội

(khoahocdoisong.vn) - Việt Nam nằm trong top những nước du lịch phát triển nhanh, nhưng phần lớn thị trường du lịch trực tuyến lại rơi vào tay các công ty nước ngoài.

Bùng nổ du lịch trực tuyến

Theo ước tính của Công ty Nghiên cứu thị trường eMarketer, tổng thu du lịch trực tuyến toàn cầu năm 2016 tăng trưởng 13,8%, ước đạt gần 565 tỷ USD. Dự báo đến năm 2020, sẽ lên đến 817 tỷ USD. Báo cáo về kinh tế Ðông - Nam Á của Google và Temasek Holdings - công ty đa ngành của Singapore - cho biết, thị trường du lịch trực tuyến của khu vực này sẽ tăng gấp bốn lần, từ 21,6 tỷ USD năm 2015 lên 89,6 tỷ USD năm 2025. Trong đó, thị trường du lịch trực tuyến của Việt Nam được dự báo sẽ tăng lên 9 tỷ USD năm 2025.

Cũng theo Google và Temasek Holdings, tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh ở Việt Nam chỉ bằng 72% so với thị trường Mỹ. Nhưng tỷ lệ người Việt dùng điện thoại thông minh tìm kiếm thông tin du lịch cao hơn hẳn người Mỹ. Cụ thể, tỷ lệ tìm thông tin khách sạn của người Việt Nam là 48% (người Mỹ: 18%); tỷ lệ tìm kiếm thông tin điểm đến của người Việt Nam 42% (người Mỹ: 25%); tìm chuyến bay của người Việt Nam 37% (người Mỹ: 18%). Tận dụng thế mạnh của di động, do thế, là chìa khóa để thực hiện du lịch trực tuyến thành công.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia du lịch, tại thị trường nội địa, chỉ có 30% người đi du lịch đặt tour, còn lại có tới 70% khách đi du lịch theo kiểu tự túc, nghĩa là tự đặt phòng, tự thanh toán phương tiện đi lại, đặt vé các khu giải trí… Xu hướng mới này buộc các công ty du lịch cũng phải thay đổi cách kinh doanh, từ việc bán tour tại văn phòng, hay phải đi đến tận nơi, giờ sẽ phải thường xuyên thông qua trang web.

Ông Nguyễn Việt Cường, Giám đốc Holiday Tours cho biết, doanh thu của công ty chủ yếu qua trang web www.asiabestlink.com. Hàng tháng trung bình có khoảng 6.000 lượt truy cập qua web và tỷ lệ đặt tour trực tuyến chiếm 10% số này. Khách đi du lịch hiện này đã có thói quen tìm hiểu thông tin trước chuyến đi kỹ càng hơn, để lựa chọn dịch vụ tốt nhất. Với sự phát triển mạnh mẽ của internet, người dùng đã không còn thói quen lưu trữ thông tin trên PC, mà truy cập lấy thông tin trực tiếp từ internet.

Theo ông Cường, sự phát triển của công nghệ thông tin đã góp phần thay đổi mạnh mẽ cách thức hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp du lịch, nhà hàng, khách sạn ... các dịch vụ trực tuyến hoạt động mạnh mẽ mà điển hình là cách thiết kế website du lịch hay thiết kế website nhà hàng, website khách sạn đã giúp ích không nhỏ cho thị trường trực tuyến cạnh tranh. Và để cạnh tranh trực tuyến, các doanh nghiệp không chỉ so găng về giá và còn so găng về nhiều vấn đề khác.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, ngành du lịch là một trong những ngành chịu tác động nhanh chóng và sâu sắc của những tiến bộ về công nghệ. Công nghệ di động, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, mạng xã hội, kinh tế chia sẻ, internet vạn vật, blockchain, kinh tế tri thức… sẽ là những nhân tố thúc đẩy cũng như thách thức du lịch Việt Nam phát triển trong thời đại số. Để phát triển du lịch trực tuyến Việt Nam, các doanh nghiệp cần hợp tác để xây dựng hệ sinh thái Việt cho người dùng Việt.

Ông Nguyễn Bình Long, Giám đốc Ban Công nghệ Thông tin Vietravel cũng cho biết, với việc ứng dụng công nghệ vào du lịch, thời gian qua Vietravel đã ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng về lượng khách đặt dịch vụ trực tuyến. Theo đó, lượng khách tăng gần 10% qua các năm, riêng năm 2019 dự kiến tăng tới 30%. Doanh thu từ trực tuyến trung bình tăng 22%, năm 2019 dự kiến tăng 40%. So với thị trường nhóm khách lẻ thì online chiếm 14% lượt khách, 11% doanh thu.

Khách lấn chủ

Theo ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Giám đốc Công ty du lịch TransViet, trước sự bùng nổ của du lịch trực tuyến, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch tại Việt Nam cũng đã dần tiếp cận đón được xu hướng. Tuy nhiên, thị trường đặt vé tour/phòng hiện vẫn rơi vào tay các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hoặc của doanh nghiệp nước ngoài. Ví dụ Agoda hiện đang chiếm 40 - 50% thị trường đặt vé tour/phòng tại Việt Nam.

Thực tế, hiện phần lớn các dịch vụ chủ chốt liên quan đến du lịch trực tuyến như: đặt vé máy bay, đặt phòng khách sạn… đều có sự tham gia của các tên tuổi nước ngoài, như: Agoda, Booking, Tripadvisor.com, Expedia.com, Traveloka... Trong khi đó tại Việt Nam, một số tên tuổi của doanh nghiệp trong nước như: Chudu24.com, Ivivu.com, Vinabooking.vn, Mytour.vn, VNTrip… vẫn chưa thực sự nổi bật, phần lớn chỉ cung cấp cho thị trường khách nội địa và không phải ai cũng biết.

Ông Nguyễn Trung Công, CEO của iViVu, cho biết: "Từ thực tiễn kinh doanh, tôi nhận thấy người dùng Việt Nam rất nhạy bén với công nghệ tạo tiền đề cho việc phát triển du lịch trực tuyến. Tuy nhiên, thị trường đã có quá nhiều những tập đoàn toàn cầu đang phục vụ khách hàng rất tốt. Những công ty trong nước buộc phải tìm ra hướng đi mới khác biệt so với truyền thống, kết hợp giữa việc hiểu sâu sắc thị trường nội địa và áp dụng công nghệ tiên tiến".

Theo đánh giá của các chuyên gia du lịch quốc tế, các dịch vụ du lịch trực tuyến ở Việt Nam chỉ mới ở giai đoạn đầu, thị trường chưa được định hình rõ ràng. Miếng bánh kinh doanh các dịch vụ trực tuyến vẫn còn bỏ ngỏ khá lớn. Nếu biết cách tiếp cận và có một chiến lược dài hơi, Việt Nam vẫn là thị trường tiềm năng với nhóm dân số trẻ, tốc độ tăng trưởng ngành du lịch luôn ở mức dương.

Du lịch thông qua trực tuyến trên thế giới không còn là xu hướng mà là thực tế tất yếu trong xu thế hội nhập toàn cầu. Ngành du lịch Việt cần có những hành động cụ thể, đầu tư đẩy mạnh kinh doanh du lịch trực tuyến, tránh để mất “miếng bánh” ngay trên sân nhà. Chính phủ Việt Nam cũng cần xây dựng hành lang pháp lý để kiểm soát hoạt động, đảm bảo việc đóng thuế của các công ty du lịch nước ngoài khi họ đang chiếm thị phần lớn trong lĩnh vực đặt phòng khách sạn, du lịch trực tuyến tại Việt Nam. Ngoài ra, ngành du lịch Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ trong lĩnh vực du lịch, đảm bảo quyền lợi của khách du lịch; định hướng phát triển và đào tạo nguồn nhân lực để phát triển bền vững.

Theo Đời sống
back to top