Dự báo Việt Nam có thể kiềm chế lạm phát ở mức 3%

(khoahocdoisong.vn) - Theo Khối nghiên cứu Kinh tế Ngân hàng HSBC, tỷ lệ lạm phát của Việt Nam trong năm 2021 sẽ ở mức trung bình 3%, dưới mục tiêu mức trần 4% mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã đề ra. Điều này tạo điều kiện cho NHNN duy trì tốt chính sách tiền tệ nới lỏng của mình.

Khi triển vọng kinh tế toàn cầu có nhiều cải thiện, nỗi lo về biến động lạm phát tăng lên. Trùng hợp là, lạm phát ở Việt Nam tăng khoảng 1,52% trong tháng 2/2021. Đây được cho là tốc độ tăng cao nhất so với cùng kỳ trong vòng 8 năm trở lại đây tại Việt Nam.

Tuy nhiên, SHBC cho rằng, về lâu dài, Việt Nam vẫn có những tín hiệu lạc quan cho thấy lạm phát sẽ được kiềm chế và duy trì ở mức ổn định. Thực tế, giá lương thực, thực phẩm đã hạ nhiệt khá nhiều do giá thịt lợn đã bình ổn, có nhiều khả năng bù đắp những tác động do áp lực từ giá dầu tăng.

Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng đã dần phục hồi sau kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán kéo dài, nhưng cầu sẽ tăng chậm do thị trường lao động vẫn tiếp tục suy thoái.

Theo HSBC, Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế có mức tăng trưởng tích cực trong năm 2020. Do đó, lạm phát do nhu cầu tăng trong nước sẽ được duy trì để không tăng nhiều.

So với đầu năm 2020, giá cả các nhóm hàng hoá như thiết bị gia dụng, giáo dục và quần áo tăng với tốc độ ổn định nhưng chậm hơn. Trong khi đó, lĩnh vực giải trí bị hạn chế do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tiêu dùng giải trí đã giảm xuống, các loại hình dịch vụ cũng không phát triển.

Ngoài ra, tỷ giá hối đoái cũng có ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình lạm phát. Việt Nam trong những năm qua liên tục xuất siêu, tỷ giá ngoại hối của Việt Nam luôn ở mức cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, gần đây NHNN đã có động thái giảm nhẹ giá đồng USD, giữ ổn định tỷ giá USD/VND.

Mặc dù tình hình dịch bệnh từ bên ngoài đã có cải thiện đáng kể, nhưng sự phục hồi kinh tế của Việt Nam có thể bị chững lại do số ca lây nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng thời gian vừa qua. Chính phủ lập tức thực hiện các biện pháp phòng chống như phong tỏa tạm thời và giãn cách xã hội. Dịch bệnh được kiểm soát nhưng sẽ đi kèm với việc hạn chế di chuyển, ảnh hưởng đến hoạt động tiêu dùng nội địa, cũng như tốc độ phục hồi của các dịch vụ liên quan. Do đó, chỉ số GDP quý 1/2021 sẽ thấp hơn so với dự kiến. Theo đó, các chuyên gia đã giảm dự báo tăng trưởng hàng năm từ mức 7,6% xuống còn 7%.

Theo KH&ĐS
back to top