Dự án TNR Goldsilk Complex: Từ hợp tác đến thâu tóm “đất vàng”

(khoahocdoisong.vn) - Thống nhất với Công ty CP Tập đoàn đầu tư phát triển Việt Nam (VIDGroup - nay là TNG) thành lập doanh nghiệp để thực hiện dự án bất động sản trên diện tích 430 Cầu Am, Hà Đông sau di dời. Nhưng đến giai đoạn bắt đầu kinh doanh kiếm lời, thì Dệt Hà Đông Hanosimex lại thoái toàn bộ cổ phần để “nhường” cho TNG thực hiện.

Giao đất trước khi thu hồi

Dự án Trung tâm thương mại, nhà ở thấp tầng và cao tầng HANO-VID hay còn gọi là TNR Goldsilk Complex đường xây dựng trên nền đất tại 430 Cầu Am, quận Hà Đông, TP Hà Nội. Khu đất này vốn dĩ do Công ty CP Dệt Hà Đông Hanosimex thuê quản lý, sử dụng làm nhà xưởng để sản xuất kinh doanh các sản phẩm may.

Căn cứ vào chủ trương di chuyển cơ sở sản xuất không còn phù hợp với quy hoạch hoặc gây ô nhiễm môi trường ra khỏi các khu vực quận nội thành của UBND TP Hà Nội, Công ty CP Dệt Hà Đông lên phương án di dời cơ sở sản xuất đến vị trí mới. Cùng với đó “bắt tay” với Công ty CP Tập đoàn đầu tư phát triển Việt Nam để biến khu đất đắc địa này thành dự án bất động sản để kinh doanh.

Việc này ngay sau đó đã được Công ty Dệt Hà Đông Hanosimex cụ thể hóa. Năm 2010, Công ty CP Dệt Hà Đông Hanosimex và Công ty mẹ là Tổng Công ty CP Dệt may Hà Nội (Hanosimex) đã ký Hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty CP Tập đoàn đầu tư phát triển Việt Nam lập Công ty CP Bất động sản HANO-VID để thực hiện dự án TNR Goldsilk Complex như ngày nay.

Dù hợp tác thực hiện dự án 430 Cầu Am để kinh doanh, nhưng Công ty CP Dệt Hà Đông Hanosimex cũng khá vất vả để tính phương án di dời.

Bằng chứng là đến tháng 4/2011, Công ty CP Dệt Hà Đông Hanosimex đã thông qua dự án đầu tư “di dời Công ty CP Dệt Hà Đông Hanosimex”, từ nền đất 430 Cầu Am xuống KCN Đồng Văn II, Hà Nam. 

Thông tin bổ sung, KCN Đồng Văn II tới thời điểm này đã là công ty "con" của VIDGroup. Nói cách khác, Công ty CP Dệt Hà Đông Hanosimex vừa hợp tác với VID tại cơ sở cũ, vừa thuê đất của VIDGroup để làm cơ sở mới sau di dời. 

Thời điểm này, HĐQT Công ty CP Dệt Hà Đông Hanosimex xác định tổng mức đầu tư của dự án di dời khoảng 227,813 tỷ đồng, gồm chi phí: Thiệt hại do di dời gần 15 tỷ đồng; mức vốn đầu tư cố định 177,125 tỷ đồng; tiền thuê cơ sở hạ tầng 2,5ha là 25,740 tỷ đồng và đặc biệt là góp vốn đầu tư vào Công ty CP Bất động sản HANO-VID 10 tỷ đồng.

Nguồn vốn đầu tư thực hiện dự án lúc này được xác định từ nguồn bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng 75 tỷ đồng, tiền thanh lý tài sản cũ 825 triệu đồng, giá trị còn lại của tài sản cố định gần 42 tỷ đồng, giá trị 400m2 sàn thuộc khu văn phòng dự án 10 tỷ đồng và nguồn vốn còn thiếu khoảng 100 tỷ đồng thì phải đi vay ngân hàng.

Điểm khốn khó của Công ty CP Dệt Hà Đông Hanosimex nữa lúc này chính là việc phải di dời cơ sở sản xuất, trong khi chưa hoàn thành xong dự án đầu tư di dời xuống khu đất 2,5ha tại KCN Đồng Văn II.

Tìm hiểu của phóng viên cho thấy, từ tháng 12/2012, Công ty CP Dệt Hà Đông Hanosimex đã bàn giao khu đất 430 Cầu Am cho Công ty CP Bất động sản HANO-VID. Nhưng từ tháng 01/2013 đến tháng 1/2014, Dệt Hà Đông Hanosimex đã thuê lại chính mặt bằng này để tiếp tục sản xuất kinh doanh. Phải đến năm 2015, Công ty CP Dệt Hà Đông Hanosimex mới chính thức chuyển về KCN Đồng Văn II, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam hoạt động.

Ngạc nhiên là, việc bàn giao đất và thuê đất 430 Cầu Am giữa Công ty CP Dệt Hà Đông Hanosimex với Công ty CP Bất động sản HANO-VID diễn ra từ năm 2012, 2013, nhưng mãi đến ngày 26/12/2014, UBND TP Hà Nội mới ban hành Quyết định 7112/QĐ-UBND thu hồi 19.594m2 đất tại số 430 Cầu Am, quận Hà Đông giao cho Công ty CP Bất động sản HANO-VID thực hiện dự án.

Việc Công ty CP Dệt Hà Đông Hanosimex bàn giao đất trước khi có quyết định thu hồi có dấu hiệu của vi phạm pháp luật về đất đai. Vì đây là đất công cho Công ty CP Dệt Hà Đông Hanosimex thuê, về nguyên tắc công ty không được cho thuê, hay giao lại, khi chưa được chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền. Đặc biệt, sau khi giao đất mà chưa có quyết định thu hồi, công ty đã... thuê lại chính đất này để sản xuất, cho thấy chính doanh nghiệp dự án (HANO-VID) cũng chưa có nhu cầu sử dụng đất, và lại làm thiệt hại cho công ty. 

TNR Goldsilk Complex được xây dựng trên nền đất của Công ty CP Dệt Hà Đông Hanosimex 430 Cầu Am, Hà Nội.

TNR Goldsilk Complex được xây dựng trên nền đất của Công ty CP Dệt Hà Đông Hanosimex 430 Cầu Am, Hà Nội.

Kịch bản “bán” đất vàng

Thời điểm mới thành lập, HANO-VID (tháng 12/2010) chỉ có vốn điều lệ 6 tỷ đồng. Trong đó, Công ty CP Dệt Hà Đông Hanosimex góp 1,8 tỷ đồng, nắm giữ 30% cổ phần, Tổng Công ty CP Dệt may Hà Nội góp 600 triệu đồng, chiếm 10% vốn điều lệ, Công ty CP Tập đoàn đầu tư phát triển Việt Nam đăng ký góp số vốn lớn nhất là 3,6 tỷ đồng để sở hữu 60% cổ phần. Như vậy, ngay khi thành lập, chủ đất (Dệt Hà Đông Hanosimex) chỉ đóng vai cổ đông thiểu số trong doanh nghiệp dự án.

Từ năm 2015 trở đi, tức giai đoạn hoàn thiện các thủ tục hành chính, chuyển đổi mục đích đất để khởi công thực hiện, kinh doanh dự án, cơ cấu cổ đông tại HANO-VID thay đổi nhanh chóng. Trong đó nổi bật là lần lượt chủ đất thoái vốn, “nhường” dự án cho Công ty CP Tập đoàn đầu tư phát triển Việt Nam.

Cụ thể, tháng 9/2015, Công ty CP Dệt Hà Đông Hanosimex đã thoái vốn hoàn toàn tại Công ty CP Bất động sản HANO-VID. Tháng 4/2016 đến lượt Tổng Công ty CP Dệt may Hà Nội cũng thoái vốn xong.

Sang tháng 7/2016, HANO-VID đăng ký nâng vốn điều lệ từ 6 tỷ đồng lên 320 tỷ đồng. Đồng thời, Công ty CP Tập đoàn đầu tư phát triển Việt Nam cũng sở hữu gần như tuyệt đối tại Công ty CP Bất động sản HANO-VID với số cổ phần nắm giữ lên đến 99,25%.

Vào tháng 02/2016, dự án TNR Goldsilk Complex chính thức hoàn thành các thủ tục hành chính. Tức là, thời điểm Công ty CP Dệt Hà Đông Hanosimex và công ty mẹ Tổng Công ty Hanosimex thoái sạch vốn “nhường” cho Công ty CP Tập đoàn đầu tư phát triển Việt Nam nắm toàn quyền chi phối, thì cũng chính là giai đoạn dự án TNR Goldsilk Complex khởi công và kinh doanh kiếm lời.

Cần lưu ý, trong khi bán lợi thế lớn nhất của mình khi di dời - vốn tại doanh nghiệp dự án trên khu đất tại Hà Đông - thì Công ty CP Dệt Hà Đông Hanosimex vẫn hoạt động khá khó khăn. Từ năm 2012 (thời điểm góp vốn vào dự án TNR Goldsilk Complex) cho đến nay, công ty vẫn thường xuyên phải thế chấp tài sản vay những khoản nhỏ để phục vụ sản xuất kinh doanh. Nói cách khác, góp vốn và bán vốn tại dự án TNR Goldsilk Complex không giúp ích nhiều cho công ty trong nâng cao chất lượng hoạt động. 

Việc “thâu tóm” đất nội đô Hà Nội thông qua chủ trương di dời cơ sở gây ô nhiễm cũng được Công ty CP Tập đoàn đầu tư Việt Nam lặp lại trên nền đất 2,2ha số 47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân vốn do Công ty CP Dệt mùa đông quản lý, sử dụng. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc tại số báo tới.

Theo Đời sống
Loạn giá vòng tay trầm hương

Loạn giá vòng tay trầm hương

Gỗ trầm hương được cho là nằm trong “Tứ đại hương mộc” của Việt Nam. Nắm bắt được tâm lý và nhu cầu sử dụng ngày càng cao trên thị trường, đã có rất nhiều sản phẩm nhái, hàng kém chất lượng được bày bán tràn lan.
back to top