Dự án điện gió trong muôn vàn nỗi lo

Để được EVN mua điện với giá FIT thì các dự án điện gió phải được vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021. Đến ngày 31/10/2021, có 84 nhà máy điện, tổng công suất 3.980,27MW kịp vận hành thương mại. Nếu căn cứ quy định này, còn nhiều dự án điện gió không được hưởng ưu đãi.

Nhiều dự án “lỡ nhịp” giá FIT

Theo Quyết định số 39/TTg ngày 10/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/TTg ngày 29/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam, đối với các dự án điện gió trong đất liền, giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 1.928đ/kWh (chưa bao gồm VAT, tương đương 8,5UScents/kWh).

Đối với các dự án điện gió trên biển, giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.223đ/kWh (chưa bao gồm VAT, tương đương 9,8UScent/kWh).

Giá mua điện được áp dụng cho một phần hoặc toàn bộ nhà máy điện gió nối lưới có ngày vận hành thương mại trước ngày 1/11/2021 và được áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.

Ngoài ra, Thông tư số 02 ngày 15/1/2019 của Bộ Công Thương về Quy định thực hiện phát triển dự án điện gió và Hợp đồng mua bán điện mẫu cho dự án điện gió, thì trước 90 ngày vận hành thương mại, bên bán điện có trách nhiệm gửi bên mua điện dự thảo quy trình chạy thử, nghiệm thu của nhà máy điện để hai bên thống nhất xác định ngày vận hành thương mại và tính toán sản lượng điện chạy thử nghiệm của nhà máy điện.

Tuy nhiên, để có thể đáp ứng điều kiện chạy thử, nghiệm thu chuẩn bị đề nghị công nhận ngày vận hành thương mại trước thời điểm 31/10/2021, chủ đầu tư các nhà máy điện gió phải gửi văn bản và hồ sơ theo quy định cho EVN muộn nhất là ngày 3/8/2021.

Theo số liệu EVN vừa cập nhật trong số 106 nhà máy điện gió nộp hồ sơ đăng ký chương trình đóng điện và hòa lưới, đến thời điểm hết ngày 31/10/2021 đã có 69 nhà máy điện gió với tổng công suất 3.298,95MW đã được công nhận vận hành thương mại COD.

Nếu bao gồm cả 15 nhà máy điện gió đã được công nhận COD và vào vận hành từ trước đây, thì trong hệ thống điện quốc gia đã có tổng cộng 84 nhà máy điện gió với tổng công suất 3.980,27MW được công nhận vận hành thương mại COD.

Như vậy, còn 22 dự án điện gió không thể vượt ngưỡng vận hành thương mại trước 1/11/2021 để hưởng ưu đãi giá FIT.

Không chỉ có vậy, vài năm gần đây, trước nhiều cơ chế hấp dẫn khuyến khích nhiều nhà đầu tư đang đổ xô đầu tư điện gió. Tuy nhiên, việc phát triển nóng đã và đang vấp phải vấn đề về hạ tầng truyền tải.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương thời điểm tháng 3/2021, sự phát triển nhanh với quy mô công suất lớn của các nguồn điện năng lượng tái tạo đã gây ra hiện tượng quá tải cục bộ, quá tải lưới điện truyền tải liên kết miền và hệ thống điện dư thừa công suất phát so với nhu cầu phụ tải.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhu cầu phụ tải điện tăng trưởng thấp, dẫn tới trong một số tình huống trong thời gian thấp điểm của hệ thống như các dịp lễ, Tết, ngày cuối tuần hoặc thấp điểm trưa hằng ngày hệ thống điện dư thừa công suất phát so với phụ tải tiêu thụ.

Chính vì vậy, Bộ Công Thương cho rằng, việc cắt giảm các nhà máy năng lượng tái tạo nói chung trong đó có điện gió nói riêng là tình huống bắt buộc trong bối cảnh hệ thống điện quốc gia thừa nguồn và lưới điện quá tải cục bộ nhằm đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống điện.

Như vậy, đến nay nhiều dự án điện gió đã lỡ nhịp giá FIT ưu đãi, đồng thời cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn trong quy hoạch cũng như hạ tầng ngành điện lực, cắt giảm công suất.

Đã có 84 dự án điện gió kịp vận hành trước ngày 31/10/2021.

Có nên gia hạn thời điểm ưu đãi?

Về thời điểm các dự án điện gió được hưởng ưu đãi giá FIT, TS Mai Duy Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam cho biết, ngày 20/7/2021, Hiệp Hội đã có văn văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan để đề nghị gia hạn thời điểm phát điện thương mại các Dự án điện gió đang thực hiện theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg ngày 10/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam đề xuất gia hạn thời hạn phát điện thương mại cho các dự án điện gió là từ 3 - 6 tháng, nhằm tránh việc hàng loạt các chủ đầu tư dự án điện gió bị phá sản.

Hiệp Hội đưa ra 5 lý do để đề xuất gia hạn. Cụ thể, do một số nhà cung cấp thiết bị điện gió trên thế giới bị gián đoạn sản xuất do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, dẫn đến nguồn cung thiết bị của các dự án không về kịp theo đúng tiến độ làm ảnh hưởng rất lớn đối với các dự án điện gió đang triển khai.

Do dịch bệnh Covid-19 nên các chuyên gia nước ngoài không thể đến Việt Nam đúng thời hạn; việc vận chuyển thiết bị đang gặp rất nhiều trở ngại do phải thực hiện các quy định để phòng chống dịch Covid-19 tại các địa phương.

Bên cạnh đó, nguồn lao động đang thi công trên các công trường bị thiếu hụt trầm trọng, vì nhiều tỉnh thành dịch bệnh diễn biến phức tạp, đi lại khó khăn.

Việc nghiệm thu vận hành thương mại cũng tiềm ẩn nhiều trở ngại khi hàng loạt dự án cùng thực hiện công việc này vào tháng 9 và 10/2021; trong khi các địa phương quy định rất chặt chẽ về cách ly người từ nơi khác đến.

Thực tế đến nay cũng có nhiều địa phương, doanh nghiệp đề xuất, tuy nhiên Chính phủ cũng như Bộ Công Thương chưa chính thức có những thay đổi về thời hạn vận hành thương mại để các dự án điện gió hưởng ưu đãi. Theo các chuyên gia năng lượng, việc các dự án điện gió không được hưởng giá ưu đãi FIT sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động đầu tư cho các dự án.

“Tính đến ngày 31/10/2021, đã có tổng cộng 84 nhà máy điện gió, với tổng công suất 3.980,27MW được công nhận vận hành thương mại COD".

Theo Đời sống
back to top