Dr Home giúp thích ứng an toàn với Covid-19

Cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế của người dân chưa nhiều, nhất là do tâm lý e ngại dịch bệnh. Ứng dụng Dr Home là một trong những giải pháp để cụ thể hóa việc “thích ứng linh hoạt, an toàn với Covid-19”.

Theo dõi bệnh nhân hậu Covid-19

Hiện nay nhóm nghiên cứu và phát triển ứng dụng Dr Home của Bệnh viện Điều trị Bệnh nghề nghiệp - Phục hồi chức năng TPHCM đang chạy thử phần mềm theo dõi, đánh giá về những tổn thương giai đoạn hậu Covid-19 của bệnh nhân.

Theo TS.BSCKII Phan Minh Hoàng, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ, Giám đốc Bệnh viện Điều trị Bệnh nghề nghiệp - Phục hồi chức năng TPHCM, phần mềm này được gọi là tele rehab. Những bài tập phục hồi chức năng sinh động, dễ hiểu cũng được cung cấp trên ứng dụng này.

tele-rehab.jpg
Nhóm nghiên cứu và phát triển ứng dụng Dr Home của Bệnh viện Điều trị Bệnh nghề nghiệp - Phục hồi chức năng TPHCM đang chạy thử phần mềm theo dõi, đánh giá về những tổn thương giai đoạn hậu Covid-19 của bệnh nhân.

Cùng với theo dõi những tổn thương hậu Covid-19, ứng dụng Dr Home còn được thiết kế thêm những khảo sát đánh giá về tâm lý, stress hay rối loạn giấc ngủ trên bệnh nhân sau hồi phục từ Covid-19.

Các bộ câu hỏi được thiết kế dành cho mọi tầng lớp trong cộng đồng nên cần dễ hiểu, trực quan sinh động một cách “bình dân” từ các chuyên gia trong lĩnh vực y học phục hồi, tâm lý trị liệu…

Khi người dân tham gia trả lời sẽ biết họ đang gặp phải các vấn đề sức khỏe nào, tự trang bị kiến thức để chủ động đi khám. Như vậy, các cơ sở y tế có cơ hội được chăm sóc, điều trị sớm nhất.

Trong khảo sát, câu đầu tiên sẽ là khảo sát các bệnh lý nền từ đó người dân sẽ được gợi ý trả lời bệnh đang diễn tiến như thế nào…

img_0060.jpg
Chị Bùi Thị Bích Hằng (35 tuổi, Tân Phú) vừa hồi phục sau Covid-19 chia sẻ, tham gia vào các link chạy thử về đánh giá tâm lý và rối loạn giấc ngủ, các triệu chứng theo bác sĩ đưa ra rất dễ nhận biết.

Chị Bùi Thị Bích Hằng (35 tuổi, Tân Phú) vừa hồi phục sau Covid-19 chia sẻ, nhiều lúc cảm giác rất khó diễn tả. Bản thân chỉ biết là không được thoải mái, bứt rứt chứ không diễn tả chính xác như thế nào.

Nên khi được tham gia vào các link chạy thử về đánh giá tâm lý và rối loạn giấc ngủ, chị cho rằng các triệu chứng theo bác sĩ đưa ra rất dễ nhận biết.

Một bộ câu hỏi hơn 20 câu giúp chị hiểu rõ hơn về những cảm xúc hay bất an trong lòng.

Phát triển y học phục hồi

Đặc biệt, các nhà chuyên môn sẽ thu thập được số liệu, big data. Những con số thống kê dịch tễ này sẽ giúp các chuyên gia y tế đánh giá được nhóm người quan tâm nhất đến giấc ngủ, đến tổn thương tinh thần và các mặt bệnh khác.

Nhờ đó, ngành y tế sẽ có thêm định hướng để triển khai các chương trình điều trị cho bệnh nhân, phát triển y học phục hồi.

Theo PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ là có vai trò quan trọng góp phần trong công tác kiểm soát dịch bệnh.

Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, đòi hỏi chúng ta phải chuyển đổi nhiều thứ để thích ứng, nhất là trong nghiên cứu khoa học.

Từ đó, người bệnh sẽ được tiếp cận y tế một cách nhanh chóng, dự phòng bệnh tật, chủ động góp phần giảm tải trong điều trị, giảm tử vong.

img_0064.jpg

TS.BSCKII Phan Minh Hoàng cho biết thêm, bệnh nhân điều trị Covid-19 sau khi xuất viện đều được dặn tái khám sau từ 2 - 4 tuần để đánh giá sức khỏe; không bị tổn thương phổi cũng như tất cả các cơ quan khác.

Việc tái khám này đảm bảo bệnh nhân trở về với gia đình một cách trọn vẹn. Nghĩa là, bệnh nhân không bị ảnh hưởng gì nữa đến sức khỏe, đủ sức khỏe để lao động, tiếp tục làm việc. Nếu bệnh nhân chưa ổn vẫn cần thăm khám và điều trị.

Trong tương lai, ứng dụng này sẽ được bổ sung hồ sơ và xin chạy trên các hệ điều hành như IOS và Android. Ngoài ra, Dr Home sẽ bổ sung theo các modul theo dõi bệnh lý tim mạch, hô hấp, thận, nội tiết.

Phần mềm Dr Home với 3 modul đã được triển khai: Tele rerab - phục hồi chức năng hô hấp kèm theo các bài tập vật lý trị liệu, thông khí; đánh giá stress, rối loạn tâm lý và trầm cảm lo âu; rối loạn giấc ngủ - chất lượng giấc ngủ giảm sút.

Theo thống kê về lĩnh vực viễn thông của Bộ TT&TT trong dự thảo báo cáo đánh giá công tác quản lý nhà nước quý 3 và nhiệm vụ quý 4/2021, số thuê bao điện thoại di động (tính đến quý 3/2021) của Việt Nam đạt 123 triệu, tăng 0,88% so với cùng kỳ năm trước…

Các ứng dụng y tế chính thống như vậy sẽ giúp người dân chủ động hơn trong tiếp cận các kiến thức y khoa cơ bản. Người dân tự nhận biết yếu tố nguy cơ, đang có những diễn tiến bệnh, rối loạn chức năng cần được tư vấn của nhân viên y tế. Hoặc những trường hợp nặng hơn cần phải ngay lập tức đến các cơ sở y tế để thăm khám, điều trị sớm, gỡ từng nút thắt.

Theo Đời sống
back to top