Đốt u phổi bằng vi sóng dưới hướng dẫn cắt lớp vi tính

(khoahocdoisong.vn) - Hiện có phương pháp mới giúp tiêu diệt tế bào u tại chỗ một cách nhanh chóng và trong thời gian rất ngắn đó là đốt u phổi bằng vi sóng.

Ung thư phổi hiện nay vẫn là loại ung thư có tỷ lệ mắc và tử vong cao nhất trong tất cả các loại ung thư. Điều trị ung thư phổi thường phải phối hợp rất nhiều phương thức (đa mô thức), phẫu thuật, hóa trị, điều trị đích, xạ trị là những phương pháp đã được ứng dụng trong thời gian dài. Và, hiện nay có thêm phương pháp mới có thể giúp tiêu diệt tế bào u tại chỗ một cách nhanh chóng, trong thời gian rất ngắn đó là đốt u phổi bằng vi sóng dưới hướng dẫn của cắt lớp vi tính.

Mắc u phổi, tuổi cao không muốn mổ

Bệnh nhân nam, 80 tuổi, quê ở Thái Nguyên đã mổ cắt thùy trên phổi trái do u tại BV Phổi trung ương cách đây 10 năm. Lần này xuất hiện khối u đường kính 6 cm thùy dưới phổi phải, sinh thiết xuyên thành ngực chẩn đoán ung thư phổi biểu mô tuyến. Hình chụp PET/CT xuất hiện u tăng chuyển hóa mạnh (SUV= 13,6), không thấy hình hạch tăng chuyển hóa rốn phổi, trung thất. Bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật song tuổi cao, tiền sử đã mổ cắt thùy trên phổi trái (đã giảm thể tích phổi) nên bệnh nhân không muốn phẫu thuật.

Cuộc hội chẩn liên khoa Ung bướu, Chẩn đoán hình ảnh, Gây mê hồi sức đã được tiến hành. Kết quả hội chẩn bệnh nhân có chỉ định đốt u phổi bằng vi sóng dưới hướng dẫn cắt lớp vi tính. Bệnh nhân được giải thích cặn kẽ về thủ thuật, đã bàn bạc thống nhất trong gia đình sau đó khẳng định đồng ý bằng việc ký cam kết thủ thuật. Và, thủ thuật đã được tiến hành vào ngày tiếp theo sau hội chẩn.

Bệnh nhân nhịn ăn uống 4 giờ trước khi làm thủ thuật. Gây mê ngắn đường tĩnh mạch đã được các bác sỹ khoa gây mê hồi sức tiến hành. Sau đó đó kim đốt đã được các bác sỹ khoa Chẩn đoán hình ảnh đưa vào đúng trục dọc của khối u và kim được nối với máy phát sóng ngắn (Microwase).

Vì đây là khối u lớn, tổng đường kính 6 cm nên 2 liệu trình đốt đã được thiết lập: liệu trình 1 đốt u trong khoảng 3 cm đường kính đầu tiên, công suất 100W và thời gian là 10 phút. Liệu trình 2 được tiến hành khi liệu trình 1 kết thúc, kim được rút ra ngoài 3cm, công suất và thời gian cũng áp dụng như liệu trình 1.

Kết quả của thủ thuật đươc đánh giá bởi hình chụp CLVT sau đó: Xuất hiện vùng tỷ trọng tổ chức và kính mờ xung quanh bao phủ diện u. Quá trình hoại tử vùng đốt diễn tiến khoảng thời gian 3 tuần sau đó. Và phim X quang ngực chụp lại sau 1 tháng cho kết quả thật khả quan: một hình hang thành mỏng xuất hiện thay thế vị trí u. Đây thực sự là tin vui cho bệnh nhân ung thư phổi

Máy, dây dẫn, kim đốt u phổi bằng vi sóng

Máy, dây dẫn, kim đốt u phổi bằng vi sóng

Theo TS.BS. Cung Văn Công, Trưỏng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Phổi T.Ư, đốt u phổi bằng thiết bị vi sóng dưới hướng dẫn cắt lớp vi tính hay còn gọi là kỹ thuật “đốt u bằng vi sóng” là kỹ thuật đã được áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Báo cáo 2016, tại Anh đã thực hiện trên 5.000 ca, tại Mỹ là trên 10.000 ca.

Tại Đông Nam Á, Bệnh viện Phổi trung ương, Việt Nam là đơn vị đầu tiên có thiết bị và đã triển khai thành công kỹ thuật này. Kỹ thuật đã được bệnh viện ứng dụng để đốt u phổi qua da (xuyên thành ngực) và thời gian tới sẽ tiến hành đốt u phổi qua phẫu thuật nội soi hoặc khi phẫu thuật mở.

10 phút cho việc tiêu diệt toàn bộ khối u ≤ 3 cm

Theo TS.BS Cung Văn Công những trường hợp u phổi có đường kính ngang bằng hoặc nhỏ hơn 3 cm mà chưa có hạch lớn tại rốn phổi hoặc trung thất (T1N0) thì phẫu thuật cắt bỏ thùy phổi có u thường được tiến hành. Nếu bệnh nhân không muốn phẫu thuật có thể lựa chọn kỹ thuật đốt u phổi bằng vi sóng để điều trị tiệt căn. Toàn bộ khối u sẽ bị tiêu diệt trong khoảng thời gian tối đa 10 phút với công suất máy đặt 100 W.

Toàn cảnh kỹ thuật đốt u phổi.

Toàn cảnh kỹ thuật đốt u phổi.

Sau khi hết thời gian đốt bệnh nhân sẽ được chụp lại các lát trong khoảng bao trùm hết khoảng khối u. Kết quả đốt được đánh giá là tốt khi xuất hiện vùng kính mờ bao phủ vượt ra cả ngoài gianh giới u ban đầu. Khi rút kim phải vừa rút vừa đốt (rút ra 5mm, dừng lại đốt 5 giây) cho đến hết (đốt bịt đường ra) để tránh chảy máu đường hầm nhu mô do kim tạo ra và tránh tràn khí màng phổi. TS.Công cho hay, khi tiến hành thủ thuật, sau khi bệnh nhân đã mê, bác sĩ sẽ rạch da lỗ nhỏ tại vị trí đánh dấu của khối u dựa trên lắt cắt ngang của cắt lớp vi tính, sau đó kim đốt được đưa qua lỗ này vào trung tâm khối u, được khẳng định vị trí kim bằng chụp lại lát cắt cố định. Tùy theo kích thước của khối u mà liệu trình đốt sẽ được thiết lập theo khuyến cáo của nhà sản xuất (mA, s).

Cuối cùng, chụp lại các lát cắt vùng u đã đốt. Bệnh nhân tiếp tục truyền dịch và theo dõi đến khi hồi tỉnh hoàn toàn. Kháng sinh, chống viêm, chụp lại X-quang thường qui (tại giường) sau 2 giờ và các lần tiếp theo (nếu cần) đề phòng xuất hiện các biến chứng sau đốt. Bệnh nhân được chụp CLVT lại sau 1 tuần, 1 tháng và các lần tiếp theo để đánh giá kết quả. Hình ảnh của toàn bộ quá trình sẽ được lưu giữ bằng công nghệ kỹ thuật số.

Nguyên lý

Sóng ngắn được phát ra trong khoảng 28mm vùng đầu kim (microwave) sẽ làm tăng dao động của các phân tử nước trong tổ chức u, dạng dao động lật. Sự cọ sát giữa các phân tử nước sẽ sinh nhiệt do lực ma sát. Quá trình tích tụ nhiệt sẽ làm tăng nhiệt độ u.Và, hiệu ứng nhiệt sẽ gây đông máu, hoại tử và gây chết tế bào trong phạm vi tác động của vùng phủ sóng.

Mục tiêu của thủ thuật là gây hoại tử (phá hủy bằng nhiệt) toàn bộ khối u và và vùng rìa (margin) nhu mô xung quanh khối u, tránh tối đa các  tổn thương cho các cấu trúc xung quanh khối u.

Chỉ định

Theo TS Công, có rất nhiều chỉ định khác nhau cho kỹ thuật này. Những bệnh nhân được chẩn đoán u phổi ác tính nguyên phát, loại không tế bào nhỏ, dưới 5cm, có chỉ định phẫu thuật nhưng không muốn phẫu thuật; những bệnh nhân có chỉ định và đồng ý phẫu thuật song chức năng tim, phổi lại không cho phép gây mê; bệnh nhân cao tuổi; bệnh nhân có một số bệnh đồng mắc; bệnh nhân không có khả năng chịu đựng mất mát phổi (giảm thể tích thở).

Một số nốt đơn độc phổi (ngoại trừ u mạch) không rõ bản chất; bệnh nhân có u phổi không còn chỉ định mổ (giai đoạn IIIb, IV), có mong muốn điều trị giảm nhẹ phối hợp cùng các phương pháp trị liệu khác (xạ, hóa trị, điều trị đích …); các trường hợp u lao, u thần kinh nội tiết lành, ác tính…

Với kỹ thuật này, không có chống chỉ định tuyệt đối. Bác sĩ cần cân nhắc với những bệnh nhân u phổi kèm khí phế thũng nặng. Bệnh nhân có rối loạn đông, cầm, thiếu máu nặng. Bệnh nhân đang trong tình trạng nhiễm trùng nặng, nhiễm trùng máu, bệnh nhân mắc các bệnh hệ thống, vị trí u quá khó để tiếp cận hoặc tiếp cận không an toàn cũng là những điểm các bác sỹ luôn lưu ý khi hội chẩn trước khi đưa ra quyết định sử dụng kỹ thuật này.

Cũng theo TS Công, kỹ thuật này cũng có thể gây ra các biến chứng song thường ít gặp. Các biến chứng từ nhẹ đến nặng như: đau, sốt, tràn khí màng phổi, tràn dịch màng phổi, ho ra máu, viêm phổi, viêm thành ngực cũng đã được y văn đề cập. Để giảm thiểu các biến chứng này, qua các ca bệnh đã được thực hiện tại bệnh viện, các bác sỹ tại Bệnh viện Phổi trung ương đã tuân thủ chặt chẽ các bước theo qui trình đã được BGĐ phê duyệt, 12 bệnh nhân được thụ hưởng kỹ thuật này vẫn đang được theo dõi chặt chẽ, bước đầu cho thấy kết quả khá khả quan. Hy vọng trong thời gian tới, điều trị “đa mô thức” cho bệnh nhân ung thư phổi sẽ được bổ sung thêm một kỹ thuật mới: An toàn, nhanh chóng, hiệu quả và dễ tiếp cận.

Theo Đời sống
Xước da bệnh nhân 52 tuổi nguy kịch vì uốn ván nặng kèm thuyên tắc phổi

Cứu bệnh nhân 52 tuổi bị uốn ván nặng kèm thuyên tắc phổi

Người dân không nên chủ quan với bệnh uốn ván, khi gặp các vết thương cần phải chủ động tiêm ngừa. Trong trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, cần sớm đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, tránh những diễn biến nguy hiểm.
Hà Nội: Ca mắc rubella đầu tiên đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng bệnh

Bệnh rubella nguy hiểm thế nào?

Rubella là bệnh truyền nhiễm do vi rút Alphavirust genus và Rubivirus genus gây ra. Bệnh rubella có tính lây truyền cao dễ gây thành dịch lớn và đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai.
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top