Đột quỵ vì bỏ thuốc chống đông

Thuốc chống đông là biện pháp dự phòng đột quỵ rất tốt đối với những người đã bị đột quỵ, có bệnh lý về tim mạch... Việc bỏ thuốc, dùng thuốc không đúng đều dẫn đến nguy cơ đột quỵ.

"Thời gian là não", mỗi giây mỗi phút trôi qua, nếu bệnh nhân không được điều trị tái tưới máu, cơ hội hồi phục đột quỵ càng thấp, thậm chí có thể tử vong. Vì vậy, khi bệnh nhân có dấu hiệu đột quỵ như nói ngọng, tê liệt mặt hoặc yếu chân, tay nửa người... cần đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Đột quỵ do tự ý dừng thuốc, dùng thuốc theo đơn cũ

Bệnh nhân nữ (52 tuổi, Hà Nội) được đưa vào cấp cứu trong tình trạng thất ngôn, liệt mặt phải, yếu nửa người phải, cơ lực tay phải và chân phải 1/5, huyết áp 130/80mmHg. Chụp mạch não tắc động mạch não.

Người nhà cho biết, bệnh nhân có khám tại Bệnh viện E T.Ư, được chỉ định dùng sintrom (thuốc chống đông), 1 tuần nay bệnh nhân dừng thuốc. Khi phát hiện bệnh nhân nói khó, yếu nửa người phải, đưa vào viện được can thiệp lấy huyết khối và dùng thuốc tiêu sợi huyết. Sau can thiệp bệnh nhân được chuyển hồi sức điều trị và theo dõi tiếp.

thuoc-chong-dong-1.jpg
Hút cục máu đông cho bệnh nhân đột quỵ tại Bệnh viện E T.Ư.

Bệnh nhân N.T.U. (66 tuổi, Hà Nội) có tiền sử thấp tim. Sau phẫu thuật thay van hai lá, van động mạch chủ cơ học, bệnh nhân được chỉ định dùng thuốc chống đông. Do ngại dịch Covid-19, hết thuốc bệnh nhân không đi khám mà mua thuốc theo đơn cũ để dùng.

Bệnh nhân thấy xuất hiện mảng xuất huyết dưới da vùng đùi 2 bên nên đi khám, được chẩn đoán quá liều thuốc chống đông và được chỉ định nhập viện điều trị tại Trung tâm Tim mạch. Trong lúc đang đi siêu âm kiểm tra mạch cảnh, bệnh nhân xuất hiện suy giảm ý thức tăng dần, liệt nửa người trái, thất ngôn. CT dựng hình mạch não cho thấy hình ảnh tắc hoàn toàn động mạch cảnh trong (P) đoạn trong sọ. Sau can thiệp mạch lấy huyết khối, bệnh nhân tỉnh táo, các chức năng cơ thể phục hồi nhanh.

ThS.BS Phạm Xuân Hiếu, Trưởng khoa Cấp cứu, Trưởng đơn vị Đột quỵ Bệnh viện E T.Ư cho biết, số bệnh nhân đột quỵ nhập viện mùa đông gia tăng ngoài yếu tố thời tiết còn liên quan đến việc sử dụng thuốc chống đông. Nhiều người bỏ thuốc, quên không sử dụng hoặc sử dụng không đúng, dùng sai giờ... cũng không đáp ứng được việc dự phòng hình thành cục máu đông.

Đặc biệt, dịch Covid-19 khiến những người bệnh mạn tính không đi khám được dẫn đến dùng lại đơn thuốc cũ không đúng, không đủ... cũng là nguyên nhân khiến bệnh nhân đột quỵ gia tăng.

thuoc-chong-dong-2.jpg
Bỏ thuốc chống đông cục máu đông hình thành trong não.

Trung bình 1 tuần khoa tiếp nhận từ 3 - 10 ca. Điều đáng nói, chỉ có 15 - 20% nhập viện “trong giờ vàng” (trước 4,5 giờ) còn lại hầu hết nhập viện muộn khiến việc điều trị rất khó khăn, bệnh nhân khó phục hồi...

Thuốc chống đông máu được theo dõi và điều chỉnh 1 - 3 tháng/lần

ThS.BS Phạm Xuân Hiếu cho biết, thuốc chống đông máu giúp ngăn ngừa sự hình thành cục máu đông (huyết khối). Trong hầu hết các bệnh tim mạch, thuốc chống đông đóng vai trò quan trọng để giúp duy trì tuần hoàn máu và phòng chống nguy cơ đau tim, đột quỵ não do cục máu đông gây tắc nghẽn mạch làm cản trở dòng chảy của máu về tim và đến các cơ quan khác trong cơ thể.

Thuốc chống đông có rất nhiều loại gồm: Thuốc ức chế chống kết dính tiểu cầu, thuốc nhóm đối kháng vitamin K và nhóm thuốc thế hệ mới ức chế các yếu tố rối loạn đông máu chọn lọc... Việc sử dụng thuốc chống đông không đúng cách sẽ dẫn tới 2 nguy cơ rất cao:

Một là không đảm bảo được việc dự phòng huyết khối. Khoảng 15% bệnh nhân bị rung nhĩ có tiền sử nhồi máu cơ tim và cũng khoảng 5 - 15% bệnh nhân sau can thiệp stent bị rung nhĩ.

thuoc-chong-dong.png
Đột quỵ vì bỏ thuốc chống đông.

Do đó, việc sử dụng thuốc chống đông đường uống dự phòng đột quỵ kết hợp với các thuốc chống ngưng tập tiểu cầu phải rất thận trọng, cân bằng giữa nguy cơ chảy máu, đột qụy, nguy cơ hội chứng vành cấp hay đặt stent... Dùng liều cao có thể gây rối loạn đông máu, xuất huyết não và các cơ quan khác. Liều thấp có thể tăng đông máu, hình thành cục máu đông.

Hai là nguy cơ đột quỵ: Rung nhĩ có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ lên 5 lần do sự hình thành huyết khối gây tắc nghẽn mạch máu não. Nguy cơ đột quỵ ở bệnh nhân rung nhĩ càng tăng lên khi tuổi cao và có tiền sử đột quỵ hoặc rung nhĩ. Tất cả các bệnh nhân đột quỵ hoặc rung nhĩ đều phải dùng thuốc chống đông và tái khám định kỳ để chỉnh thuốc. Nếu người bệnh ngưng tái khám, hoặc tự ý ngưng, thay đổi liều thuốc có thể dẫn đến đột quỵ hoặc rung nhĩ...

ThS.BS Phạm Xuân Hiếu cảnh báo, đột quỵ xảy ra chủ yếu do vấn đề về tim mạch, có 5% nguyên nhân chưa xác định được liên quan đến thuốc chống đông. Nhưng hầu hết các bệnh nhân tim mạch như tắc mạch lớn, hẹp, xơ vữa động tĩnh mạch, dị dạng động tĩnh mạch, rung nhĩ, ngoại tâm thu, rối loạn dòng máu, hở, hẹp van tim, thay van tim... và những bệnh nhân có nguy cơ đột quỵ (người cao tuổi, mỡ máu, đái tháo đường, tăng huyết áp...) cũng phải sử dụng thuốc chống đông kèm theo thuốc bệnh lý...

thuoc-chong-dong-3.jpg
Đột quỵ vì bỏ thuốc chống đông.

Thuốc chống đông là loại thuốc có tác dụng làm giảm đông máu, ngăn ngừa hình thành cục máu đông, nhưng cũng đồng thời làm tăng tỷ lệ chảy máu cho người bệnh nếu không được theo dõi sát về liều lượng và tác dụng chống đông máu của thuốc. Do đó, liều thuốc chống đông máu được dùng theo từng bệnh nhân và phải được kiểm tra theo dõi định kỳ từ 1 - 3 tháng một lần tùy loại thuốc để chỉnh liều thuốc dựa theo tỷ lệ PT-INR.

Người bệnh không được tự ý dùng tăng, hay giảm liều thuốc chống đông. Việc tuân thủ đúng việc dùng thuốc chống đông sẽ giúp ngăn ngừa tái phát đột quỵ. Nghiên cứu cho thấy, nguy cơ tái phát đột quỵ trong vòng 3 tháng tới 90% nếu người bệnh không dùng hoặc dùng không đúng chỉ định thuốc chống đông. Ngoài ra, để phòng ngừa đột quỵ, người có bệnh tim mạch, người có nguy cơ cần phải thay đổi lối sống: Ăn uống khoa học, giảm cân, tránh tác hại của các chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá... và phải tập luyện hằng ngày.

 Dùng thuốc chống đông phải tuân thủ những chỉ dẫn của bác sĩ. Các tác dụng không mong muốn của thuốc thường ít gặp và có thể xử trí nếu phát hiện sớm. Cần thông báo cho bác sĩ ngay nếu bạn phát hiện một trong các dấu hiệu sau:

- Nước tiểu đỏ hoặc sậm màu.

- Có những vết thâm tự nhiên xuất hiện trên da, màu đỏ, nâu sẫm, hoặc đen.

- Chảy máu kinh nguyệt nhiều hay kéo dài một cách bất thường.

- Đau đầu dữ dội, hoặc đau đầu kéo dài, hoặc đau bụng.

- Chảy máu (ví dụ như chảy máu chân răng, chảy máu cam).

- Sưng nề, đau các khớp như đầu gối, cổ chân.

- Có khối rắn, đau xuất hiện ở các vùng cơ như bắp chân, đùi, mông..

- Những bệnh khác mà bạn đang mắc có thể làm giảm khả năng dung nạp thuốc. Vì thế, hãy đi khám lại nếu bị ốm, cảm thấy mệt mỏi.

Theo Đời sống
Hà Nội: Ca mắc rubella đầu tiên đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng bệnh

Bệnh rubella nguy hiểm thế nào?

Rubella là bệnh truyền nhiễm do vi rút Alphavirust genus và Rubivirus genus gây ra. Bệnh rubella có tính lây truyền cao dễ gây thành dịch lớn và đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai.
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top