Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4: Cả nước “dàn trận”, Việt Nam quyết thắng

(khoahocdoisong.vn) - Lây nhiễm chéo trong khu cách ly, không tuân thủ cách ly tại nhà đã khiến đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 tại Việt Nam nhanh chóng lan ra 6 tỉnh, thành với 38 ca. Bộ Y tế đã quyết định tăng thêm thời gian cách ly hơn 14 ngày. Nhưng cách ly bao lâu là đủ và với virus biến đổi kép cực kỳ nguy hiểm, chúng ta có chiến thắng được không?

Hậu họa từ lỗ hổng cách ly và nguyên tắc 14+ n.7

Dịch Covid-19 lần thứ 4 tại Việt Nam bùng phát bắt đầu từ lỗ hổng của việc cách ly. Ca dương tính thứ 3 sau khi rời khu cách ly trong những ngày gần đây được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC) thông báo là chuyên gia người Ấn Độ, sống tại khu đô thị Times City, làm việc cho Công ty Vinfast, đã hoàn thành cách ly về nhà.

Ca đầu tiên là 4 người Ấn Độ mắc Covid-19 và lây nhiễm sang một nhân viên khách sạn Như Nguyệt 2 (TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái) và không thực hiện giám sát sức khỏe thêm 14 ngày đã khiến cho dịch lây lan ra 5 tỉnh, thành: Hà Nội 4 ca, Đà Nẵng 1, TPHCM 1, Hưng Yên 2 và Vĩnh Phúc 13 ca. Tiếp đến là trường hợp nam thanh niên ở tỉnh Hà Nam từ Nhật Bản về sau cách ly 14 ngày tại khu cách ly đã không tuân thủ cách ly tại nhà và đã làm dịch lan ra 14 người. Nhiều địa phương trong cả nước đã phải thức trắng đêm thần tốc thực hiện các biện phòng phòng chống dịch, truy vết F1, F2, thực hiện cách ly... từ các ca bệnh này.

Khu vực cách ly.

Khu vực cách ly.

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, việc chưa áp dụng đúng các quy định của Bộ Y tế đã khiến cho việc lây nhiễm chéo xảy ra. Đặc biệt là ý thức tuân thủ pháp luật của công dân, chuyên gia nhập cảnh vào Việt Nam là vô cùng quan trọng. Nếu người từ khu cách ly về tuân thủ các quy định như đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với người khác khi không cần thiết, khai báo y tế đầy đủ thì sẽ không có những vụ việc như vừa rồi xảy ra, không để bệnh lây lan sang các tỉnh... Việc đi uống bia, rượu, hát karaoke, không đeo khẩu trang... chính là vi phạm vào quy định áp dụng biện pháp phòng bệnh cá nhân sau 14 ngày cách ly tập trung.

Xác định được 2 mẫu gene của các chùm ca bệnh

Ngày 4/5, thông tin của Bộ Y tế cho biết, trước tình hình dịch Covid-19 ở các nước xung quanh Việt Nam đang diễn biến phức tạp, gần đây tại một số địa phương đã xuất hiện các chùm ca bệnh. Bộ trưởng Bộ Y tế đã chỉ đạo các viện đầu ngành tiến hành giải trình tự gene của những người mới mắc Covid-19 để đánh giá nguy cơ, có các biện pháp ngăn ngừa và phòng chống dịch phù hợp.

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã tiến hành lấy mẫu ở những bệnh nhân mắc Covid-19 tại Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hưng Yên, Hà Tĩnh để làm xét nghiệm giải trình tự gene, giúp xác định nguồn gốc. Kết quả như sau:

Tại Vĩnh Phúc lấy 3 mẫu của 3 bệnh nhân mắc Covid-19 là những nhân viên quán Bar Sunny, cho kết quả thuộc chủng B.1.617.2, là biến thể của Ấn Độ.

Tại Hà Nam lấy 6 mẫu, Hưng Yên lấy 2 mẫu, Hà Tĩnh lấy 2 mẫu (2 bệnh nhân mắc Covid-19 từ Lào sang Việt Nam qua đường bộ) đều cho kết quả thuộc chủng B.1.1.7, là biến thể của Anh.

TS Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, sáng ngày 4/5, Bộ Y tế đã có thông báo khẩn thực hiện lệnh chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 Vũ Đức Đam, hướng dẫn tạm thời chưa giải quyết kết thúc và cho ra khỏi khu cách ly tập trung (cả của quân đội, dân sự quản lý) đối với tất cả các trường hợp đã đủ điều kiện hết cách ly tập trung tối thiểu 14 ngày, xét nghiệm 2 lần âm tính. Lý do là thời gian gần đây có một số trường hợp hết cách ly tập trung vẫn ghi nhận (+) với SASR-CoV2, làm lây lan dịch. Thời gian thực hiện ngay từ 0h ngày 4/5 quyết định này cho tới khi có thông báo mới.

Phân tích với phóng viên KH&ĐS về thời điểm cách ly bao lâu là phù hợp, BS Trần Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, dựa trên những bằng chứng khoa học về lây nhiễm của SARS-CoV-2, hầu hết bệnh nhân có thời gian ủ bệnh trung bình là 5 ngày, chỉ khoảng 10% có thời gian ủ bệnh kéo dài hơn nhưng dưới 14 ngày, rất cá biệt mới có trường hợp ủ bệnh đến 21 ngày. Theo dõi báo cáo những ca bệnh nhập cảnh từ Trung Quốc, mới chỉ có 5 trường hợp thời gian ủ bệnh kéo dài trên 14 ngày, như vậy rất cá biệt.

Trên thế giới, ngoại trừ Trung Quốc, thì các quốc gia khác đặc biệt là phương Tây, chỉ khuyến cáo thời gian cách li tối đa 14 ngày. Ở Mỹ, CDC Hoa Kỳ khuyến cáo những người tiếp xúc với người nghi mắc Covid-19 thì nên cách ly 14 ngày. Tuy nhiên, CDC Hoa Kỳ cũng khuyến nghị tùy hoàn cảnh và nguồn lực địa phương, có thể lựa chọn rút ngắn thời gian cách ly, nhưng vẫn phải theo dõi triệu chứng và đeo khẩu trang đến hết 14 ngày.

BS Trần Văn Phúc nhấn mạnh, Mỹ là quốc gia có số bệnh nhân mắc Covid nhiều nhất thế giới, là siêu cường duy nhất với hệ thống y tế quá mạnh; với ba yếu tố đó giúp Mỹ tự tin rút ngắn thời gian cách ly và không cần giám sát thêm. Nhưng ở Trung Quốc, tùy từng địa phương, đang duy trì tiêu chuẩn cách ly ít nhất 14 ngày, có tăng thêm theo công thức (14 + n.7) tùy theo mức độ nguy cơ ở mỗi thời điểm. Ví dụ: Chiết Giang = (14 + 7 + 7) từ tháng 12/2020; Liêu Ninh = (14 + 7) từ tháng 12/2020; Bắc Kinh = (14 + 7) từ tháng 1/2021…

Việt Nam áp dụng công thức = (14 + n.7) và chọn n = 2, tức là thêm 14 ngày giám sát chặt chẽ tại địa phương. “Tôi đánh giá rất cao công thức tại thời điểm này bởi quả bom nhiệt hạch Ấn Độ đã phát nổ, mỗi rung chấn nhỏ cũng đủ làm Việt Nam lao đao. Hơn nữa, kinh tế Việt Nam còn khó khăn, hệ thống y tế không mạnh để chống chọi với thảm họa dịch bệnh, bắt buộc chúng ta phải kiểm soát được dịch để y tế không đổ vỡ", BS Trần Văn Phúc chia sẻ.

Cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19.

Cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19.

Việt Nam có tránh được đợt bùng phát lớn?

BS Trần Văn Phúc cho biết, kết quả giải phẫu bệnh trong đợt dịch lần này ở Việt Nam có virus đột biến tại Ấn Độ B.1.617. Đây là chủng virus đã khiến cứ mỗi phút quốc gia này lại có 215 ca nhiễm mới và 1 ca tử vong. Hiện đã có 22 quốc gia có chủng virus này và người ta vẫn chưa rõ nguồn gốc B.1.617 từ quốc gia nào.

Khi giải mã trình tự gene các nhà khoa học thấy chủng B.1.617 co rất nhiều đột biến khác nhau. Nhưng có hai đột biến được chú ý nhất, đó là đột biến E484Q có thể giúp virus lẩn tránh hệ miễn dịch, đột biến L452R có thể giúp virus lây lan nhanh hơn. Thực tế, virus tiến hóa có rất nhiều đột biến cùng lúc, vì thế mà hai đột biến như chủng B.1.167 không có gì lạ, thậm chí còn gặp thường xuyên ở SARS-CoV-2 trong suốt thời gian xảy ra đại dịch. Chưa thể nói “đột biến kép” B.1.617 là nhân đôi sự nguy hiểm.

Đột biến E484Q cũng tương tự như E484K, loại đột biến mà trước đó tìm thấy ở biến thể virus tại Anh, Nam Phi và Braxin; cũng như vậy đột biến L452R đã xuất hiện trong biến thể CAL.20C gây dịch bệnh ở California.

Theo BS Trần Văn Phúc, lý do dẫn đến thảm họa ở Ấn Độ không phải do B.1.617 đột biến mà do từ đầu năm 2021, các biện pháp chống dịch của nước này được nới lỏng, việc người dân mất cảnh giác tham gia các hoạt động công cộng trong trạng thái bình thường là không thể tránh khỏi. Đặc biệt nhất là lễ hội Kumbh Mela với dòng người Hindu hành hương khổng lồ, con số ước tính lên tới hàng trăm triệu, kéo dài hết tháng Tư. Trong lễ hội, đã có gần 5 triệu người cùng nhảy xuống sông Hằng tắm rửa tội, mỗi ngày có khoảng một triệu người tham gia hành hương cầu nguyện, họ chen vai thích cánh và không đeo khẩu trang vì cho rằng Ấn Độ đã miễn dịch, trong khi thực tế cả người đã nhiễm bệnh và người được tiêm văcxin chưa đến 10% dân số.

“Ở khu vực Đông Nam Á, từ Campuchia, Lào, Thái Lan cho đến Philippines dịch đang bùng phát mạnh mẽ, quốc gia nào cũng tiềm ẩn nguy cơ vỡ trận, trong đó có Việt Nam. Nhưng Việt Nam đã từng xuất hiện các ổ dịch do biến thể B1.1.7 của Anh xảy ra tại Hải Dương, Quảng Ninh, Sài Gòn, Hà Nội và một số tỉnh khác; nhưng chúng ta đã khống chế và dập tắt hoàn toàn. Vì vậy, tôi tin với sự chống dịch quyết liệt của Chính phủ và ý thức tuân thủ của mỗi người dân sẽ giúp Việt Nam lại chiến thắng B.1.617 một lần nữa”, BS Trần Văn Phúc nói.

Theo Đời sống
back to top