Đông y điều trị thoái hóa cột sống

(khoahocdoisong.vn) - Thoái hóa đốt sống cổ hay còn gọi là thoái hóa cột sống cổ, thoái hóa cột sống lưng là bệnh lý thoái hóa hệ thống xương cột sống do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Thoái hóa đốt sống cổ nếu không được khắc phục sớm sẽ làm hạn chế khả năng vận động, gây đau dây thần kinh vai gáy, nhức mỏi vai, tê mỏi cánh tay, khó vận động vùng cổ, gây rối loạn tuần hoàn não, gây đau đầu và rối loạn tiền đình với những biểu hiện thường gặp như chóng mặt, buồn nôn, khó giữ thăng bằng, mắt nhìn mờ, đổ mồ hôi, dễ bị ngất. Đối với y học cổ truyền, thoái hóa đốt sống cổ phần nhiều do chấn thương, viêm nhiễm, thoái hóa theo tuổi tác. Khi gặp tác nhân bất lợi như nhiễm phong hàn, chấn thương, khi khí huyết suy kém đều có thể đau tại khớp hoặc đau theo rễ thần kinh. Đau và hạn chế vận động ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt của người bệnh. Có thể điều trị bằng Đông y để trị bệnh lâu dài mà không ảnh hưởng sức khỏe.

Trường hợp đau khớp cổ gáy lan xuống vai tay: Phép trị chủ yếu bổ khí huyết khử hàn trừ thấp thông kinh lạc. Tốt nhất nên dùng bài thuốc uống gồm có vị khương hoạt 10g, xích  thược 16g, đương quy 16g, hoàng kỳ 14g, khương hoàng 14g, phòng phong 10g, tang chi 18g, cam thảo 6g, đại táo 3 quả. Tác dụng bổ khí huyết, dưỡng gân cơ, trừ phong hàn thấp. Nếu lạnh đau nhiều gia phụ tử, tế tân mỗi vị 6g. Bài uống rất thích hợp với trường hợp đau tê, đau mỏi cổ gáy dọc ra vai tay, tiền sử có thoái hóa khớp hoặc do lồi, thoát vị đĩa đệm, hẹp lỗ liên đốt cột sống cổ khi gặp lạnh đau tăng. Đây là bài thuốc hay, đã được nhiều thế hệ thầy thuốc chữa đau cổ gáy, tê mỏi chi trên, viêm quanh khớp vai.

Trường hợp thoái hóa  khớp thắt lưng, có khi đau lan chi dưới, đau cố định một chỗ:  Phép trị chủ yếu bổ khí huyết, dưỡng gân xương, trừ phong hàn thấp, nên dùng bài thuốc uống gồm có vị sinh địa 20g, đương quy 16g, xuyên khung 16g, xích thược 14g, đảng sâm 14g, phục linh16g, đỗ trọng16g, ngưu tất 12g, độc hoạt 10g, tang ký sinh 16g, tần giao 10g, tế tân 6g, phòng phong 10g, quế chi 12g, cam thảo 6g, đại táo 3quả. Cách dùng, sắc hoặc làm hoàn uống mỗi đợt dùng 5-10 thang hoặc hơn.  

Để tăng hiệu quả phòng trị đau thoái hóa khớp cổ ngoài uống trong nên kết hợp chữa ngoài. Khi mới bị đau nên dùng dầu nóng massage xoa miết dọc hai bên gáy xuống lưng “dọc kinh bàng quang” và hai bên vai xuống tay, lên xuống nhiều lần cho da ấm lên. Để phối hợp tăng hiệu quả phòng trị đau thoái hóa khớp vùng thắt lưng, ngoài dùng bài thuốc uống trong nên kết hợp phương pháp chữa ngoài như:  Nếu cơ vùng lưng co cứng nên dùng phương pháp day ấn massage bằng cách năm sấp trên giường phẳng cứng, dùng dầu nóng xoa day ấn hai bên cột sống dọc kinh bàng quang, đoạn thắt lưng xuống mông chân cho ấm, sau dùng hai tay đẩy vút dọc hai bên cột sống 3- 5 lần, tác dụng giãn cơ, giảm đau, tăng khả năng vận động. Kết hợp chườm, tùy theo dược liệu sẵn có thể dùng những bài sau:

   -Chườm lá ngải: Dùng lá ngải cứu hoặc lá lốt, lá đại tướng quân tươi xào nóng với muối, bọc trong túi vải đắp lên nơi đau vùng thắt lưng khi nguội lại xào ấm lại, ngày làm vài lần.

   - Chườm gừng: Dùng củ gừng to cắt lát mỏng 2-5mm đắp lên vùng đau thắt lưng vài tiếng thay mới, nếu cảm thấy nóng quá thì cắt lát mỏng hơn.

   - Chườm muối hạt: Dùng  muối hạt rang nóng bọc vào túi vải chườm lên vùng lưng đau.

   - Cứu điếu ngải: Dùng điếu ngải hơ nóng huyệt thận du, mệnh môn, thị huyệt chỗ đau vùng thắt lưng mỗi huyệt cứu 5-10 phút cho ấm là được. Các phương pháp trên đều có tác dụng khử hàn, trừ thấp, thư cơ thông khí lạc bớt đau, tăng vận động khớp.

Người bị thoái hóa khớp cổ và thắt lưng nên duy trì thường xuyên vận động cột sống, tự xoa bóp và tập dưỡng sinh, tốt nhất là tập môn Thái cực trường sinh đạo. Nếu người có tuổi, khí huyết suy kém cần ăn uống bổ dưỡng. Không nên cho quạt, máy điều hòa thổi thẳng vào người. Khi bị đau cổ gáy hoặc thắt lưng cấp không nên day ấn, hoặc cạo gió quá mạnh dễ bị co cơ làm đau tăng. Ngoài ra nếu đau quá mức tái phát nhiều lần cần đi khám chuyên khoa.   

Lương y Minh Phúc (nguyên PCT Hội Đông y Vũng Tàu)
 

Theo Đời sống
Hà Nội: Ca mắc rubella đầu tiên đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng bệnh

Bệnh rubella nguy hiểm thế nào?

Rubella là bệnh truyền nhiễm do vi rút Alphavirust genus và Rubivirus genus gây ra. Bệnh rubella có tính lây truyền cao dễ gây thành dịch lớn và đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai.
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top