Đồng Tháp: Nhiều cơ sở bảo trợ xã hội hoạt động không phép

(khoahocdoisong.vn) - Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) có Kết luận số 63/KL-TTr chỉ ra nhiều Cơ sở bảo trợ xã hội hoạt động không phép trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Hệ lụy, nhiều chính sách bảo trợ xã hội tại các đơn vị này đã thực hiện không đầy đủ, không đúng đối tượng.

Trợ cấp sai đối tượng

Kết luận thanh tra của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, Sở LĐ-TB&XH, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Tháp ban hành quyết định tiếp nhận 84 đối tượng đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Đồng Tháp là không đúng thẩm quyền theo quy định tại Điều 41, Điều 42 Nghị định số 103/2017/NĐ-CP của Chính phủ.

Kết luận thanh tra của Bộ LĐ-TB&XH chỉ ra nhiều tồn tại, sai phạm trong thực hiện chính sách trợ giúp xã hội tại tỉnh Đồng Tháp.

Kết luận thanh tra của Bộ LĐ-TB&XH chỉ ra nhiều tồn tại, sai phạm trong thực hiện chính sách trợ giúp xã hội tại tỉnh Đồng Tháp.

Tại thời điểm thanh tra, Chủ tịch UBND TP Cao Lãnh ban hành quyết định về việc trợ cấp xã hội đối với 106 đối tượng trên địa bàn không đúng nhóm đối tượng, sai thời điểm hưởng trợ cấp, chậm điều chỉnh trợ cấp đối với đối tượng khi thay đổi điều kiện hưởng. Trong khi đó, tại UBND huyện Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện ban hành quyết định về việc trợ cấp xã hội sai đối với 75 đối tượng.Cùng với đó, tại UBND TP Cao Lãnh, UBND huyện Thanh Bình chưa chỉ đạo phòng LĐ-TB&XH tổ chức hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng cho hộ gia đình, cá nhân chăm sóc, nuôi dưỡng theo quy định tại khoản 2, Điều 4 Thông tư liên tịch số 29/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC. Bên cạnh đó, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Tháp cũng không tham mưu cho UBND tỉnh tiến hành thanh tra việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định tại khoản 4 Điều 39 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Đồng thời, chưa hướng dẫn Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh lập hồ sơ để tổ chức thẩm định và cấp giấy phép hoạt động theo quy định.

Ngoài ra, UBND huyện Thanh Bình chưa hướng dẫn hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ thiết lập hồ sơ để xét duyệt hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng, chưa điều chỉnh giảm, tăng trợ cấp đối với đối tượng thuộc diện phải điều chỉnh.

Tiếp đến, UBND phường Mỹ Phú, UBND xã Mỹ Tân (TP Cao Lãnh); UBND xã Tân Bình (huyện Thanh Bình) đều chưa tổng hợp, báo cáo công tác xác định mức độ khuyết tật gửi phòng LĐTB&XH thành phố theo quy định. Phiếu xác định mức độ khuyết tật của các thành viên hội đồng xác định mức độ khuyết tật đối với một số đối tượng chưa đề xuất mức độ khuyết tật theo quy định tại Thông tư số 01/2019/TT-BLĐTBXH…

Trong 2 năm 2018 - 2019, UBND phường Mỹ Phú chưa chi trả đầy đủ kinh phí cho chủ tịch và thành viên hội đồng xác định mức độ khuyết tật, hội đồng xác định trợ giúp xã hội theo quy định. Tình trạng này cũng diễn ra tương tự tại UBND thị trấn Thanh Bình, huyện Thanh Bình.

Do hoạt động không phép

Kết quả thanh tra tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Đồng Tháp cho thấy, Trung tâm chưa được Sở LĐ-TB&XH tỉnh cấp giấy phép hoạt động theo quy định. Tại thời điểm thanh tra, Trung tâm chưa bố trí đủ diện tích phòng ở cho đối tượng người tâm thần theo quy định.

Tại thời điểm thanh tra, Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Đồng Tháp chưa có giấy phép hoạt động theo quy định.

Tại thời điểm thanh tra, Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Đồng Tháp chưa có giấy phép hoạt động theo quy định.

Song song đó, Trung tâm chưa bố trí ít nhất 1 nhân viên tâm lý theo quy định tại khoản 6 Điều 5 Thông tư số 33/2017/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2017 của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn về cơ cấu tổ chức, định mức nhân viên, quy trình và tiêu chuẩn trợ giúp xã hội tại cơ sở trợ giúp xã hội. Ngoài ra, Trung tâm cũng chưa lập kế hoạch trợ giúp xã hội, kế hoạch dừng trợ giúp và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng đối với đối tượng trở về địa phương sinh sống theo quy định; chưa xây dựng quy chế sử dụng tài sản, quy chế dân chủ cơ sở, quy chế công khai tài chính, quy chế kiểm toán nội bộ theo quy định…

Tương tự, tại cơ sở bảo trợ xã hội chùa Kim Bửu, Đoàn Thanh tra cũng phát hiện cơ sở này chưa được Phòng LĐ-TB&XH huyện Lấp Vò cấp giấy phép hoạt động theo quy định tại Nghị định số 103/2017/NĐ-CP. Tiếp đó, cơ sở này cũng chưa bố trí đủ bộ máy (không có bộ phận y tế - phục hồi chức năng, bộ phận công tác xã hội và phát triển cộng đồng) theo quy định; chưa lập kế hoạch trợ giúp xã hội, kế hoạch dừng trợ giúp và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng đối với đối tượng trở về địa phương sinh sống theo quy định.

Theo Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH, thủ tục quyết định tiếp nhận 13 đối tượng vào cơ sở bảo trợ xã hội chùa Kim Bửu là chưa đúng quy định tại khoản 3 Điều 41 Nghị định số 103/2017/NĐ-CP.

Trước những sai phạm trên, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH kiến nghị Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Tháp tổ chức khắc phục sai phạm và chấm dứt việc ban hành quyết định tiếp nhận đối tượng vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh; chỉ đạo Trung tâm tiếp nhận hồ sơ, xét duyệt và ban hành quyết định tiếp nhận theo quy định. Tham mưu cho UBND tỉnh tiến hành thanh tra việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định.

Theo yêu cầu của Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Tháp phải thông báo về những hạn chế, thiếu sót của UBND TP Cao Lãnh; UBND huyện Thanh Bình; UBND phường Mỹ Phú, UBND xã Mỹ Tân (TP Cao Lãnh); UBND thị trấn Thanh Bình, UBND xã Tân Bình (huyện Thanh Bình); Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh, cơ sở bảo trợ xã hội chùa Kim Bửu để rút kinh nghiệm, thực hiện kiến nghị có liên quan. Đồng thời, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân đối với những thiếu sót, sai phạm đã được chỉ ra qua thanh tra.

Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH cũng yêu cầu các đơn vị trên định kỳ hằng năm chỉ đạo Phòng LĐ-TB&XH tổ chức hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng cho hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng. Chấm dứt ngay việc ban hành quyết định trợ cấp xã hội không đúng đối tượng, sai thời điểm; định kỳ hằng tháng, tiến hành rà soát để đảm bảo điều chỉnh kịp thời khi đối tượng thay đổi điều kiện hưởng.

Mặt khác, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Đồng Tháp phải xây dựng quy chế sử dụng tài sản, quy chế dân chủ cơ sở, quy chế công khai tài chính và quy chế kiểm toán nội bộ theo quy định tại Nghị định số 141/2016/NĐ-CP. Riêng Chủ tịch UBND TP Cao Lãnh phải truy trả số tiền hơn 51,4 triệu đồng cho 106 đối tượng do xác định sai thời điểm hưởng so với quy định…

Theo Đời sống
back to top