Đông lạnh phôi, hỗ trợ sinh sản

(khoahocdoisong.vn) - Tiết kiệm chi phí cho bệnh nhân thụ tinh trong ống nghiệm, tăng tỷ lệ phôi sống sau rã đông 99%… là thành tựu mà PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan và các cộng sự thuộc Khoa Y Dược, Trường Đại học Y Dược TPHCM đạt được.

Công trình nghiên cứu so sánh việc chuyển phôi trữ với chuyển phôi tươi với các bệnh nhân không có hội chứng buồng trứng đa nang do PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan cùng các cộng sự Trường Đại học Y Dược TPHCM nằm trong danh sách đề của Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020. PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan cho biết, trước đây thụ tinh trong ống nghiệm luôn phải thực hiện chuyển phôi tươi. Lý do vì kỹ thuật đông lạnh phôi chưa tốt. Việc chuyển phôi tươi như vậy khiến nhiều bệnh nhân có thể bị quá kích buồng trứng hoặc có thể bị đa thai do phải chuyển nhiều phôi trong một lần.

Theo PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan, đóng góp của công trình là việc triển khai thành công kỹ thuật thủy tinh hóa trong thực hiện đông lạnh phôi, đây là một quy trình kỹ thuật khá mới mẻ nâng cao tỷ lệ sống của phôi sau rã đông, cao đến khoảng 99%. Công trình được đội ngũ thực hiện nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng một cách chuẩn mực, theo đúng chuẩn quốc tế, vì trong quá trình thực hiện nghiên cứu này, nhóm tác giả đã cũng đã kết hợp với nhiều nhóm nghiên cứu trên thế giới như Úc và có đội giám sát an toàn dữ liệu gồm các giáo sư người Hà Lan, người Anh

“Quá trình làm việc cùng với đội ngũ quốc tế như vậy đã cải thiện cái chất lượng của nghiên cứu, chúng tôi cũng học hỏi được nhiều kinh nghiệm và có thể tự tin triển khai được những công trình nghiên cứu có chất lượng cao, công bố trên những tạp chí quốc tế có những chỉ số tác động rất cao”, PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan chia sẻ.

Chị cho biết, hướng nghiên cứu trong tương lai vẫn tiếp tục xoay quanh vấn đề chuyển phôi này gồm: Giá trị điểm cắt nào của progesterone giúp đưa ra quyết định chuyển phôi tươi hay đông lạnh và nên thực hiện nuôi cấy phôi 3 ngày hay 5 ngày, hiệu quả thế nào. Nhìn chung, vẫn còn nhiều câu hỏi mở ra sau nghiên cứu chính đã được công bố trên. Thực tế, nhiều nhóm nghiên cứu trên thế giới vẫn đang tiếp tục nghiên cứu với cùng chủ đề  này. Lợi thế của nhóm nghiên cứu Việt Nam là việc thu thập dữ liệu nhanh chóng. Ngoài ra, với sự hỗ trợ của 2 giáo sư đến từ Viện Nghiên cứu hàng đầu ở Úc (GS Robert Norman và GS Ben Mol).

Theo Đời sống
back to top