Động đất ở Hà Tĩnh không bất thường

(khoahocdoisong.vn) - Theo các chuyên gia, động đất xảy ra ở khu vực này không phải là bất thường, người dân cần theo dõi thêm thông tin từ các cơ quan chức năng.

Chưa ghi nhận có động đất khu vực này

Vào khoảng 6h15 sáng nay (18/10), tại một số xã vùng ven biển huyện Kỳ Anh như: Kỳ Khang, Kỳ Phú, Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh) người dân phát hiện mặt đất có hiện tượng rung lắc, chỉ trong vòng chưa đầy 30 phút đã có 3 đợt rung lắc xảy ra. Thời điểm đó, mọi vật dụng trong nhà đều bị rung lắc. Do nghĩ có động đất thật nên một số người dân tại các xã vùng ven biển đã hốt hoảng chạy ra khỏi nhà để đề phòng sự cố bất trắc.

Ông Nguyễn Văn Trọng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Kỳ Anh xác nhận thông tin trên và cho biết, mỗi đợt rung lắc kéo dài khoảng 3 đến 4 giây. Nhiều người dân còn nghe thấy âm thanh như tiếng nổ trước mỗi đợt rung lắc. Hiện tại chưa có ghi nhận thiệt hại gì.

Ngay sau đó, Viện Vật lý Địa cầu cũng phát đi thông báo động đất. Vào hồi 23 giờ 05 phút 39 giây (giờ GMT) ngày 17 tháng 10 năm 2018 tức 06 giờ 05 phút 39 giây (giờ Hà Nội) ngày 18 tháng 10 năm 2018 một trận động đất có độ lớn 3.8 xảy ra tại vị trí có tọa độ (18.310 vĩ độ Bắc, 106.174 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 10 km.

Động đất xảy ra tại ngoài khơi khu vực biển Hà Tĩnh (Cách bờ biển huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh khoảng 5 km). Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.

Ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết, động đất xảy ra tại ngoài khơi khu vực biển Hà Tĩnh, cách bờ biển huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh khoảng 5 km). Hiện Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.

Ông Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu cho biết, trận động đất ở dải ven biển của huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh, trận động đất có độ lớn 3,8 độ richter. Hiện tại chưa có nhận định về nguyên nhân, nhưng chúng tôi cũng hơi ngạc nhiên vì từ trước đến nay khu vực Hà Tĩnh là vùng không có động đất được ghi nhận. Phải chờ thêm môt thời gian để xem các nguồn khác.

Không liên quan đến động đất ở Indonexia

Ông Nguyễn Hồng Phương  lý giải về tiếng nổ được người dân nghe thấy trước khi xảy ra rung lắc. Động đất cũng giống như một vụ nổ dưới lòng đất, do các lực phát sinh từ lòng đất lên giải phóng năng lượng từ lòng ruột của quả đất. Khi năng lượng đó thoát ra khỏi bề mặt trái đất sẽ gây ra tiếng nổ và làm rung lắc bề mặt Trái đất.

Đó là hiện tượng hết sức bình thường và tự nhiên của những vụ động đất. Những người ở gần tâm chấn bao giờ người ta cũng cảm nhận được tiếng nổ hoặc rung lắc nhẹ. Với độ lớn khoảng 3,8 độ richter, sâu 10km, trận động đất này thì có thể gây ra chấn động mà người dân địa phương có thể cảm nhận được.

Liệu trận động đất này có yếu tố nào liên quan đến trận động đất xảy ra ở Nhật Bản hay Indonexia thời gian vừa qua? Theo các chuyên gia, đây chỉ là trận động đất nhỏ và nông, không có tác động để gây ra thiệt hại nặng nề như ở Nhật Bản hay Philippines, Indonexia và không liên quan gì đến những trận động đất này. Trận động đất với độ lớn chỉ 3,8 độ richter cũng không có khả năng gây ra sóng thần.

Dù Hà Tĩnh chưa từng ghi nhận về động đất trước đây nhưng có thể cũng không có nguyên nhân gì bất thường ở trận động đất này. Đây có thể do một nguồn đứt gãy địa chất địa phương, có thể không được ghi nhận trên bản đồ nhưng vẫn có khả năng phát sinh ra động đất, nhưng là động đất nhỏ thôi, chỉ là nguồn mang tính địa phương, không mang tính khu vực.

Theo các chuyên gia, Việt Nam là một quốc gia nằm trên khu vực có mảng kiến tạo ổn định, ít khó khả năng xảy ra các trận động đất có sức phá hủy lớn. Tuy nhiên, người dân cần chuẩn bị và ứng phó với động đất bằng các kỹ năng được hướng dẫn.

Theo Đời sống
back to top