Động đất ngoài khơi Bình Thuận có gây sóng thần?

(khoahocdoisong.vn) - Về lý thuyết, các trận động đất ngoài khơi chính là nguyên nhân gây nên sóng thần. Vùng biển Việt Nam cũng có khả năng xảy ra sóng thần, song trước mắt chưa có những ghi nhận về khả năng này.

Động đất ở vùng có kiến tạo ổn định

Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo sóng thần cho biết, vào 6 giờ 31 phút 54 giây (giờ Hà Nội) ngày 15/7/2020, một trận động đất có độ lớn 4.0 xảy ra tại vị trí có tọa độ (10.398 độ vĩ Bắc, 108.295 độ kinh Đông), độ sâu chấn tâm khoảng 10km. Động đất xảy ra tại khu vực ngoài khơi biển tỉnh Bình Thuận. Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Hồng Phương, Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý Địa cầu) cho biết, đây là trận động đất nhỏ, ghi nhận được bằng máy, nằm ở cách xa khu dân cư nên không có gì nguy hại. Hiện nay, chưa phát hiện ra mô hình đặc biệt có thể gây ra trận động đất này, vì đây là vùng có tính ổn định về mặt kiến tạo. Nguyên nhân của trận động đất có thể phát sinh từ một đứt gãy nhỏ trong khu vực. Do đó, chính quyền địa phương nên đề phòng, sẵn sàng các công tác ứng phó. Tuy nhiên, vùng này từ trước đến nay không thuộc vùng có địa chấn hoạt động mạnh nên người dân cũng không cần phải quá lo lắng, chỉ cần đề cao cảnh giác.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Hồng Phương, với những trận động đất mạnh xảy ra ở ngoài khơi, người ta thường lo ngại nhất là khả năng xảy ra sóng thần. Tuy nhiên, trận động đất này quá nhỏ để có thể gây ra sóng thần nên người dân không có gì phải lo ngại. Ngoài khơi vùng biển các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa có hệ thống đứt gãy kinh tuyến 109 - 110 chạy qua, được coi là cái rốn của những trận động đất lớn nhỏ tại khu vực này. Trước đó, những năm 2010 - 2011, tại hệ thống đới đứt gãy này từng xảy nhiều một vài trận động đất, trong đó có trận động đất 5,1 độ richter xảy ra vào ngày 25/8/2011.

Vùng biển miền Trung thường xuyên có động đất

PGS.TS Nguyễn Hồng Phương cũng cho hay, khu vực miền Trung cũng từng xảy ra động đất ở các vùng biển ngoài khơi Nha Trang (Khánh Hòa), Tuy Hòa (Phú Yên), nhưng đây cũng chỉ là những trận động đất trung bình, không gây ra thiệt hại về tài sản và tính mạng của người dân, thậm chí người dân vẫn đánh bắt cá bình thường. Thực tế có nhiều trận động đất ngoài khơi mà con người không cảm nhận được, chỉ có máy móc mới ghi nhận được. Do vậy, theo các tính toán về chu kỳ xảy ra động đất ngoài khơi thì thời gian tới không có các trận động đất lớn. Năm 2010, khu vực này từng xuất hiện trận động đất mạnh 4,7 độ, tạo ra chấn động cấp 4 khiến người dân tại TPHCM cũng cảm nhận được dư chấn. Tuy nhiên, trận động đất mạnh ở mức trung bình nên không thể tạo ra sóng thần và gây ra những thiệt hại trên đất liền.

Đến nay các ý kiến về tác động của đới đứt gãy 109 - 110 độ Đông vẫn chưa thống nhất. Hầu như tất cả đều thừa nhận đới đứt gãy này đang hoạt động. Nhưng một nhóm cho rằng mức độ hoạt động sẽ không đáng kể, trong khi nhóm khác lại cảnh báo không nên xem nhẹ, thậm chí, có thể phải tính đến khả năng gây sóng thần do động đất từ đới này.

Theo TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, từ kết quả phân tích không gian các chấn tâm động đất cho thấy, khu vực Tây Bắc có độ hoạt động động đất mãnh liệt hơn nhiều so các khu vực khác. Trên cơ sở những nhận định trong quá khứ và dự báo tương lai, lãnh đạo Viện Vật lý Địa cầu đề xuất thực hiện dự án phân vùng rủi ro động đất và sóng thần theo quy định của Thủ tướng nhằm nâng cao chất lượng công tác cảnh báo tin động đất và phòng chống động đất. Ngoài ra, việc triển khai quan trắc động đất, trong đó có hệ thống cảnh báo sớm động đất cũng sẽ được thực hiện.

Theo Đời sống
back to top