Đóng bỉm cho trẻ: Bỉm tốt vẫn có thể viêm da

Cha mẹ đóng bỉm quá thường xuyên sẽ khiến da vùng kẽ bẹn, kẽ mông trẻ bị bí, cộng với nước tiểu ứ đọng làm tổn thương lớp biểu bì phía trên…

Trao đổi với phóng viên về những nguy hại của việc thường xuyên đóng bỉm cho trẻ, PGS.TS Nguyễn Duy Hưng – Tổng thư ký Hội Da liễu Việt Nam cho biết: Hiện nay, bỉm là sản phẩm được cha mẹ sử dụng cho trẻ nhỏ khá phổ biến, với mục đích để cha mẹ đỡ bận bịu hơn. Nhưng ngược lại, nó gây ra nhiều rắc rối. Kể cả bỉm tốt, của các hãng có uy tín cũng có thể gây một số bệnh lý cho trẻ nhỏ.

“Bác sĩ chúng tôi hay dùng thuật ngữ viêm da tã lót để chỉ những trường hợp trẻ bị viêm da do sử dụng bỉm, kể cả bỉm tốt.

Tôi đã từng gặp khá nhiều các cháu nhỏ được cha mẹ mang đến thăm khám vì viêm da do tã lót hoặc viêm da tiếp xúc do bỉm. Ngoài ra, những trường hợp trẻ bị nấm do đóng bỉm cũng rất nhiều, thông thường là nấm men hay còn gọi nấm candida.

Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do, cha mẹ đóng bỉm/tã quá thường xuyên sẽ khiến da vùng kẽ bẹn, kẽ mông trẻ bị bí, không thông thoáng, khí hậu vùng đó nóng ẩm cộng với nước tiểu ứ đọng làm tổn thương lớp biểu bì phía trên, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, vi nấm xâm nhập vào trong da và gây bệnh. Lúc này bé có thể bị viêm da nhiễm trùng hoặc viêm do nấm candida.

Bên cạnh đó, cha mẹ cần hiểu rằng, bỉm dù tốt đến đâu đi nữa thì trong bỉm vẫn có chất bảo quản. Những chất bảo quản này có thể gây dị ứng cho trẻ. Nhất là những chất bảo quản để tránh ẩm, mốc, tránh nhiễm khuẩn thì rất dễ gây dị ứng cho làn da non nớt của trẻ.

Hơn nữa, chẳng may cha mẹ mua phải bỉm không đúng chuẩn mực, không được kiểm nghiệm bởi các cơ quan chức năng thì lại càng nguy hiểm hơn. Bởi, chất liệu để làm nên những chiếc bỉm này không biết nguồn gốc ở đâu, những chất bảo quản trong những sản phẩm kém chất lượng này có thể là những chất rất độc hại, nguy cơ gây hại cho trẻ là rất lớn” – PGS.TS Nguyễn Duy Hưng chia sẻ.

Vậy nên, để đảm bảo an toàn cho trẻ, lời khuyên của vị chuyên gia này dành cho các bậc làm cha làm mẹ là phải chăm một chút, đừng có lười rồi đóng bỉm cho con làm con dễ mắc viêm da tã lót. Trong trường hợp phải dùng đến bỉm, cha mẹ cần thận trọng trong việc lựa chọn sản phẩm, nên chọn những sản phẩm của những cơ sở uy tín, chọn sản phẩm tốt có chứng nhận chất lượng của cơ quan cơ quan chức năng. Và điều cần lưu ý là không nên sử dụng quá nhiều bỉm cho trẻ.

Trước đó, ngày 22/4, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm buôn lậu – Bộ Công an vừa phối hợp với các đơn vị liên quan, phát hiện, xử lý 1 cơ sở buôn bán bỉm trẻ em giả với số lượng rất lớn.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng xác định có 1 máy nén, đẩy sản phẩm do Trung Quốc sản xuất; 1.740 bịch tã quần nhãn hiệu “Bobby” đã thành phẩm; 122.000 miếng tã quần chưa đóng gói; 4 kg tem sản phẩm; 360 kg túi nilon trắng và 105 kg bao bì sản phẩm nhãn “Bobby”.

Đặng Thành Lâm, chủ của cơ sở này khai nhận cơ sở sản xuất bỉm trẻ em này không có giấy đăng ký kinh doanh sản xuất hàng hóa, và thừa nhận đã mua bỉm trẻ em trôi nổi tại Trung Quốc về đóng gói, giả nhãn hiệu Bobby để bán kiếm lời.

Mỗi túi bỉm trôi nổi Lâm mua với giá 51.000 đồng/túi, loại 20 chiếc, sau đó vận chuyển về cơ sở, thuê người bóc bỏ vỏ ngoài, rồi cho bỉm Trung Quốc vào các bọc túi bỉm giả nhãn hiệu Bobby; trên túi bỉm in giá bán 215.000 đồng.

Vụ việc đã được Phòng CSKT CATP Hà Nội tiếp nhận để tiến hành điều tra, xử lý theo quy định.

Theo Linh Ly (GIADINHMOI.VN)

Theo Đời sống
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top