Đồng bằng sông Cửu Long là trung tâm năng lượng

(khoahocdoisong.vn) - Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) phát hành báo cáo nghiên cứu “Phân tích chi phí và lợi ích của các kịch bản nguồn điện từ góc nhìn của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” nhằm đóng góp vào việc xây dựng Quy hoạch điện 8.

Bà Ngụy Thị Khanh, Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID): Theo Quy hoạch điện 7 điều chỉnh (QHĐ7ĐC), ĐBSCL của Việt Nam sẽ trở thành một trung tâm năng lượng lớn của quốc gia với tổng công suất điện than và khí đạt 22.650MW vào năm 2030. Trong khi ĐBSCL có nhiều tiềm năng phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối nhưng chưa được đưa vào quy hoạch hiện hành. Vùng ĐBSCL có tiềm năng năng lượng tái tạo lớn, đặc biệt là điện gió và điện mặt trời. Theo quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo toàn quốc đến 2035, ĐBSCL có trên 68.600MW tiềm năng điện gió trên đất liền, hơn 31.500MW tiềm năng điện mặt trời. Ngoài ra, còn có tiềm năng điện sinh khối lớn nhất trong 7 vùng sinh thái.

Nghiên cứu tập trung phân tích 3 kịch bản nguồn điện. Trong đó, kịch bản 1 không có chính sách phát triển năng lượng tái tạo (NLTT), các nguồn điện được cạnh tranh tự do trên cơ sở chi phí và các ràng buộc khung. Kịch bản 2 đáp ứng mục tiêu phát triển NLTT, năng lượng tái tạo sẽ phát triển đảm bảo mục tiêu theo Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam giai đoạn đến 2050 đã được phê duyệt. Kịch bản 3 đáp ứng mục tiêu phát triển NLTT theo chiến lược và không phát triển thêm nhiệt điện than mới. Do vậy, kịch bản 3 là tốt nhất do ít gây ra ô nhiễm môi trường và ít gây ra ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng nhất.

Tới đây cần thiết phải tiến hành đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) về năng lượng ở cấp vùng cho ĐBSCL. Cần phải đánh giá tác động tích lũy của tất cả các dự án cùng lúc để đưa ra những quyết định chiến lược nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực trên diện rộng và mức độ nghiêm trọng. Cần đặc biệt chú ý vấn đề ô nhiễm nhiệt đối với sông ngòi vì thủy sản là một trụ cột của kinh tế vùng ĐBSCL, liên quan đến hệ sinh thái, văn hóa và sinh kế của người dân.

Phong Lâm

Theo Đời sống
back to top