Đổi tên thành “Trạm thu tiền”, có hết bất cập của BOT?

(khoahocdoisong.vn) - Theo các chuyên gia, việc đặt tên “trạm thu giá” hay “trạm thu tiền” không quan trọng bằng việc cải tổ, thay đổi hệ thống quản lý vận hành các trạm BOT sao cho minh bạch.

Loay hoay đổi tên

Bộ GTVT đang lấy ý kiến dự thảo thông tư về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ để thay thế cho Thông tư 49/2016 về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ. Điểm đáng chú ý theo dự thảo thông tư mới “trạm thu giá” được đổi thành “trạm thu tiền”. Đại diện Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông (Bộ GTVT) cho rằng, Luật Phí và lệ phí có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 đã đổi tên phí sử dụng đường bộ thành giá dịch vụ sử dụng đường bộ. Vì vậy, giá dịch vụ sử dụng đường bộ được điều chỉnh bởi các quy định của Luật Giá.

Năm 2018, Bộ GTVT đã đổi từ “trạm thu phí” thành “trạm thu giá” khiến dư luận có nhiều ý kiến thì nay lại muốn đổi thành “trạm thu tiền” với lý giải phí giao thông không có trong Luật Phí và lệ phí năm 2015. PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế - tài chính cho rằng, thời gian qua có nhiều ý kiến khác nhau về tên gọi của trạm thu phí BOT, đó là trạm thu tiền; trạm trả tiền; trạm thu giá... Tuy nhiên, tên gọi “trạm thu tiền” là đúng với Luật Giá hơn, bởi bản chất nhà đầu tư đã bỏ tiền ra để đầu tư đường, thu lại tiền của phương tiện lưu thông nhằm hoàn vốn dự án và trạm là nơi để thu tiền. Do người dân đã quen với tên gọi “trạm thu phí” nên nay Bộ GTVT đề xuất đổi về đúng bản chất là “trạm thu tiền” thì lạ tai, không quen nên có sự phản ứng mạnh. Còn trước đó đổi thành “trạm thu giá” thì tối nghĩa.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất không nằm ở tên gọi. Điều quan trọng hơn đối với hoạt động đầu tư BOT để tạo được sự đồng thuận trong xã hội là việc đưa ra những biện pháp khắc phục, sửa ngay những tồn tại, bất cập mà các cơ quan chức năng đã chỉ ra. Đó là vấn đề mức giá BOT, kiểm toán các trạm BOT, khoảng cách đặt các trạm BOT, vấn đề đầu tư, đội vốn...

Theo PGS.TS Hoa Hữu Lân, Viện Nghiên cứu Kinh tế Xã hội Hà Nội, nguyên nhân của nhiều đề xuất chính sách “trên trời” mà chúng ta chứng kiến trong thời gian qua là do những người xây dựng chính sách không xuất phát từ những vấn đề của cuộc sống. Đề xuất đổi tên các trạm thu phí BOT thành “trạm thu tiền”, Bộ GTVT đã không đối mặt với vấn đề có thật đang tồn tại là người dân phản ứng việc thu phí ở những trạm BOT không hợp lý chứ không phải ở tên gọi.

Quan trọng là thu phí hợp lý

Theo PGS.TS Hoa Hữu Lân, thực tế những bức xúc của người dân về các trạm BOT đã được các cơ quan chức năng chỉ ra. Quan trọng nhất là tính minh bạch của các dự án BOT thì không được giải quyết, thanh tra nhiều dự án BOT giao thông hiện nay cho thấy hiện tượng đội vốn lên tới hàng trăm tỷ đồng thậm chí hơn khiến cho mức thu phí đường “đội” lên, thời hạn thu phí phải kéo dài gây gánh nặng cho người dân. Rồi có tuyến đường BOT nhà đầu tư nói 1 ngày thu 1 tỷ đồng tiền phí nhưng dư luận phản ánh thực tế số tiền lên tới 3 - 4 tỷ đồng. Có nhiều trường hợp báo chí nói, trên 1 đoạn đường ngắn thôi mà có đến mấy trạm thu phí cầu đường để tăng nguồn thu cho doanh nghiệp bỏ vốn, thì rõ là một lỗ hổng trong quản lý, có quy định mà không thực hiện được.

Rồi doanh nghiệp tự ý bán vé, thu tiền của người đi đường, mà thậm chí cũng không có báo cáo tài chính, nhà nước không kiểm soát mỗi ngày phát ra bao nhiêu vé, tiền thu về là bao nhiêu, doanh thu thực có thể lên đến hàng chục tỉ, nhưng báo cáo chỉ có 1 tỷ thôi. Thế là doanh nghiệp tự ý thu phí, tự ý báo cáo... Thậm chí có tình trạng lợi ích nhóm, đại gia, ông này bà kia “chống lưng” phía sau để đầu tư, rồi chia chác lợi nhuận... Theo PGS.TS Hoa Hữu Lân, những vấn đề này phải làm rõ, hơn là đặt vấn đề tên gọi “trạm thu tiền” hay “trạm thu phí”.

Hiện chúng ta mới thí điểm xã hội hóa đầu tư về hạ tầng giao thông, trên cơ sở kêu gọi doanh nghiệp đầu tư bỏ vốn. Khi doanh nghiệp đầu tư thì hình như là Nhà nước cũng “phó mặc” để doanh nghiệp thu hồi vốn. Chủ trương này là đúng, nhưng giao thông là một hạng mục mang tính căn cơ của xã hội, không chỉ để vận chuyển đi lại mà nó còn gắn liền với mục đích khác nhau. Sức ép vận tải đè nặng lên sức ép giá cá, nên nó có tác động đến nhiều mặt. Không để thả nổi cho doanh nghiệp muốn thu bao nhiêu thì thu, Nhà nước có quản lý giảm sát nhưng lại lỏng lẻo, hình thức.

Để quản lý tốt hơn các dự án BOT, cần có phương án xét duyệt vốn đầu tư thật chặt chẽ để tạo ra được nguồn vốn “chuẩn” chứ không để đội vốn. Thứ nữa là phải có hợp đồng cam kết, nghĩa là với thời hạn như thế này có làm được không, nếu không thì phải chấp nhận, không có chuyện phát sinh vốn... Nhà nước phải quản lý chặt chẽ, không để các doanh nghiệp tự tung tự tác tùy tiện đặt ra các mức thu tiền người dân, gây ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế. Khi các trạm BOT minh bạch thông tin, từ tổng tiền đầu tư đến mức thu phí, thời gian thu phí hoàn vốn... Khi những bất cập đó được giải quyết thì gọi tên các trạm BOT là gì cho đúng với quy định sẽ là việc dễ dàng được chấp nhận.

“Bộ GTVT nên xem lại vấn đề quản lý của mình. Chỉ có mỗi tên gọi của trạm BOT mà đã 3 lần thay đổi chưa xong, lần nào cũng khiến dư luận bức xúc”, PGS.TS Hoa Hữu Lân cho biết.

Theo Đời sống
Rối loạn tâm thần do rượu trẻ hóa và tăng từ 5-10%

Rối loạn tâm thần do rượu trẻ hóa và tăng từ 5-10%

Hầu hết bệnh nhân vào viện trong tình trạng nặng, có nhiều bệnh lý kèm theo như viêm gan, xơ gan, tim mạch, dạ dày... Đặc biệt, nhiều bệnh nhân bị sảng run với các biểu hiện như: mê sảng, dễ bị kích động, không điều khiển được cảm xúc,…
back to top