Đọc chỉ số để biết cường hay suy giáp

(khoahocdoisong.vn) - Dù chưa có điều tra nhưng những năm gần đây bệnh lý tuyến giáp như cường giáp, suy giáp, bướu nhân, ung thư tuyến giáp, viêm tuyến giáp, basedow đến khám và điều trị tại bệnh viện này ngày càng tăng.

Đọc các chỉ số để biết bệnh

Bệnh lý tuyến giáp phổ biến nhất vẫn là các bệnh như cường giáp, suy giáp. Có một thực tế là, nhiều bệnh nhân đi khám nhưng chưa biết cách đọc các chỉ số xét nghiệm để biết mức độ bệnh của mình. Ths. BS Mai Văn Sâm, giảng viên chuyên khoa Nội tiết - Đái tháo đường, ĐH Y Hà Nội cho biết, để đánh giá chức năng tuyến giáp xem có bình thường, cường giáp hay suy giáp  hay không người ta dựa vào khám lâm sàng và các xét nghiệm. Các chỉ số xét nghiệm như TSH vô cùng quan trọng. TSH là hormon tuyến yên chỉ huy tuyến giáp tiết hormon tuyến giáp. Bình thường khi làm xét nghiệm, TSH nằm trong khoảng từ 0,2 đến 4,2 mU/L. Nếu TSH dưới 0,2 mU/L thì gọi là cường giáp. Nếu TSH trên 4,2 mU/L thì gọi là suy giáp.

Ngoài xét nghiệm TSH bác sĩ cho xét nghiệm đồng thời hormon tuyến giáp. Bình thường hormon tuyến giáp, FT4  nằm trong khoảng từ 12 pmol/L đến 22pmol/L. T3 từ 1,3pmol/L đến 3,1pmol/L. Ví dụ khi xét nghiệm nếu thấy TSH thấp dưới 0,2 mU/L mà FT4 trên 22 pmol/L , T3 trên 3,1pmo/L thì gọi là cường giáp; nếu không có các dấu hiệu lâm sàng của cường giáp như sụt cân, mạch nhanh, run tay chân, hồi hộp, nóng bức, có thể có lồi mắt, tiêu chảy, rối loạn kinh nguyệt .... thì gọi là cường giáp cận lâm sàng. Còn nếu có  các triệu chứng như trên cộng với xét nghiệm bất thường thì phải đến khám bác sĩ chuyên khoa để có chẩn đoán và điều trị chính xác nguyên nhân gây ra cường giáp. Ngược lại với ví dụ trên và với các triệu chứng trên thì gọi là suy giáp. Thực chất sự khác biệt giữa cường giáp và suy giáp rất dễ nhận thấy.

Những dấu hiệu nhận biết bệnh

Theo các chuyên gia, sự giống nhau giữa cường giáp và suy giáp nằm ở việc thay đổi sản xuất hormon tuyến giáp, cả hai bệnh này có chung một số triệu chứng như xuất hiện bướu cổ, yếu cơ, mất ham muốn tình dục, rối loạn cương dương…Đối với cường giáp, khi lượng hormon sản xuất quá nhiều sẽ khiến cơ thể bị kích thích quá mức, dẫn đến mất ngủ, tiêu chảy, run rẩy và khó chịu. Phụ nữ mang thai bị cường giáp tiềm ẩn nguy cơ sinh non, tiền sản giật, suy tim, con nhẹ cân. Trong một số trường hợp, cường giáp thường gây ra nhiều lo lắng hơn bởi nó gắn liền với cao huyết áp, có thể dẫn đến đau tim và đột quỵ.

Ngược lại, khi bị suy giáp, cơ thể sẽ không có đủ hormon, dẫn đến tình trạng mệt mỏi và không có năng lượng. Người bệnh có thể thấy mình tăng cân nhanh vì quá trình trao đổi chất của cơ thể diễn ra chậm chạp, không những thế, suy giáp còn ảnh hưởng nhiều đến khía cạnh tâm thần. Đối với thai phụ, khi có bệnh suy giáp không được điều trị sẽ tiềm ẩn nguy cơ cao gây dị tật bẩm sinh ở trẻ. Trẻ sinh ra từ người mẹ suy giáp có thể chậm phát triển trí tuệ và thể chất vì hormon tuyến giáp rất quan trọng cho sự phát triển trí não.

Đối với người bệnh suy giáp nói chung, bất kể suy giáp dạng nào cũng ảnh hưởng tới sức khỏe của tim, nguyên nhân do bệnh làm tăng cholesterol xấu, có thể dẫn đến chứng xơ vữa động mạch, làm cứng các động mạch gây tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ. Suy giáp có thể dẫn đến tích tụ chất lỏng quanh tim, gây tràn dịch màng ngoài tim, làm cho tim khó bơm máu hơn.

Phụ nữ mắc bệnh cường giáp hay suy giáp đều nguy hiểm vì nó ảnh hưởng đến sự rụng trứng, làm giảm khả năng thụ thai, bệnh nhân có thể gặp phải các vấn đề tâm lý nếu không được điều trị tích cực. Bệnh nhân suy giáp lâu ngày dễ rơi vào trầm cảm. Bệnh nhân cường giáp lại rơi vào hưng phấn, phấn khích quá độ, khó đi vào giấc ngủ.

Các bệnh tuyến giáp nếu không được điều trị sớm dễ gây ra các vấn đề như béo phì, tim mạch, trầm cảm và suy giảm tình dục. Với người bị suy giáp, các triệu chứng căn bản là mệt mỏi, sợ lạnh, tăng cân, da tóc khô, táo bón và đau khớp. Còn với cường giáp lại có triệu chứng là sợ nóng, mất ngủ, khát nước, giảm thị lực và vô sinh. Khi gặp các triệu chứng trên cần đến bệnh viện, bác sĩ cho làm các xét nghiệm để có phương án điều trị sớm.

Theo Đời sống
back to top