Doanh nghiệp thưởng "đậm" bằng ESOP, cổ đông nhỏ lẻ "nóng mặt" tại mùa ĐHCĐ 2021

ESOP là hoạt động cần thiết để níu giữ nhân sự của doanh nghiệp. Thông thường hoạt động này sẽ được cổ đông tán thành nếu tỷ lệ ESOP cũng như mức giá không quá "vô lý". Tuy nhiên, tại mùa ĐHCĐ năm nay, nhiều phương án ESOP đã khiến cổ đông trở nên bức xúc.

Mùa ĐHCĐ thường niên năm nay, với sự thăng hoa của thị trường chứng khoán và giá trị nhiều cổ phiếu được đẩy lên cao, phương án phát hành cổ phiếu thưởng cho người lao động (ESOP) được nhiều doanh nghiệp ưa chuộng nhằm giúp níu chân nhân viên và khích lệ động lực cống hiến vì công ty.

Tuy vậy, phát hành ESOP với tỷ lệ lớn cũng tác động một cách trực diện đến lợi ích các cổ đông hiện hữu. Nguồn vốn ưu đãi sử dụng lại chính từ tài sản của công ty, cùng với đó là sự pha loãng tỷ lệ sở hữu cổ phần tương ứng với tỷ lệ cổ phiếu ESOP được phát hành ra.

Hàng loạt phương án ESOP với số lượng lớn

Thời gian gần đây, thị trường chứng kiến hàng loạt doanh nghiệp thực hiện ESOP. Có thể kể đến như Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) khi phát hành 18 triệu cổ phiếu ESOP với giá bán là 10.000 đồng/cổ phiếu - tương đương khoảng 1/3 so với thị giá hiện tại là 28.000 đồng/cp. 

Ngân hàng TMCP Kỹ thương Techcombank cũng vừa có nghị quyết về việc phát hành hơn 6 triệu cổ phiếu ESOP với giá chào bán 10.000 đồng/đơn vị. Trong khi đó, cổ phiếu TCB đang giao dịch trên sàn ở mức 50.000 đồng/đơn vị.

Tại tổng CTCP Đầu tư phát triển xây dựng (DIC Corp, MCK: DIG), trong ngày 9/6, HĐQT đã thông qua phương án chào bán 15 triệu cổ phiếu ESOP với mức giá 15.000 đồng/cổ phiếu.

Trước đó, vào cuối tháng 5/2021, Tập đoàn Masan (MSN) đã công bố kế hoạch chào bán ESOP với hơn 5,85 triệu đơn vị, tương đương 0,498% cổ phiếu đang lưu hành. Giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu, bằng 1/10 thị giá hiện nay (110.000 đồng/cổ phiếu).

Chứng khoán SSI cũng là một công ty thường xuyên có những phương án ESOP với số lượng lớn. Đầu tháng 6, SSI đã công bố kết quả chào bán thành công 7,5 triệu cổ phiếu ESOP với giá ưu đãi 10.000 đồng/cp, chỉ bằng 1/5 thị giá đang giao dịch. Trong đó, số lượng cổ phiếu thành viên chủ chốt của SSI mua là 2,34 triệu đơn vị, chiếm 31,2% tổng lượng ESOP phát hành.

Chiều 15/6, ĐHĐCĐ năm 2021 của Chứng khoán SHS đã bỏ phiếu thống nhất phương án phát hành 4 triệu cổ phiếu ESOP tương đương 1,93% số cố phần đang lưu hành của công ty. Giá phát hành theo kế hoạch là 12.000 đồng/cổ phiếu.

Xung đột lợi ích với phương án ESOP

ESOP là hoạt động cần thiết để níu giữ nhân sự của doanh nghiệp. Thông thường hoạt động này sẽ được cổ đông tán thành nếu tỷ lệ ESOP cũng như mức giá không quá "vô lý". Tuy nhiên, tại mùa ĐHCĐ năm nay, nhiều phương án ESOP đã khiến cổ đông trở nên bức xúc.

Nổi bật trong số đó phải kể đến phương án chào bán ESOP với mức giá 0 đồng tại Tập đoàn Đất Xanh (DXG). Cụ thể, HĐQT DXG đã công bố tài liệu ĐHĐCĐ năm 2021 với phương án "gây sốc" khi phát hành 7 triệu cổ phiếu ESOP nhưng cán bộ nhân viên sẽ không phải trả tiền, nguồn vốn tài trợ hoàn toàn được lấy từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Nhà đầu tư ngay lập tức đã phản ứng mạnh mẽ với thông tin trên, vì lo ngại đợt phát hành riêng lẻ của DXG sẽ ảnh hưởng đến lợi ích cổ đông, bao gồm rủi ro pha loãng cũng như giá chào bán. Giá cổ phiếu quay đầu lao dốc thẳng đứng với 2 phiên nằm sàn liên tiếp. Làn sóng bán tháo dữ dội đến từ cả nhà đầu tư trong nước và đặc biệt là khối ngoại.

Đến ngày 11/6, Đất Xanh đã phải "bẻ lái", ra nghị quyết điều chỉnh kế hoạch phát hành ESOP với giá phát hành là 10.000 đồng/cp thay vì giá 0 đồng như trước đó. Cổ phiếu DXG lại lập tức đổi chiều, tăng kịch trần khi đóng cửa phiên giao dịch cùng ngày. Tuy nhiên, những phiên giao dịch trở lại đây, DXG lại tiếp tục điều chỉnh, thị giá chốt phiên 18/6 đạt mức 24.150 đồng/cổ phiếu. Việc liên tục thay đổi phương án phát hành của DXG phần nào ảnh hưởng tới niềm tin của giới đầu tư vào doanh nghiệp.

Doanh nghiệp thưởng đậm bằng ESOP, cổ đông nhỏ lẻ nóng mặt tại mùa ĐHCĐ 2021 - Ảnh 1.

Ngoài ra, nhắc đến việc phát hành cổ phiếu thưởng lớn thì không thể bỏ qua CTCP Đầu tư Thế giới Di Động (MWG). Liên tiếp nhiều năm trở lại đây, MWG duy trì chính sách phát hành ESOP khối lượng lớn nhằm kích thích tinh thần và giữ chân đội ngũ lao động. Bước sang năm 2021, MWG dự kiến tiếp tục phát hành cổ phiếu ESOP với tỷ lệ tối đa lên đến 3% số cổ phiếu đang lưu hành nhưng không quá 21,5 triệu đơn vị, giá phát hành chỉ 10.000 đồng/cp.

Việc phát hành liên tục với số lượng lớn của MWG đã không ít lần gặp phải sự phàn nàn của cổ đông công ty. Tuy nhiên, Chủ tịch MWG Nguyễn Đức Tài cho rằng, việc ESOP tồn tại sẽ giúp cả tập thể có động lực phấn đấu và nỗ lực vì công ty, đồng thời khẳng định vẫn sẽ ủng hộ chính sách này của MWG.

Doanh nghiệp thưởng đậm bằng ESOP, cổ đông nhỏ lẻ nóng mặt tại mùa ĐHCĐ 2021 - Ảnh 2.

Một thương vụ ESOP đáng chú ý khác trong thời gian gần đây diễn ra tại Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP) khi theo tài liệu ĐHĐCĐ, HĐQT trình lên phương án thưởng cổ phiếu cho cán bộ nhân viên chủ chốt (ESOP) với lượng cổ phần dự kiến là xấp xỉ 3,6 triệu đơn vị ứng với tỷ lệ rất lớn là 4,5% cổ phiếu đang lưu hành. Mức giá chào bán vẫn bằng mệnh giá là 10.000 đồng/cổ phiếu.

Trong khi đó, thị giá cổ phiếu SIP của Đầu tư Sài Gòn là một trong những cổ phiếu có mức giá thuộc top "đắt đỏ" nhất của sàn chứng khoán, hiện giao dịch quanh ngưỡng 180.000 đồng/cổ phiếu (chốt phiên 18/6). Tính theo mức giá này, lượng phát hành ESOP của SIP có giá trị lên tới 650 tỷ đồng. 

Không chỉ phát hành ESOP với tỷ lệ lớn kèm mức giá khá "bèo", việc SIP công bố phát hành thưởng phần lớn cho Thành viên HĐQT, Ban kiểm soát và nhân sự chủ chốt càng khiến nhiều nhà đầu tư bức xúc khi mà doanh nghiệp đặt kế hoạch kinh doanh đi lùi, giảm tới 53% so với thực hiện trong năm trước.

Doanh nghiệp thưởng đậm bằng ESOP, cổ đông nhỏ lẻ nóng mặt tại mùa ĐHCĐ 2021 - Ảnh 3.

Một trường hợp khác là Gỗ Đức Thành (GDT) khi ĐHCĐ đã thông qua phương án phát hành khoảng 850 nghìn cổ phiếu ESOP cho người lao động với tỷ lệ 5%, giá bán ở mức 10.000 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý hơn cả chính là việc GDT quyết định thời hạn chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2020 sẽ diễn ra sau khi đã phát hành ESOP, đồng nghĩa với việc những cổ phiếu ESOP mới phát hành trong năm 2021 cũng sẽ được nhận cổ tức năm 2020. 

Khi có cổ đông thắc mắc về vấn đề "khác biệt" này,  Chủ tịch HĐQT Gỗ Đức Thành - bà Lê Hải Liễu cho biết, đây là cách bù lại công lao xứng đáng của người lao động, mặt khác tỷ lệ ESOP chỉ chiếm 5%. "Một chút này chúng ta hãy nhường nhịn cho nhau để rồi có thêm trong tương lai", bà Liễu nhận định.

Diễn biến liên quan, Gỗ Đức Thành cũng gây bất ngờ với kế hoạch biến đối tác thành cổ đông trong công ty khi chào bán hơn 840 nghìn cổ phần cho các nhà cung cấp và đối tác có quan hệ mật thiết. Mặc dù doanh nghiệp vẫn tăng trưởng khá tốt, nhưng những kế hoạch phát hành của Gỗ Đức Thành phần nào khiến nhà đầu tư "nhỏ lẻ" cảm thấy không thực sự thỏa mãn.

Có thể nói, để doanh nghiệp tăng trưởng thì việc quan trọng hàng đầu là phải giữ chân người tài và một trong những giải pháp là thực hiện ESOP. Tuy nhiên, việc thực hiện ESOP cũng cần phải song hành với tăng trưởng của doanh nghiệp, cân bằng lợi ích của các cổ đông. Nếu không làm được điều này, doanh nghiệp sẽ đánh mất hình ảnh gây dựng, từ đó khó có cơ hội thu hút được cổ đông cũng như thu hút dòng vốn từ thị trường chứng khoán.

Theo cafef.vn
back to top