Doanh nghiệp phi ngân hàng khó tăng trưởng tốt trong năm 2020

(khoahocdoisong.vn) - Năm 2020 dự kiến là năm đầu tiên chứng kiến cả doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết suy giảm. Số liệu về kế hoạch kinh doanh 2020 cho thấy lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp phi ngân hàng ước giảm tới 20,5%.

Dựa theo báo cáo tài chính soát xét giữa niên độ của các doanh nghiệp phi ngân hàng đã niêm yết, chất lượng lợi nhuận của hầu hết các doanh nghiệp đều có chiều hướng đi xuống. Doanh thu giảm, trong khi tăng trưởng lợi nhuận không đến từ kinh doanh cốt lõi mà đến từ thu nhập tài chính. Lợi nhuận kém khiến khả năng chi trả lãi vay của nhiều doanh nghiệp ở mức thấp.

Có đến 10/18 ngành bị tác động tiêu cực của “sự đứt gãy” về cung cầu. Trong đó, du lịch và giải trí bị ảnh hưởng nặng nề nhất với doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế giảm lần lượt 67% và 494% so với quý 2/2019. Tiếp đến là dầu khí với lợi nhuận sau thuế giảm 130% do giá dầu thế giới giảm sâu.

Một số ngành được cho là “ít bị ảnh hưởng” bởi dịch bệnh như Công nghệ thông tin và Dược phẩm, bảo hiểm, chứng khoán… vẫn giữ được mức tăng trưởng khá về doanh thu và lợi nhuận.

Đáng lưu ý, nhóm ngành Phân bón cho dù đặt kế hoạch lỗ 338 tỷ đồng trong năm 2020, giảm 153% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng trong 6 tháng năm 2020 các doanh nghiệp nhóm này đã hoàn thành 40% kế hoạch doanh thu cả năm và ghi nhận mức lãi 143 tỷ đồng.

Thu nhập từ hoạt động tài chính tăng gần gấp đôi cùng kỳ năm 2019 đã giúp cho các nhóm ngành này giảm bớt được đà đi xuống của lợi nhuận. Khoản thu này chủ yếu đến từ việc thanh lý các khoản đầu tư (VIC, Vietjet…) hay thoái vốn công ty con (Novaland) đóng góp gần 8.000 tỷ đồng.

(Nguồn: Fiinpro)

(Nguồn: Fiinpro)

Theo số liệu của Fiinpro, hệ số đòn bẩy tài chính của các doanh nghiệp đang trong xu hướng tăng trở lại, do nhu cầu vay nợ tăng lên. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu lại bị bào mòn đáng kể do lỗ phát sinh.

Ba ngành có hệ số nợ vay trên Vốn chủ sở hữu (D/E) lớn nhất là Du lịch và giải trí là 119%, tài nguyên cơ bản 102%, Xây dựng và vật liệu 98%.

Hệ số đòn bẩy tài chính của ngành Bất động sản đã chạm mức 84%. Đây là mức cao nhất của ngành kể từ Quý 2/2014. Nguyên nhân là dòng tiền từ hoạt động kinh doanh giảm sút, các doanh nghiệp BĐS phải vay mượn nhiều hơn, trong đó có việc tăng cường phát hành trái phiếu để huy động vốn.

Dự tính doanh thu của khối phi Ngân hàng đến cuối năm 2020 sẽ giảm 4,3% so với năm 2019. Đây là mức suy giảm về doanh thu lớn nhất kể từ năm 2008, năm đầu tiên trong chu kỳ khủng hoảng 2008 - 2012.

Theo Đời sống
back to top