Doanh nghiệp Nông lâm nghiệp: Đổi mới, nhưng hiệu quả giảm, rừng mất còn nhanh hơn

(khoahocdoisong.vn) - Trước sắp xếp đổi mới, tổng doanh thu các công ty Nông lâm nghiệp là 21.980 tỷ đồng (bình quân 85,85 tỷ đồng/công ty), lợi nhuận sau thuế 3.520 tỷ đồng. Sau sắp xếp đổi mới, tổng doanh thu giảm còn 14.970 tỷ đồng (bình quân 68,35 tỷ đồng/công ty), lợi nhuận sau thuế 2.270 tỷ đồng.

Số liệu trên được nêu trong báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị và Nghị định 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.

Sắp xếp 160 công ty Nông lâm nghiệp

Báo cáo cho biết, theo 6 mô hình sắp xếp mà Nghị quyết số 30 đã quy định, tính đến ngày 30/6/2019 đã có 160/256 công ty nông, lâm nghiệp đã sắp xếp chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên hoàn toàn vốn Nhà nước và công ty trách nhiệm 2 thành viên. 

Cụ thể, mô hình công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh có 19/21 công ty (đạt 90,48%); công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước thực hiện nhiệm vụ sản xuất cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích 59/60 công ty (đạt 98,33%); công ty cổ phần 49/102 công ty (đạt 48,04%); công ty TNHH hai thành viên 15/40 công ty (đạt 38,46%); chuyển thành ban quản lý rừng 5 công ty (đạt 100%); giải thể 13/28 công ty (đạt 46,43%). 

Còn 69/256 công ty (chủ yếu là cổ phần hóa và chuyển thành công ty TNHH hai thành viên trở lên là 56/69 công ty) gồm: 44 công ty nông nghiệp, 25 công ty lâm nghiệp đang thực hiện sắp xếp chuyển sang hoạt động theo mô hình mới trong năm 2019, chiếm 26,95% tổng số công ty phải sắp xếp theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.

Hiện nay, còn 27/256 công ty chưa thực hiện sắp xếp, chiếm 10,54% tổng số công ty phải sắp xếp theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Chính phủ phấn đấu năm 2020 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp.

Báo cáo cho biết, nhiều công ty nông, lâm nghiệp sau sắp xếp, đổi mới theo mô hình cổ phần hóa và hai thành viên trở lên đã thu hút được nhiều nhà đầu tư có tiềm lực về tài chính, khoa học công nghệ, quản trị doanh nghiệp góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp.

Điển hình như: Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam trước khi cổ phần hóa vốn chủ sở hữu là 2.306 tỷ đồng, sau 4 năm tăng lên 4.387 tỷ đồng (tăng đến 190%), lợi nhuận trước khi cổ phần hóa là 164 tỷ đồng, sau 4 năm tăng lên 854 tỷ đồng; Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam trước khi cổ phần hóa vốn chủ hữu là 18.915 tỷ đồng, sau sắp xếp tăng lên 21.851 tỷ đồng, doanh thu trước khi sắp xếp là 15.357 tỷ đồng, đến năm 2018 đã đạt 22.868 tỷ đồng, lợi nhuận trước khi sắp xếp đạt 3.096 tỷ đồng, sau sắp xếp là 3.470 tỷ đồng…

Tuy nhiên, 5 năm vừa qua, sau khi được cổ phần hóa và đổi mới hoạt động, vốn chủ sở hữu ở các công ty này tăng lên, nhưng tổng doanh thu lại giảm, bình quân chưa đạt 70 tỷ mỗi công ty.

Cụ thể, vốn chủ sở hữu tại các công ty nông, lâm nghiệp là 24.800 tỷ đồng (bình quân 96,89 tỷ đồng/công ty), tổng doanh thu 21.980 tỷ đồng (bình quân 85,85 tỷ đồng/công ty), lợi nhuận sau thuế 3.520 tỷ đồng. Sau sắp xếp đổi mới, vốn chủ sở hữu tại các công ty nông, lâm nghiệp đã tăng lên là 27.840 tỷ đồng (bình quân 127,1 tỷ đồng/công ty), tuy nhiên tổng doanh thu giảm còn 14.970 nghìn tỷ đồng (bình quân 68,35 tỷ đồng/công ty), lợi nhuận sau thuế 2,27 nghìn tỷ đồng.

Cần cơ chế với 1,8 triệu ha đất

Quá trình phát triển của nông, lâm trường quốc doanh trải qua nhiều giai đoạn, gắn với các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển KT-XH của đất nước.

Giai đoạn 1955-1975, nhiệm vụ chủ yếu của nông, lâm trường là khai hoang, phục hóa đất đai, trồng rừng và phát triển kinh tế theo mô hình tập trung, tập thể. Giai đoạn 1976-1986, là thời kỳ phát triển mạnh mẽ cả về quy mô và số lượng, nông, lâm trường được hình thành, phân bố rộng khắp cả nước (khoảng 870 đơn vị; quản lý 7,5 triệu ha đất, bằng 23,2% diện tích tự nhiên của cả nước).

Đến trước khi sắp xếp (năm 2012) lâm trường quản lý sử dụng hơn 4,6 triệu ha, trong đó, nông trường quốc doanh quản lý 567.675 ha, lâm trường quốc doanh quản lý gần 4,1 triệu ha. Sau sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp giữ lại quản lý, sử dụng hơn 2,85 triệu ha. Diện tích đất các nông, lâm trường trả về địa phương 529.510 ha; diện tích các lâm trường chuyển sang Ban Quản lý rừng là hơn 1,45 triệu ha.

Đến nay, cả nước còn gần 260 công ty nông, lâm nghiệp, quản lý gần 1,86 triệu ha, chiếm 10% đất nông nghiệp cả nước.

Đất đai là vấn đề quan trọng, nhạy cảm, phức tạp và ảnh hưởng lớn tới phát triển kinh tế - xã hội địa phương đặc biệt là bảo đảm quốc phòng, an ninh, nhưng kể từ khi sắp xếp, tỷ lệ diện tích giao cho địa phương quản lý có phương án sử dụng còn rất thấp và tỷ lệ được phê duyệt còn thấp hơn trong khi người dân còn thiếu đất sản xuất.

Báo cáo nhìn nhận, tình trạng đất cho thuê, cho mượn, liên doanh liên kết, sử dụng đất không đúng đối tượng, mục đích còn tiếp diễn chưa được giải quyết dứt điểm. Trong khi đó, 1,8 triệu ha đất mà 256 công ty nông, lâm nghiệp đang sử dụng và quản lý phần lớn đều là ở những khu vực đắc địa, nhiều lợi thế nên cần phải có phương án sử dụng hiệu quả để có đóng góp cho quốc kế dân sinh.

Nhận định về sử dụng đất nông lâm nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề, “1,8 triệu ha đất này đóng góp gì cho quốc kế dân sinh, cho phát triển nông nghiệp Việt Nam, thậm chí, làm sao để nông, lâm trường dẫn dắt nông nghiệp Việt Nam phát triển, nhất là phát huy hiệu quả, nâng cao đời sống của nhân dân, đồng bào dân tộc, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội của vùng biên cương”.

Thủ tướng nhấn mạnh nguyên tắc “đất đai và tài nguyên rừng phải được giao cho những chủ thể trực tiếp để quản lý sử dụng hiệu quả”. Nghiêm cấm tình trạng phát canh thu tô, hưởng lợi trung gian. 

Đồng thời phải đầu tư, thúc đẩy sớm hình thành các vùng sản xuất nông lâm, sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, thâm canh, ứng dụng công nghệ gắn với công nghiệp chế biến. 

Các địa phương chưa đồng bộ, chặt chẽ, quyết liệt. Có dư luận về một số trường hợp cố tình làm chậm, làm trái, còn tình trạng lợi ích nhóm, gây thất thoát lãng phí lớn nguồn lực, tài nguyên đất đai, xâm phạm lợi ích của doanh nghiệp, tổ chức và người dân. 

Theo Đời sống
back to top